Cảnh báo đuối nước do đánh bắt cá, vớt củi mùa lũ ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Do mưa lớn liên tục, những ngày vừa qua địa bàn Nghệ An xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập úng trên diện rộng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều người dân vùng lũ vẫn liều mình ra dòng nước lớn để đánh bắt cá và vớt củi, gỗ. Trong đợt lũ vừa qua đã có người đuối nước tử vong khi chèo thuyền đánh bắt cá. 
Trẻ em xã Khánh Thành liều mình thả lưới dưới nước sâu. Ảnh: Văn Trường
Trẻ em xã Khánh Thành liều mình thả lưới dưới nước sâu. Ảnh: Văn Trường

Đánh bắt cá trong mùa lũ, nguy hiểm rình rập

Địa bàn xã Khánh Thành, Yên Thành những ngày qua mưa lớn, nước lũ từ khắp nơi đổ về gây ngập úng mênh mông. Hòa trong dòng nước lũ cuồn cuộn là rất nhiều tôm, cá, nên không ít người dân tranh thủ rủ nhau ra đồng đánh bắt.

Có mặt tại sông Vũ Giang, chúng tôi thấy một nhóm người đang thả lưới. Đồ nghề bắt cá khá đơn giản, chỉ là tấm lưới khoảng mấy chục mét. Có những chỗ nước sâu phải bơi vùng vẫy để kéo lưới, không đồ bảo hộ, không phao cứu sinh rất nguy hiểm.

Chưa kể trên cánh đồng này, người dân còn sử dụng khá nhiều thuyền tôn mỏng manh ra đồng nước lũ quăng chài, kéo lưới. Chứng kiến cảnh người dân bất chấp nguy hiểm, đánh cá trong mùa lũ bên dòng nước dữ, không ít người lo lắng cho họ.

Người dân xã Khánh Thành, Yên Thành dùng thuyền tôn mỏng manh thả lưới bên dòng sông Vũ Giang. Ảnh: Văn Trường

Người dân xã Khánh Thành, Yên Thành dùng thuyền tôn mỏng manh thả lưới bên dòng sông Vũ Giang. Ảnh: Văn Trường

Tuy nhiên, khi được hỏi người dân cho biết: Mùa lũ cá tôm nhiều hơn ngày bình thường nên phải tranh thủ đánh bắt cá cải thiện bữa ăn gia đình và kiếm thêm nguồn thu nhập. Tuy biết đánh cá mùa lũ nguy hiểm nhưng đi được nhiều cá rồi cũng ham, đánh bắt nhiều rồi cũng thành quen.

Huyện Yên Thành còn có nhiều hệ thống tiêu úng, những ngày này người dân một số địa phương đổ về tràn sông Dinh thị trấn Yên Thành để kéo vó, kéo lưới bắt cá. Nước sông Dinh tràn ngập qua cả bờ đê, người dân tranh nhau đứng ngay miệng tràn để kéo vó, thậm chí có nông dân còn liều mình lội ra giữa tràn nước để bắt cá, nguy hiểm đuối nước luôn rập rình.

Người dân kích cá điện ban đêm mùa nước lũ ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Văn Trường
Người dân kích cá điện ban đêm mùa nước lũ ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Văn Trường

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Địa bàn Yên Thành với hàng trăm hồ đập, nên khi có mưa lớn nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước các sông, và cánh đồng dâng lên rất nhanh. Để hạn chế tai nạn đuối nước có thể xảy ra, huyện đã chỉ đạo các xã vận động, khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, không ra sông, suối đánh cá, vớt củi khi đang có mưa lũ. Tuy nhiên vẫn rất khó giám sát, hiện vẫn có nhiều người dân đánh bắt cá, trong mùa mưa lũ, tiềm ẩn nguy cơ an toàn tính mạng.

Người dân không áo phao chèo thuyền thả lưới bắt cá trên dòng Sông Con, Tân Kỳ. Ảnh: Văn Trường.
Người dân không áo phao chèo thuyền thả lưới bắt cá trên dòng Sông Con, Tân Kỳ. Ảnh: Văn Trường.

Cần nâng cao ý thức phòng tránh

Địa bàn Nghệ An chỉ mấy ngày qua đã xảy ra khá nhiều vụ đuối nước do đánh bắt cá trong mùa lũ. Đơn cử, ngày 30/9, tranh thủ lúc nước lên, anh Lê Văn Pháp (35 tuổi, trú tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu), đi thả lưới bắt cá nhưng không may trúng chỗ nước sâu nên bị đuối nước. Trong quá trình hỗ trợ bà con nhân dân một số xã bị ngập lụt ở huyện Quỳnh Lưu, lực lượng Công an tỉnh nghe người dân tri hô có người bị đuối nước đã kịp thời cứu được.

Trước đó ngày 29/9, khi nước lũ dâng cao, hai người dân cùng trú tại xóm Mỹ Sơn, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương chèo thuyền xuống khu vực đồng ruộng thuộc khối Trung Đông, thị trấn Nam Đàn thì bị lật thuyền. Hậu quả một người đuối nước, tử vong.

Một số người dân ở xã Kỳ Sơn, Tân Kỳ liều mình bơi trên dòng nước sâu để bắt cá. Ảnh: Văn Trường

Một số người dân ở xã Kỳ Sơn, Tân Kỳ liều mình bơi trên dòng nước sâu để bắt cá. Ảnh: Văn Trường

Thời điểm này, có một số bà con ở các xã Thanh An, Thanh Chi (Thanh Chương) thường ra sông Lam để vớt củi, gỗ. Họ thường dùng thuyền nhỏ, đan bằng tre chèo ra giữa sông, vừa lái theo dòng nước chảy xiết vừa vớt củi rất hiểm nguy.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết: Huyện Thanh Chương đang tuyên truyền, vận động người dân không tham gia đánh bắt cá, vớt củi dọc 2 bên bờ sông, khe suối, hồ đập tràn... đề phòng tai nạn đuối nước. Tuy nhiên tình trạng trên vẫn xảy ra, chỉ tính trong đợt mưa lũ tháng 9/2022 có 2 trường hợp tử vong khi đi bắt cá mùa lụt.

Sau mưa lũ, nước trên sông Lam dâng cao, cuốn theo gỗ, củi từ thượng nguồn tràn về vùng hạ du. Từ Kỳ Sơn cho đến các huyện đồng bằng dọc sông Lam như Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương… không ít người dân đã đổ xô đi vớt củi bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra. Nghệ An có 7 người chết trong mưa lũ sau hoàn lưu cơn bão số 4, chủ yếu là do đi thả lưới bắt cá, bắt dế ở khu vực nguy hiểm, băng qua khu vực đập tràn nước chảy xiết.

Vớt củi trên dòng sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

Vớt củi trên dòng sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

Đại diện phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết thêm: Trước thực trạng xảy ra một số vụ đuối nước do đánh bắt cá trên địa bàn, huyện Nam Đàn đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân ở các vùng ngập nước không đánh bắt cá, vớt củi. Một số vùng đồng nước sâu vùng Bàu Nón xã Nam Thanh, vùng Bà Khe xã Nam Lộc… đều có biển cảnh báo, huy động lực lượng túc trực để nhắc nhở người dân không đánh bắt cá.

Ở Con Cuông, mặc dù đã được cơ quan chức năng, chính quyền vào cuộc nhưng số người tham gia vớt củi, đánh bắt cá, đi lại qua sông, suối khi nước lũ dâng cao vẫn không giảm. Trong những ngày mưa lũ, nguy hiểm rình rập, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, thậm chí nên có các biện pháp cứng rắn để bảo vệ tính mạng cho người dân.

Bất chấp nguy hiểm từ dòng lũ một số người vẫn bắt cá, lấy củi. Ảnh: Bá Hậu

Bất chấp nguy hiểm từ dòng lũ một số người vẫn bắt cá, lấy củi. Ảnh: Bá Hậu

Anh Vi Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, Con Cuông cho biết: Những ngày qua trên địa bàn xã chúng tôi có mưa to nước thượng nguồn đổ về nhiều. Tuy nhiên một số hộ dân đã vì cuộc sống mưu sinh mà bất chấp nguy hiểm, đánh bắt cá mùa mưa lũ. Trước tình trạng đó chúng tôi đã tuyên truyền đến từng hộ dân, đồng thời phối hợp công an xã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, bắt và tịch thu các phương tiện đánh bắt cá của những trường hợp không chấp hành.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông đã có công điện chỉ đạo đối với ban ngành, chính quyền các xã chủ động các phương án phòng chống mưa lũ. Cảnh báo và tổ chức kiểm soát tốt người qua lại tại các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập, có biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, nhận thức và chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại.

Hiện nay, cơ bản mưa đã giảm nhưng tốc độ nước rút còn chậm nên tình hình lũ, ngập lụt còn kéo dài trong những ngày tới.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương cần hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó với lũ lụt, trong đó lưu ý các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản, tránh chủ quan đi qua các ngầm tràn ngập sâu, nước chảy xiết, đánh bắt cá, vớt củi trên sông. Tránh các tai nạn đáng tiếc về người như một số trường hợp đã xảy ra trong thời gian vừa qua./.

Tin mới