Cảnh giác chiêu trò giả công nhân bán đồ cổ dỏm

(Baonghean.vn)  - Thời gian qua, một số đối tượng từ địa phương khác đến giả vờ phát hiện được đồ cổ và bán lại cho người dân với giá rẻ. Tuy nhiên, những món đồ này trên thị trường chỉ có giá từ vài trăm ngàn đến triệu đồng.

» Nghệ An: Đóng giả công nhân làm đường, lừa bán đồ cổ giả
 

Ngày 1/8, trong lúc ông Hà Văn Hùng ở bản Cống, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông đang quét sân thì có 2 người đàn ông lạ mặt xin vào. 2 người đàn ông này giới thiệu là công nhân làm đường giao thông gần đó xin vào nhà để rửa đồ vật mới đào được.

Khi ông Hùng ra xem, 2 người đàn ông cho biết trong lúc làm việc thì có đào được một bộ đồ cổ. Thấy ông Hùng tò mò, 2 người này gạ bán với lý do, vì đường xá đi lại khó khăn, đưa đồ quý bên trên người sợ kiêng nên muốn bán lại với giá 10 triệu đồng.

Bộ đồ cổ già mà chúng mang đi lừa người dân.
Bộ đồ cổ dỏm mà các đối tượng mang đi lừa người dân chỉ có giá vài trăm đến triệu đồng. Ảnh: Tường Vi

Để tăng sức thuyết phục, 2 người đàn ông này nói rằng, có người buôn đồng nát trả giá 3 chỉ vàng nhưng không bán. Đang nói chuyện, máy điện thoại của 1 người rung chuông, đầu dây bên kia có người trả giá món đồ 20 triệu đồng, nếu đưa về tận nhà có thể trả thêm. Nghĩ là đồ cổ thật, ông Hùng đồng ý mua.

Với cách thức tương tự, vào ngày 7/8, 2 người đàn ông này vào bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông). Khi gặp chị Hiền, chủ quán tạp hóa bên đường, 2 người đàn ông này cũng giới thiệu là công nhân làm đường và vừa đào được món đồ cổ quý hiếm, đồng thời gạ bán lại vì “để đồ quý hiếm trong người không tiện”.

Thế nhưng, hành vi lừa đảo của 2 người đàn ông này không qua mắt được chị Hiền. Chị Hiền bí mật báo với công an xã Châu Khê và 2 đối tượng này bị bắt giữ sau đó. Tại cơ quan công an, 2 đối tượng này khai là Nguyễn Phi Hải (SN 1987) và Huỳnh Văn Phờ (SN 1979) cùng trú tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Những món đồ mà các đối tượng này nói rằng là đồ cổ thực chất được mua ở TP Hồ Chí Minh với giá 1,5 triệu đồng, sau đó bôi bùn đất lên trên như thể đồ cổ thật. Với cách thức, thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa được nhiều người dân để thu lợi bất chính.

Không chỉ ở Con Cuông, hình thức lừa đảo bán đồ cổ dởm trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều ở các huyện miền núi. Vào ngày 16/5, một người lạ mặt tự xưng là công nhân của công trường làm đường gần đó vừa đào được bộ cổ đem đến nhà ông Nguyễn Văn Lễ ở xóm 5, xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) làm nghề thầy cúng để bán.

Bộ đồ này gồm một hồ lô bát tiên và 2 con cóc ngậm tiền xu, dưới đáy có chữ Trung Quốc, xung quanh còn dính đầy bùn đất. Sau khi xem xét, ông Lễ chấp nhận mua với giá 9 triệu đồng. Nhận được tin báo có vụ mua bán đồ cổ, Ban công an xã Hạnh Lâm có mặt tại nhà ông Lễ lập biên bản, tạm thời thu giữ toàn bộ tang vật đưa về UBND xã Hạnh Lâm.

2 đối tượng Nguyễn Phi Hải (SN 1987) và Huỳnh Văn Phờ (SN 1979) cùng trú tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh giả làm công nhân để đi bán đồ cổ dỏm. Ảnh: Tường Vi
2 đối tượng Nguyễn Phi Hải (SN 1987) và Huỳnh Văn Phờ (SN 1979) cùng trú tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh giả làm công nhân để đi bán đồ cổ dỏm. Ảnh: Tường Vi

Lúc này, đối tượng bán đồ cổ dởm đã cao chạy xa bay. Người dân tìm kiếm trên mạng thì phát hiện nhiều bộ đồ cổ giả giống đúc như bộ “đồ cổ” được bán tại nhà ông Lễ với giá chỉ vài trăm ngàn đồng.

Trước đó, cách đây mấy tháng, 2 người đàn ông lạ mặt cũng xuất hiện ở xã Thông Thụ (Quế Phong) để rao bán đồ cổ. Khi nghe thông tin, Đồn biên phòng Thông Thụ kịp thời xuống hiện trường, yêu cầu 2 người đàn ông này không được rao bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng.

Thấy kế hoạch lừa đảo khó thực hiện, 2 người đàn ông này chuyển hướng cho biết rằng đang đi bán các bình, bát sứ đẹp để trang trí. Do chưa đủ cơ sở để khẳng định 2 người đàn ông này có hành vi lừa đảo người dân để bán đồ cổ dỏm với giá cao, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã trục xuất họ ra khỏi địa bàn.

Theo dõi thông tin trên báo chí, hình thức lừa đảo này không chỉ xuất hiện ở Nghệ An mà còn ở nhiều địa phương khác. Những người lừa phát hiện là đổ cồ rồi đưa bán lại chủ yếu có địa chỉ thường trú ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Các đồ cổ dởm này chủ yếu là bình hồ lô có hình 8 ông tiên và 2 con cóc ngậm tiền xu hoặc cặp gà, kỳ lân. Các đồ vật này đều có chất liệu bằng đồng và phía dưới có hàng chữ Trung Quốc. Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào cuộc sống tâm linh, tâm lý ham của lạ của người dân.

Chúng tạo vỏ bọc là những công nhân nghèo khổ, vừa “đào được cổ vật lúc làm đường” và dùng lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ khiến không ít nạn nhân sập bẫy, thỏa thuận giá cả và rước ngay đồ dỏm về nhà. Khi kiểm tra lại chất lượng mới biết đồ cổ này có thể dễ dàng mua trên thị trường với giá vài trăm ngàn đồng. 

Qua sự việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác, nếu phát hiện những người có lai lịch bất minh rao bán những món đồ không rõ ràng, tốt nhất là đừng mua và phải báo cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương.

Nguyên Hưng - Tường Vi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới