Cần tôn trọng người dân và cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề chất lượng nước sinh hoạt

(Baonghean.vn) - Trực tiếp thảo luận tại tổ 1 đã có 5/8 đại biểu đề cập đến vấn đề nước sạch sinh hoạt cho người dân thành phố và điều tiết nước phục vụ sản xuất cho vùng hạ du từ các nhà máy thủy điện.
 
Quang cảnh phiên thảo luận tổ 1. Ảnh: Thành Cường
Quang cảnh phiên thảo luận tổ 1. Ảnh: Thành Cường

Tham gia thảo luận tại tổ 1 có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò.

“Nóng” vấn đề nước sinh hoạt

Mở đầu cho vấn đề nước sinh hoạt cho người dân thành phố tại phiên thảo luận tổ 1, đại biểu Phạm Thị Hồng Toan (thành phố Vinh) thông tin: Chỉ trong vòng nửa năm, câu chuyện nước sinh hoạt với hàng loạt vấn đề liên quan công tác quản lý, chất lượng nước, giá nước, cung cách thái độ phục vụ, thủ tục ký lại hợp đồng dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt, lắp đặt đồng hồ… được Báo Nghệ An tiếp nhận khá nhiều đơn thư, phản ánh, bức xúc mà bạn đọc gửi đến. Với trách nhiệm của cơ quan báo chí, Báo Nghệ An đã thông tin, phản ánh khá dày dặn các vấn đề của thực tiễn đặt ra.

Nêu ý kiến, “không thể tăng giá nước khi chất lượng nước chưa đảm bảo và không thể để người sử dụng sản phẩm nước sinh hoạt thiếu được tôn trọng”, Tổng biên tập Báo Nghệ An Phạm Thị Hồng Toan kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan cần vào cuộc để giải quyết một cách sòng phẳng trên cơ sở tính toán lại giá nước theo đúng quy định của bảng giá UBND tỉnh đã ban hành, đồng thời tiến hành bồi thường cho người dân khi thu giá nước sai.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan (thành phố Vinh) cho rằng cần giải quyết đến tận cùng vấn đề nước sinh hoạt. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan (thành phố Vinh) cho rằng cần giải quyết đến tận cùng vấn đề nước sinh hoạt. Ảnh: Thành Cường

"Việc làm này là rất cần thiết và giải quyết đến tận cùng của vấn đề, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, vừa tạo ra một thói quen cho các cơ sở làm dịch vụ phải luôn tôn trọng người dân trong việc cung cấp sản phẩm chất lượng, kể cả tôn trọng các cơ quan quản lý Nhà nước" - đại biểu Phạm Thị Hồng Toan cho biết.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan cũng quan tâm đến việc điều tiết nước hợp lý từ các nhà máy thủy điện để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng hạ du trong điều kiện thời tiết nắng nóng và đảm bảo an toàn mùa mưa lũ. 

Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận Tổ 1. Clip: Thành Cường
Các đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Văn Lư và Cao Tiến Trung (thành phố Vinh) cũng đề nghị UBND tỉnh vào cuộc chỉ đạo các ngành liên quan xử lý dứt điểm các vấn đề bức xúc đang đặt ra và sớm công khai cho người dân; trong đó cần minh bạch về giá và chất lượng nước sinh hoạt hiện nay.
Quyền Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trường Giang khẳng định, sẽ hoàn trả cho người dân phần chênh lệch giá nước thô đầu vào tại địa điểm lấy từ sông Lam và sông Đào. Ảnh: Thành Cường
Quyền Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trường Giang khẳng định, sẽ hoàn trả cho người dân phần chênh lệch giá nước thô đầu vào tại địa điểm lấy từ sông Lam và sông Đào. Ảnh: Thành Cường

Liên quan đến vấn đề nước sinh hoạt, ông Lê Trường Giang - Quyền Giám đốc Sở Xây dựng đã giải trình một số vấn đề và khẳng định, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng các đơn vị cung ứng nước để xác định phần lấy nước thô đầu vào từ sông Đào để hoàn trả cho người dân phần chênh lệch giá nước thô đầu vào tại địa điểm lấy từ sông Lam và sông Đào.

Về chất lượng nước thô đầu vào, đại biểu Thái Văn Nông - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, điểm lấy nước đầu vào trên sông Lam được đặt hệ thống quan trắc tự động truyền về Sở 24/24h đều đảm bảo chất lượng; tuy nhiên, trên sông Đào, qua quan trắc tại các điểm cầu Mưng, cầu Mượu hàng năm, trong tổng số 13 chỉ tiêu thì có một số chỉ tiêu vượt quy định cho phép và để đánh giá nguồn nước trên sông Đào có ô nhiễm hay không thì Sở đang tiến hành quan trắc.

Băn khoăn về tốc độ tăng trưởng

Bên cạnh vấn đề nước sinh hoạt, vấn đề cũng được khá nhiều đại biểu thảo luận và đặt ra băn khoăn về tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm thấp, chỉ đạt 7,09% và để đạt tốc độ tăng trưởng 9 - 9,5% cả năm mà HĐND tỉnh đề ra thì đòi hỏi sự phấn đấu, quyết tâm lớn của cả hệ thống từ tỉnh đến cơ sở trong việc đề ra các giải pháp cụ thể.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Lư (thành phố Vinh), để giải bài toán về tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách thì UBND tỉnh và các ngành cần tập trung giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản để thúc đẩy các dự án được triển khai, trong đó cần điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ để tập trung nguồn lực. Liên quan đến thành phố Vinh, đại biểu Nguyễn Văn Lư đề nghị tỉnh hỗ trợ thành phố thu hút các dự án đầu tư địa bàn, trước mắt là hỗ trợ triển khai phố đi bộ và chợ đêm.

Đại biểu Nguyễn Văn Lư (thành phố Vinh) kiến nghị tỉnh cần tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư, tạo động lực phát triển, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Nguyễn Văn Lư (thành phố Vinh) kiến nghị tỉnh cần tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư, tạo động lực phát triển, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng. Ảnh: Thành Cường

Cùng băn khoăn đến tốc độ tăng trưởng, đại biểu Thái Văn Nông cho rằng, một trong những nguyên nhân cần tháo gỡ là nhiều dự án mang tính trọng điểm, “đầu tàu” kéo tốc độ tăng trưởng như như VSIP, WHA và một số dự án khác đang triển khai chậm. Thông qua hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu năm cho đến nay vẫn chưa có dự án lớn nào vào đầu tư thực sự.

Đề cập ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Dung (thị xã Cửa Lò) cho rằng, tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong thu hồi các dự án chậm để tạo cơ hội cho các dự án mới, nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư, đảm bảo tốc độ tăng trưởng và tăng thu ngân sách.  

Đẩy mạnh các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Ảnh tư liệu
Đẩy mạnh các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Ảnh tư liệu

Ngoài vấn đề nêu trên, tại Tổ 1, nhiều vấn đề liên quan đến giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh, các vấn đề dân sinh, bức xúc của nhân dân cũng được các đại biểu đề cập. Nêu thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đang chú trọng tiêu chí về hạ tầng và tình trạng nợ tiêu chí cán bộ, hệ thống chính trị, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường (thành phố Vinh) đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo triển khai đồng bộ các tiêu chí, đồng thời cần phát huy ý thức tham gia của người dân trong bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng gia đình, con người văn hóa…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường cũng đề nghị các cấp, các ngành quan tâm các giải pháp phòng, chống cháy nổ, nhất là trong khu dân cư, nhà chung cư cao tầng; xử lý nghiêm các hành vi phá hoại cây trồng của nhân dân…

Một số vấn đề ô nhiễm môi trường tại cảng Cửa Lò, tại Cụm công nghiệp Hưng Lộc và Đông Vĩnh (thành phố Vinh); bất cập trong thi công cầu Đen (thành phố Vinh)… cũng được đại biểu phản ánh.

Tin mới