Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại các cụm bản biên giới

(Baonghean.vn) - Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan khó kiểm soát tại một một số cụm bản ở nước bạn Lào có biên giới tiếp giáp với tỉnh Nghệ An. Vì vậy, nguy cơ bệnh dịch bùng phát thời gian tới rất cao.
DỊCH TẢ DIỄN BIẾN PHỨC TẠP TRONG MÙA MƯA BÃO
Theo báo cáo, tình hình bệnh  dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn Nghệ An đang diễn biến rất phức tạp, mầm bệnh đã xâm nhiễm vào một số gia trại chăn nuôi, số lượng lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy hàng ngày tăng, đặc biệt tại các huyện có tổng đàn lợn lớn, mật độ chăn nuôi cao như: Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn.

Vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, tính đến ngày 4/9/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 3.799 hộ thuộc 650 xóm của 181 xã, 18 huyện. Tổng số lợn buộc tiêu hủy: 16.824 con, tổng trọng lượng lợn tiêu hủy là 766.112 kg.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đã ký công điện (ngày 6/9) về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Diễn Xuân (Diễn Châu). Ảnh Mai Giang
Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Diễn Xuân (Diễn Châu). Ảnh Mai Giang
Hiện nay, mầm bệnh đã phát tán rộng, số lượng lợn tiêu hủy nhiều, công tác xử lý môi trường tại các hố chôn lợn nhiều địa phương chưa triệt để, kết hợp với thời tiết diễn biến bất lợi, bắt đầu mùa mưa bão gây ngập úng, xác chết động vật, chất thải từ các cơ sở thu gom, giết mổ, chăn nuôi... trôi dạt trong nước làm phát tán mầm bệnh. 
Bên cạnh đó, tại Lào, bệnh DTLCP đang lây lan khó kiểm soát tại một một số cụm bản có biên giới tiếp giáp với tỉnh Nghệ An. Vì vậy, nguy cơ bệnh DTLCP bùng phát thời gian tới rất cao.
Nội dung công điện.
Nội dung công điện.

HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC PHÒNG, PHÒNG CHỐNG DỊCH

Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục phát sinh, khống chế dịch trong diện hẹp. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp.
UBND các huyện, thành phố, thị xã huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị quyết liệt phòng, chống bệnh DTLCP, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay và thời gian tới. 
Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch: Kinh phí hoạt động đoàn liên ngành, điểm chốt chặn kiểm soát dịch bệnh, kinh phí mua vật tư, vôi bột, hóa chất khử trùng môi trường chăn nuôi, hố chôn lợn; chi trả thù lao phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh...
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, báo cáo, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên động vật; tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh. Đảm bảo nghiêm túc về an toàn sinh học trong công tác lấy mẫu, tiêu hủy, phòng, chống dịch tránh lây lan dịch bệnh.
Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn trên địa bàn. Nghiêm cấm việc giết mổ lợn trong vùng dịch mà không xét nghiệm bệnh DTLCP; cấm bán thịt lợn rong, vỉa hè; cấm vận chuyển lợn, thịt lợn và các sản phẩm lợn bằng phương tiện không đảm bảo vệ sinh thú y; không thu gom, xử lý chất thải...
Thịt lợn bày bán tại các chợ. Ảnh: Xuân Hoàng
Thịt lợn bày bán tại các chợ. Ảnh: Xuân Hoàng
Thực hiện nghiêm việc quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn, kiểm soát vận chuyền lợn theo các hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.
Chỉ đạo UBND cấp xã huy động các lực lượng của địa phương tổ chức phát hiện, kịp thời thu gom, tiêu hủy xác lợn chết vứt ra ngoài môi trường (sông, ngòi, kênh, rạch, vườn, bãi rác,...) trong vòng 12 giờ kể từ khi phát hiện xác lợn chết theo quy định; chấm dứt ngay tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh phòng bệnh...
Hiện nay, nguồn cung cấp thịt lợn giảm thấp, do vậy thời gian tới giá thịt lợn sẽ tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi muốn tái đàn, khôi phục sản xuất; khuyến cáo các hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ chưa vội tái đàn lợn vì nguy cơ tái phát dịch bệnh rất cao nếu không áp dụng nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh; trước mắt nên chuyển sang chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm để bổ sung nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.
Người dân xã Nghi Văn (Nghi Lộc) chăm sóc lợn với phương châm cửa đóng then cài. Ảnh: Quang An
Người dân xã Nghi Văn (Nghi Lộc) chăm sóc lợn với phương châm cửa đóng then cài. Ảnh: Quang An
Các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương có đường biên giới giáp với địa bàn các huyện đang có bệnh DTLCP của nước Lào, đặc biệt tại các cụm bản: Viêng-Phăn, Sầm-Tớ, Phần Xa Vằn, Phản Ngam, cụm Mường Pao, huyện Sầm Tớ; Cụm bản Na-Nắng, Mường Quán, Hôm-Phăn, huyện Quản thuộc tỉnh Hủa Phăn phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Địa phương nào chủ quan, không quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để xảy ra việc cơ sở giám sát dịch bệnh kém, báo cáo dịch chậm; lơ là trong việc lập chốt, trực chốt, tháo dỡ chốt khi địa phương đang có dịch; bán rong thịt lợn; tiêu hủy lợn không đúng quy định... để dịch lây lan ra diện rộng, khó kiểm soát, chủ tịch UBND cấp huyện đó bị phê bình trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Tin mới