Cảnh giác với các 'ngón nghề' lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại

(Baonghean) - Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, kẻ xấu đã giở thủ đoạn thông báo trúng thưởng cho khách hàng với giá trị lớn, sau đó yêu cầu nạp tiền phí nhận thưởng bằng thẻ cào điện thoại. Nhiều người vì cả tin, hám lợi đã trở thành nạn nhân của trò lừa bịp này. 

» Sở TT&TT Nghệ An công bố đường dây nóng nhận phản ánh sim 'rác'

Nạp 19 triệu tiền thẻ cào để nhận xe máy SH!

Nhận được thông tin từ ông V.T.N. ở TP. Vinh về việc ông bị kẻ lừa đảo lấy mất 19 triệu đồng nhưng không xác định được thủ phạm. Ông N. kể lại, sáng 13/2 ông nhận được tin nhắn của Tango - một ứng dụng nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí trên điện thoại thông minh có nội dung: “Tài khoản Tango của bạn mang mã số LD7979 may mắn trúng giải Nhất chương trình tri ân khách hàng Tango Việt Nam. Giải thưởng gồm một chiếc xe máy hiệu SH trị giá 81,5 triệu đồng, một phiếu quà tặng trị giá 120 triệu đồng tiền mặt”. 

Sau khi điền thông tin cá nhân, ông N. tiếp tục nhận được thông báo “Bạn cần thanh toán gấp phí làm hồ sơ gốc” với chi phí 1.500.000 đồng cho 3 bộ hồ sơ qua việc nộp thẻ cào điện thoại. Liên lạc qua số điện thoại 0898.871.xxx, ông N. được người này tiếp tục hướng dẫn để nhận giải thưởng chuyển từ Đà Nẵng về TP. Vinh, ông N. phải nộp “tiền cọc” qua hình thức nộp thẻ cào điện thoại. Tổng cộng ông N. đã mua 38 thẻ cào mệnh giá 500.000 đồng/thẻ với số tiền 19 triệu đồng để nạp qua website http://triansukien2017.com với hy vọng nhận được giải thưởng lớn.Cuối tin nhắn, hướng dẫn ông N. vào trang website http://triansukien2017.com để làm hồ sơ thủ tục nhận giải thưởng và liên hệ với số điện thoại 0898.871.xxx. “Khi tôi truy cập vào trang website này thì thấy họ đăng tải giải thưởng các quý khách được trao cho những người có địa chỉ, số điện thoại cụ thể nên tôi tin tưởng làm theo. Ngoài giải thưởng như trong tin nhắn thì trên trang website còn có thông tin tặng phiếu đổ xăng miễn phí một năm trị giá 5 triệu đồng” - ông N. cho biết. Tổng cộng giải thưởng ông N. có thể nhận được là 206,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi nộp 19 triệu đồng, ông N. gọi điện thoại lại số điện thoại 0898.871.xxx để biết thời gian, địa điểm nhận thưởng thì bị người này chặn cuộc gọi, tin nhắn. Khi chúng tôi truy cập vào website http://triansukien2017.com thì website này không còn tồn tại. 

Không riêng gì ông N., trước đó, nhiều người cũng vì cả tin, hám lợi mà sập bẫy của trò lừa đảo qua điện thoại này. Tháng 9/2015, chị Thái Thị Mười (SN 1983), trú xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương bị lừa gần 6 triệu đồng qua hình thức nộp thẻ cào điện thoại sau khi nhận được cuộc điện thoại từ người lạ xưng là nhà hảo tâm muốn giúp đỡ hoàn cảnh con chị đang điều trị chấn thương sọ não. Tháng 5/2013, bà Cao Thị Hà (SN 1969, trú xã Đức Thành, huyện Yên Thành) cũng bị kẻ xấu lừa hơn 8 triệu đồng thẻ cào điện thoại khi kẻ xấu thông báo bà Hà trúng giải thưởng gần 200 triệu đồng.

Có thể thấy chiêu trò lừa đảo không hề mới và cũng hết sức đơn giản. Kẻ xấu chỉ cần sử dụng điện thoại nhắn tin hoặc gọi điện đến một thuê bao bất kỳ để thông báo trúng thưởng. Bằng việc đánh trúng tâm lý hám lợi của một số người dân, chúng yêu cầu trả cước phí vận chuyển, lệ phí nhận hàng... bằng hình thức nộp thẻ cào điện thoại để chiếm đoạt. Chủ thuê bao nào nhẹ dạ cả tin sẽ trở thành nạn nhân của chúng. 

Tin nhắn trúng thưởng đến số điện thoại ông Võ Thành N.
Tin nhắn trúng thưởng đến số điện thoại ông N. Ảnh: Nam Phúc.

Đề cao cảnh giác 

Mặc dù đã có không ít trường hợp sập bẫy trước chiêu trò lừa đảo này, nhưng nhiều người vẫn mù quáng tin theo. Phần lớn nạn nhân đều là người ít hiểu biết kiến thức xã hội, thiếu cảnh giác, lại hám lợi trước phần thưởng lớn trong khi chưa tìm hiểu kỹ càng giải thưởng từ đâu mà có. 

Theo anh Đậu Khắc Cảnh - Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh, đối với loại tội phạm này, chúng thường sử dụng sim điện thoại trả trước không đăng ký rồi mạo danh để thực hiện hành vi lừa đảo, sau khi thực hiện xong chúng vứt sim nên việc truy tìm cần có sự vào cuộc, phối hợp giữa lực lượng công an và Bộ Thông tin và Truyền thông. Khi gặp phải tình huống này, người dân nên sớm trình báo cho các cơ quan chức năng để kịp thời có phương án điều tra, phát hiện và xử lý các đối tượng lừa đảo. 

Trên thực tế đã có nhiều người dân sập bẫy trúng thưởng, nhưng vì do số tiền thấp, hoặc vì xấu hổ nên không dám trình báo với cơ quan chức năng. Như trường hợp ông Võ Thành N. bị mất 19 triệu đồng nhưng đành chấp nhận mất tiền chứ không trình báo.

Khi nhận được tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, người dân thông báo về cho đầu số 456 (miễn phí) của Bộ TT&TT để tiếp nhận, xem xét và xử lý.

Nhằm ngăn chặn việc các đối tượng sử dụng sim rác để thực hiện hành vi trái pháp luật, từ cuối tháng 12/2016, Sở Thông tin và Truyền thông đã tăng cường tiến hành tổ chức thanh tra diện rộng hoạt động quản lý thuê bao di động trả trước của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh. Việc này góp phần ngăn chặn hành vi mua bán, lưu thông sim di động sai quy định; chấn chỉnh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trong việc đăng ký, quản lý thông tin thuê bao di động trả trước; chấm dứt việc cung cấp dịch vụ cho các chủ thuê bao không thực hiện các quy định pháp luật trong việc đăng ký thông tin. Tính từ tháng 12/2016 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu hồi 53 sim rác thuộc nhiều nhà mạng khác nhau. 

Tuy nhiên, theo ông Phan Sỹ Quý - Trưởng phòng Quản lý viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo không chỉ nằm trên địa bàn tỉnh mà có thể ở bất kỳ đâu. Chỉ với một chiếc điện thoại và những lời lừa bịp, chúng dễ dàng dụ dỗ những nạn nhân nhẹ dạ cả tin. Do đó, để tránh tình trạng sập bẫy của những kẻ lừa đảo, chính những người dân cần phải nâng cao cảnh giác, đề phòng. 

Theo tìm hiểu, trong hầu hết các chương trình khuyến mãi hoặc quay số trúng thưởng đều không yêu cầu khách hàng phải cung cấp mã số thẻ cào, nạp tiền hoặc cung cấp các thông tin cá nhân chi tiết. Đối với các chương trình hợp lệ, việc nhận thưởng được thông báo công khai và người dân không phải chịu bất kỳ loại phí nào như một số đối tượng lừa đảo đã “giăng bẫy”. 

Hiện nay, nhiều ứng dụng mới được phát triển trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber... thu hút sự tham gia của hàng triệu người dùng. Bên cạnh những tính năng hữu hiệu, người dân nên tìm hiểu kiến thức, sử dụng và cập nhật các tính năng cảnh báo duyệt web an toàn khi sử dụng mạng internet. Bên cạnh đó phải đề cao cảnh giác trước các tin nhắn trúng thưởng lớn, không làm theo hướng dẫn của tin nhắn không rõ nguồn gốc, có nội dung quảng cáo, mời chào, hoặc mạo danh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu lợi bất hợp pháp./.

Phương Thảo 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới