Bài 1: Những vết nứt bí ẩn

Hơn nửa tháng nay, chính quyền xã Châu Khê (Con Cuông), phải cắt cử lực lượng túc trực 24/24 ở bản Bủng Xát đề phòng lở núi. Lực lượng này có nhiệm vụ quan sát, cảnh báo kịp thời đến người dân sơ tán nếu những vết nứt có diễn biến bất thường. Cách chốt trực của cơ quan chức năng không xa, từng nhóm người “tụm năm, tụm 3” không thôi bàn tán về những vết nứt bí ẩn này; những ánh mắt lộ rõ sự hoang mang. “Tôi sinh ra ở đây, rồi lấy chồng cũng sinh sống ở đây luôn. Từ nhỏ đến giờ chưa thấy tình trạng này bao giờ”, bà Lộc Thị Diễn (62 tuổi) nói.

Theo ông Nguyễn Thế Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Khê, vết nứt này xuất hiện sau trận mưa lớn vào ngày 29/10. Ngay lập tức, xã phải sơ tán 17 hộ với hơn 50 nhân khẩu đến nơi an toàn. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nghệ An, vết nứt rộng chừng 1 mét, có nơi sâu 2 mét và đang lớn dần. Vết nứt này chạy theo hình vòng cung khoảng 200 mét, xé toạc cả một triền núi tách rời hẳn với phần còn lại. Ngay dưới chân núi là tuyến đường nhựa liên xã, chạy ven lòng hồ thủy điện Chi Khê. Hàng chục ngôi nhà sinh sống lâu đời dọc tuyến đường này.

Khu vực vết nứt xuất hiện ở bản Bủng Xát
Khu vực vết nứt xuất hiện ở bản Bủng Xát

Khu vực vết nứt xuất hiện vốn là cánh rừng tre do người dân trồng từ nhiều đời nay. Theo ước tính của Phó Chủ tịch UBND xã Châu Khê, lượng đất, đá bị tách rời hoàn toàn khỏi triền núi khoảng 500.000 khối. “Nếu mưa tiếp, nguy cơ sẽ đổ ập xuống, không chỉ cuốn luôn nhà dân mà cả tuyến đường nhựa cũng sẽ bị cuốn phăng xuống lòng hồ thủy điện”, ông Nguyễn Thế Anh nói và cho rằng, giải pháp tối ưu nhất để xử lý tình trạng này là nổ mìn khối đất, đá này. Với hàng trăm nghìn khối đất đá đang lơ lửng, người dân ở đây ví rằng, nó như một “quả bom đất”, chực chờ phá tan hàng loạt nhà cửa xung quanh.

Bản Bủng Xát nằm kẹt giữa 2 nhà máy thủy điện. Phía dưới hạ lưu là thủy điện Chi Khê, còn ngược lên phía trên chừng 5 km là nhà máy thủy điện Suối Choăng. Nhiều diện tích đất đai, mặc dù theo đánh giá tác động môi trường ban đầu, nằm trên cốt ngập nhưng kể từ khi thủy điện Chi Khê tích nước, chúng hoàn toàn chìm dưới lòng hồ. Kể từ khi vết nứt xuất hiện, người dân thường bàn tán tìm nguyên nhân và cho rằng do thủy điện tích nước nên mới xuất hiện vết nứt, uy hiếp đến dân làng. “Tuy nhiên, đó cũng chỉ là người dân họ đoán vậy thôi, chứ nguyên nhân do đâu thì cần phải căn cứ theo khoa học. Hiện chúng tôi vẫn không biết vì đâu”, lãnh đạo xã Châu Khê nói.

Cùng chung cảnh ngộ với bản Bủng Xát, 36 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu của bản Nam Tiến 2 (xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn), nhiều tháng nay cũng sống trong thấp thỏm vì những vết nứt bí ẩn chạy quanh núi, nơi dân làng đã sinh sống ổn định từ nhiều đời nay. “Ai cũng lo lắm. Từ trước đến giờ chả thấy. Cứ sợ mưa lớn mà sạt một cái là chôn vùi luôn cả bản”, ông Cụt Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Nam nói và cho hay, chính quyền và cả người dân ở đây không rõ nguyên nhân xuất hiện những vết nứt này.

Theo quan sát của phóng viên, có khoảng 5 vết nứt, mỗi vết sâu khoảng 2 mét, rộng gần 1 mét chạy dài hàng trăm mét ngay cạnh khu dân cư. Có nhiều điểm từng lớp đất đã sụt xuống thấp hơn trước đây hơn 1 mét. Những tảng đất đá khổng lồ đang dần tách rời, nguy cơ trôi tuột xuống khe suối bất cứ lúc nào. Chính vì thế, mỗi lần mưa lớn, chính quyền đều phải đến để vận động người dân sơ tán tới nơi an toàn. “Không thể sống được ở đây nữa rồi. Sớm muộn gì rồi nó cũng đổ ập xuống. Cần phải di dời cả bản thôi”, ông Thắng nói thêm.

Cán bộ xã Bảo Nam kiểm tra vết nứt ở bản Nam Tiến 2.
Cán bộ xã Bảo Nam kiểm tra vết nứt ở bản Nam Tiến 2.

Cũng tại huyện Kỳ Sơn, sau một thời gian ngắn các vết nứt được hình thành, sau trận mưa lớn vào trung tuần tháng 9 vừa qua, hàng loạt điểm trên tuyến đường vào xã Na Ngoi cùng bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng trăm khối đất đá đã bị nứt gãy từ trước đổ ập xuống, làm chết 8 con trâu của người dân. Sạt lở cũng làm tuyến đường vào xã bị hư hại nghiệm trọng, có đoạn kéo dài hàng trăm mét bị khối đất đá cao hơn 2 mét vùi lấp. Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn còn có hàng chục điểm xuất hiện các vết nứt ở trên núi, đe dọa đến tính mạng của người dân sống phía dưới.

Trong khi đó, tại xã Mai Sơn (Tương Dương), người dân bản Phá Kháo cũng phải sống trong lo lắng suốt 2 năm nay vì hàng loạt vết nứt bí ẩn. Trong đó, vết nứt chính dài gần 1km vây quanh bản. Chiều rộng của các vết nứt này có nơi gần 1 mét, sâu hơn 2 mét. Đặc biệt tại khu vực điểm trường Tiểu học và Mầm non Phá Kháo, các vết nứt chằng chịt khiến sàn nhà bằng bê tông vỡ tan… Lo ngại an toàn tính mạng cho cả thầy lẫn trò, khi mà những vết nứt này có dấu hiệu ngày càng lan rộng, chính quyền đã quyết định di dời trường học.“Vết nứt thì cứ lan rộng. Nằm ngủ cũng không yên, đặc biệt mỗi lần mưa xuống, vì lo sợ sạt mất nhà cửa”, ông Và Bá Nhiên (60 tuổi), nói. Nhiều đoàn khảo sát cũng đã về đây nhưng cho đến nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân xuất hiện các vết nứt này. Trong khi đó, nỗi lo lắng của người dân đang dần ngày càng tăng lên, tỷ lệ thuận với độ lớn của những vết nứt đang bao vây lấy nhà của họ.

Những ngôi nhà ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang nguy cơ bị lở núi chôn vui bất cứ lúc nào.
Những ngôi nhà ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang nguy cơ bị lở núi chôn vui bất cứ lúc nào.

Còn tại bản Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương), mỗi lần mưa lớn, lực lượng chức năng lại phải đến tận từng nhà để vận động người dân đi sơ tán. Bà Lô Thị Bích (72 tuổi), nói rằng, bà đã quá mệt mỏi vì liên tục phải đi lánh nạn. Căn nhà của bà Bích nằm chính diện với điểm sạt lở, với khoảng cách chừng 5 mét. Theo bà Bích, khoảng 2 năm trước, sau đợt mưa lũ thì vết nứt từ trên núi xuất hiện. Ngay sau đó, khối đất đá từ từ trôi tuột xuống, hết lớp này lại đến lớp khác. Có thời điểm, đất đá trôi xuống chắn ngang tuyến đường vào trung tâm bản, đổ xuống tận chân nhà sàn của bà Bích, làm xiêu vẹo cả một góc cột. “Phải liên tục sơ tán cũng mệt mỏi lắm. Nhưng cũng phải đi, vì sợ. Ở đây ai cũng sợ cả. Chỉ muốn chuyển đến nơi nào đó sống cho yên ổn thôi”, bà Bích nói.