Càng khó khăn, vất vả, phẩm chất người lính càng tỏa sáng

P.V: Thưa ông, rất nhiều thế hệ học sinh của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) còn nhớ đến ông,  một người thầy giáo dạy Ngữ văn, một người thương binh lên bục giảng với một cánh tay không còn nguyên vẹn. Chiến tranh đã lùi xa rất lâu rồi nhưng với ông, dư âm của cuộc chiến chắc vẫn còn hiện hữu hàng ngày. Đó hẳn cũng là điều không thể nào quên với tất cả những cựu chiến binh đã tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, giành độc lập cho dân tộc?

Ông Thái Khắc Hoàng: Không hẹn mà gặp, dường như năm nào những người lính chúng tôi cũng có những ngày để hội ngộ, đó là ngày 19/5, ngày mở đường Trường Sơn – Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, ngày 6/12 – ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam và ngày 22/12 – ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với riêng tôi, mỗi một lần gặp lại những đồng đội xưa là ký ức lại ùa về và chúng tôi dù đã lên ông, lên bà, tóc đã bạc, da đã đồi mồi nhưng mỗi lần được ngồi với nhau, tất cả đều như trẻ lại, giống như những người lính mới nhập ngũ năm nào.

Tôi vào binh nghiệp như một lẽ tự nhiên bởi tôi lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, các anh đều là cán bộ tiền khởi nghĩa. Học hết cấp 3 ở Trường Huỳnh Thúc Kháng, tôi thi đậu vào Trường Đại học Bách Khoa. Đang học đại học, chưa kịp tốt nghiệp thì tôi được điều về phục vụ hệ thống điện cho đơn vị phòng không ở thành phố Vinh. Từ đây tôi cũng đã chính thức nhập ngũ và được điều động vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 138, Trung đoàn phòng không 280 đóng tại núi Quyết, trực tiếp bảo vệ thành phố Vinh. Một trong những trận đánh mà tôi không thể quên được là trận đánh vào trưa ngày 5/8/1964. Khi ấy, hàng loạt máy bay phản lực Mỹ ào ạt tập kích thành phố Vinh, đánh trực tiếp vào cả kho xăng dầu. Để phản kích lại quân địch, lực lượng pháo cao xạ đã cùng với các lực lượng khác đánh trả quyết liệt và đánh rơi một máy bay địch và đó là chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi đầu tiên trên đất Bắc.

Đến năm 1968, để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân, tôi lại được lệnh đi B và được biên chế vào Đoàn 559 Trường Sơn, để bảo vệ hệ thống giao thông vận chuyển quân lương vào trong chiến trường. Đến tháng 5/1972, tại vùng Attapeu – Hạ Lào, trong một trận đánh bảo vệ ngầm Sesu, trận địa pháo cao xạ đơn vị của tôi bị trúng rocket thiệt hại nặng nề; nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh, riêng tôi bị mất cánh tay trái và nhiều vết thương khác trên cơ thể. Sau đó, tôi được đưa ra Bắc điều trị và được giám định với thương tật 65% và được hưởng chế độ thương binh 2/4. Vì vết thương ở cánh tay phải, nên tôi cũng phải ra quân, không còn cơ hội tham gia đến trận chiến cuối cùng.

P.V: Ông đã từng là một sinh viên Trường Đại học Bách Khoa với rất nhiều hoài bão về tương lai, nhưng ông đã chọn làm một người lính. Trong những giai đoạn khó khăn nhất, đã bao giờ ông nuối tiếc?

Thầy giáo Thái Khắc Hoàng bên những đồng đội cũ
Thầy giáo Thái Khắc Hoàng bên những đồng đội cũ

Ông Thái Khắc Hoàng: Khi đã quyết định chọn đời binh nghiệp, chúng tôi không nghĩ gì đến lợi ích bản thân và tôi cũng như nhiều người khác chỉ mong được vào Nam chiến đấu cho ngày hòa bình, độc lập dân tộc.

Bây giờ suy nghĩ của con người có thể sẽ khác bởi tùy hoàn cảnh, tùy giai đoạn lịch sử. Thời điểm chúng tôi, khi ấy đất nước đang có chiến tranh, thế nên không ai suy nghĩ tính toán về nghề nghiệp, về lợi ích bản thân mà chỉ theo yêu cầu của cách mạng là tham gia, là sẵn sàng nhập ngũ, không có một chút phân vân nào. Ngày ấy Tổ quốc và gia đình là một. Có Tổ quốc, có quê hương mới có gia đình. Cho đến khi về đi dạy, dù là bao cấp vất vả, đến mức một viên phấn cũng chia nhau dạy nhưng chúng tôi vẫn xem đó là điều bình thường, vẫn một lòng say mê, yêu nghề.

Sau này, ra quân, năm 1973 tôi được làm trưởng đoàn của những “cựu binh” ở Nghệ An ra Hà Nội thi đại học và tôi thi đậu điểm cao, đủ điều kiện để đi học Luật ở nước Đức. Nhưng cuối cùng tôi quyết định ở lại, theo học ngành Sư phạm ở Trường Đại học Vinh và cũng không nuối tiếc về sự lựa chọn của mình. Từ năm 1977 đến năm 2000, tôi dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. So với nhiều đồng nghiệp khác, tôi vào nghề muộn hơn và khó khăn hơn bởi sức khỏe của mình không được như người bình thường. Nhưng tôi yêu công việc này và trong quá trình dạy học tôi luôn tâm niệm học trò cũng là con, phải nắm được tâm lý từng lứa tuổi, phải nắm được tính cách từng học trò, để có thể uốn nắn các em.

Thầy giáo Thái Khắc Hoàng và các học trò cũ trong ngày hội trường
Thầy giáo Thái Khắc Hoàng và các học trò cũ trong ngày hội trường

P.V: Ông sinh năm 1940 và đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Nhưng dường như hiện nay, ông vẫn chưa một ngày nghỉ vì đang đảm nhận vai trò của Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh. Tại sao ông đã từng viết “về hưu là để hưởng vui tuổi già”, nhưng sau đó lại chọn công việc vất vả này?

Ông Thái Khắc Hoàng: Từ sau ngày về hưu tôi đã tham gia rất nhiều công việc ở địa phương, như tham gia Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học của phường Hà Huy Tập và Hội Bảo trợ. Năm 2012, khi Hội Người khuyết tật ở thành phố Vinh thành lập, tôi được mọi người bầu làm Chủ tịch Hội của thành phố và nay là Chủ tịch Hội Người khuyết tật của tỉnh. Quả thật, so với những hội khác, hội của chúng tôi rất khó khăn bởi Hội có trên 1.200 hội viên nhưng không có kinh phí hoạt động thường xuyên, không có phụ cấp, hội viên lại là những người yếu thế, tàn tật… Tuy vậy, tôi vẫn gắn bó với công việc này hơn 10 năm nay bởi có lẽ tôi vẫn “vấn vương chất lính trong ta/việc phường, việc hội đứng ra chịu sào…”. Tôi tìm thấy được niềm vui trong công việc này và tôi nghĩ rằng chỉ những người  “đồng bệnh tương lân”, người cùng cảnh ngộ, mới hiểu được người cùng cảnh ngộ. Tôi chọn công việc này bởi tôi đồng cảm với người khuyết tật, tôi hiểu họ và sẽ cố gắng để có những hoạt động thiết thực cho hội.

P.V: Như ông đã chia sẻ, việc duy trì một hội mà không có kinh phí là một điều rất khó khăn. Nhưng tôi được biết, những năm qua, Hội Khuyết tật tỉnh đã có khá nhiều việc làm thiết thực và ý nghĩa. Làm sao để duy trì được những hoạt động này trong điều kiện “đặc biệt” như vậy?

Ông Thái Khắc Hoàng: Để duy trì hoạt động, nhiều năm nay tôi thường xuyên liên hệ mật thiết với Hội Người khuyết tật Việt Nam và với Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng. Đây là một tổ chức phi chính phủ kết hợp với rất nhiều tổ chức phi chính phủ của nước ngoài để hỗ trợ những người bị tàn tật, yếu thế. Thông qua các tổ chức này, chúng tôi đã xin được nhiều dự án để triển khai ở tỉnh nhằm giúp đỡ, đấu tranh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người khuyết tật và phát triển tổ chức hội.

Hiện, trong 2 năm trở lại đây chúng tôi có một dự án đang được đánh giá cao, đó là dự án tăng cường năng lực ứng phó với bạo lực mang tính chất giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Đây là một dự án có ý nghĩa rất lớn với người khuyết tật, bởi qua đó chúng tôi dạy cho phụ nữ khuyết tật biết được quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, giúp họ nhận biết thế nào là bạo lực và việc bảo vệ theo đúng pháp lý.

Ông Thái Khắc Hoàng trao quà hỗ trợ cho người khuyết tật
Ông Thái Khắc Hoàng trao quà hỗ trợ cho người khuyết tật

Những năm qua, các dự án đã và đang triển khai cũng đã làm thay đổi nhận thức và suy nghĩa của người khuyết tật rất nhiều. Bởi lẽ, người khuyết tật rất thiệt thòi bởi họ được học ít và thường rất tự ti, ỷ lại vào chính khuyết tật của mình. Thế nên, dự án đã giúp người khuyết tật tự tin để tự vươn lên.

P.V: Hiện nay, Hội Người khuyết tật ở tỉnh nhà chỉ có hơn 1.200 hội viên nhưng con số thực chắc chắn sẽ nhiều hơn. Tôi cũng được biết, ngoài thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa mới thành lập được Hội Khuyến tật, còn lại chỉ là chi hội. Điều này cũng cho thấy, để xây dựng Hội Khuyết tật và duy trì hoạt động không dễ dàng. Cá nhân ông, là người đứng đầu hội, điều ông trăn trở nhất là gì?

Ông Thái Khắc Hoàng: Đúng vậy, vì sao chúng ta chưa có thể thành lập được các Hội ở cơ sở bởi để tìm được ra một người đứng đầu hội, gánh vác được công việc rất khó. Rất nhiều người khuyết tật hoàn cảnh còn nhiều khó khăn và ưu tiên số 1 của họ vẫn là mưu sinh, thay vì làm công tác hội.

Cá nhân tôi, qua nhiều năm làm công tác hội, trăn trở rất nhiều. Trong đó, trăn trở lớn nhất của tôi hiện nay đó là vẫn còn một bộ phận không nhỏ nhận thức về người khuyết tật vẫn chưa thực sự đầy đủ. Vì thế, người khuyết tật đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi hơn. Vì vậy, tôi mong thời gian tới, Nhà nước cần bỏ những tiêu chuẩn về hội đặc thù, coi các hội đều bình đẳng như nhau để các hội có điều kiện phát triển. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm đến người khuyết tật, làm sao để tất cả những người khuyết tật được khám, đánh giá mức độ khuyết tật, có thẻ đánh giá mức độ người khuyết tật để họ được hưởng các quyền lợi ưu tiên như đi tàu xe, đi khám bệnh, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế…

P.V: Nhập ngũ khi mới ngoài 20 tuổi và đến nay đã 82 tuổi ông vẫn bền bỉ, say mê với công việc. Vậy trong những hành trình đã qua, những ngày sống trong binh nghiệp đã ảnh hưởng như thế nào đến con người ông?

Ông Thái Khắc Hoàng: Phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ vẫn đi theo tôi cho đến ngày nay. Tôi vẫn nhớ, khi mới vào nhập ngũ, chúng tôi phải học 10 lời thề, 12 điều kỷ luật, quân lệnh như sơn, tính nghiêm túc, tính kỷ luật rất cao. Thế nên sau này, ở cương vị nào tôi cũng luôn đề cao tính kỷ luật.

Tinh thần người lính bao giờ cũng đặt sự xung phong, sẵn sàng hy sinh lên hàng đầu, lấy trách nhiệm đối với cuộc đời, đối với xã hội là cao cả. Càng khó khăn, vất vả thì phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ càng tỏa sáng.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!