Căng thẳng Mỹ - Trung ảnh hưởng tới tiến triển của vấn đề khí hậu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Việc Trung Quốc quyết định ngừng các cuộc đàm phán song phương với Mỹ về biến đổi khí hậu đã đặt ra nhiều hoài nghi rằng, liệu thế giới có thể gom góp đủ khát vọng để kịp thời giải quyết sự nóng lên toàn cầu, tránh xảy ra những tác động tồi tệ nhất hay chăng…
Quốc kỳ của Trung Quốc và Mỹ treo bên ngoài một cửa tiệm Trung Quốc. Ảnh: AFP

Quốc kỳ của Trung Quốc và Mỹ treo bên ngoài một cửa tiệm Trung Quốc. Ảnh: AFP

Ứng phó với biến đổi khí hậu từ trước tới nay luôn là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai siêu cường đồng thời là hai nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc đã đình chỉ các cuộc đàm phán về vấn đề này khi chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về khí hậu COP27. Truyền thông phương Tây cho rằng, đây là một phần trong động thái trả đũa trước việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan cách đây ít hôm.

Ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, và hiện là nhà ngoại giao hàng đầu về vấn đề khí hậu trong chính quyền Tổng thống Joe Biden, phát biểu: “Không quốc gia nào được kìm hãm tiến triển về các vấn đề xuyên quốc gia mang tính sống còn vì những bất đồng song phương. Dừng hợp tác không trừng phạt nước Mỹ, mà trừng phạt thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển”.

Trong vài năm qua, biến đổi khí hậu vẫn luôn là một con đường rộng mở cho sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, ngay cả khi căng thẳng leo thang trong các vấn đề khác như thương mại, nhân quyền, lao động cưỡng bức...

Giới chức Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường tham gia, can dự vào các vấn đề khí hậu trước thềm Thượng đỉnh khí hậu COP27 của Liên hợp quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tại Ai Cập. Song chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan trong tuần qua đã khiến Bắc Kinh nổi giận, kích hoạt các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc với quy mô chưa từng có tại các vùng biển và vùng trời quanh hòn đảo này.

Sự can dự song phương trước đó giữa 2 quốc gia đã giúp mở đường cho Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, và nối lại đàm phán quốc tế về khí hậu tại Glasgow hồi năm 2021.

Khi thượng đỉnh quan trọng về khí hậu sắp sửa diễn ra và các quốc gia đang chậm trễ so với những cam kết giảm phát thải mà họ đã đưa ra tại Glasgow, thì việc thiếu đi sự tham gia, can dự giữa 2 siêu cường được các nhà phân tích đánh giá là có thể làm đảo lộn các cuộc đàm phán và dần bào mòn khát vọng giữa các nước khác.

Bà Bernice Lee, Giám đốc điều hành Trung tâm Kinh tế Tài nguyên bền vững thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Chatham House đưa ra nhận định: “Người ta sợ rằng căng thẳng Mỹ - Trung có thể trở thành cái cớ cho những quốc gia không sẵn lòng tiến triển. Điều hết sức quan trọng là cộng đồng quốc tế, nhất là những quốc gia đang phát triển dễ bị ảnh hưởng, phải tiếp tục bảo đảm rằng các nguồn phát thải lớn tiếp tục thực hiện điều họ đã hứa hẹn”.

Ông John Kerry - Đặc phái viên của Mỹ về biến đổi khí hậu, thường nói đi nói lại rằng, Mỹ và Trung Quốc có thể tách riêng biến đổi khí hậu là lĩnh vực để thảo luận chung do nó có tầm quan trọng đối với toàn cầu mà không vướng vào các vấn đề phức tạp khác.

Khói bay lên từ khu vực Nhà máy Nhiệt điện Urumqi ở phía Tây Trung Quốc hồi tháng 4/2021. Ảnh: AP

Khói bay lên từ khu vực Nhà máy Nhiệt điện Urumqi ở phía Tây Trung Quốc hồi tháng 4/2021. Ảnh: AP

Thom Woodroofe, một thành viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Xã hội châu Á cho biết: "Việc để cho địa chính trị giờ đây chi phối vấn đề quan trọng hơn là khí hậu thể hiện sự thay đổi trong đường hướng của Bắc Kinh - từ nhìn nhận giá trị của việc tạo điều kiện để khí hậu trở thành một 'ốc đảo' độc lập trong mối quan hệ sang chấp nhận chịu thua trước những người suy nghĩ hoàn toàn thông qua lăng kính địa chính trị".

Sức ép trong nước có thể buộc Trung Quốc phải tiếp tục giải quyết một phần lượng khí thải của nước này, kể cả khi quan hệ ngoại giao nguội lạnh. Các nhà phân tích lấy ví dụ, Trung Quốc có thể tiến về phía trước cùng với kế hoạch cắt giảm khí metan. Được biết, hiện phần lớn khí thải metan của nước này xuất phát từ các mỏ than.

Joanna Lewis, giáo sư năng lượng và môi trường tại Đại học Georgetown cho biết: “Hiện đang có nỗ lực rất lớn từ các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc để đưa ra một kế hoạch trong nước nhằm hạn chế phát thải khí metan. Kể cả khi sự tham gia, can dự của quốc tế về chủ đề này tạm dừng, thì cuộc chiến trong nước về khí metan cũng sẽ không dừng lại vì nó là một phần rất lớn trong kế hoạch chiến lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát khí thải”.

Các nhà quan sát khác cũng cho rằng, việc tạm dừng các cuộc đàm phán có thể chỉ là tạm thời, như thực tế là Mỹ cùng Trung Quốc vẫn thường hợp sức, ngay cả trong bối cảnh quan hệ biến động nhiều năm qua.

Alden Meyer, cộng sự cao cấp của Công ty tư vấn E3G nhận xét: “Đây vẫn luôn là một mối quan hệ thăng trầm. Tôi nghĩ vấn đề đặt ra là liệu đây có phải động thái chiến thuật mang tính ngắn hạn của Bắc Kinh, nhằm gây chú ý với Washington, hay nằm trong sự điều chỉnh chiến lược dài hạn hơn, lớn hơn của Trung Quốc?”.

Tin mới