Cảnh giác với chiêu trò tự gắn danh xưng để chống phá chế độ

(Baonghean.vn) - Danh xưng thường được gắn với công lao, thành tích của cá nhân đối với xã hội. Vì thế lời văn, tiếng nói của những người có danh xưng thường được người đọc, người nghe tin cậy. Lợi dụng điều này, các tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam đã tự gắn cho mình các danh xưng “giáo sư”, “bác sĩ”; “nhà nghiên cứu”; “chuyên gia”; “nhà bình luận”… để viết bài đưa ra những phân tích, bình luận phi lý nhằm hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực.

Danh xưng đâu phải trò đùa

Chiêu trò tự gắn danh xưng không phải là mới. Tuy nhiên, gần đây khi mà tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thì nó lại được sử dụng nhiều. Trên không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động tung ra nhiều bài viết gắn với các danh xưng nhằm gây nghi kỵ, chia rẽ vùng miền, làm rạn nứt khối đại đoàn kết của nhân dân ta. Trước sự điều chỉnh tinh vi, biến ảo của các thế lực thù địch, phản động khi sử dụng chiêu trò này nếu chúng ta không tỉnh táo thì hệ lụy tiêu cực mà nó để lại sẽ rất nguy hại.

Một bài viết trên trang của tổ chức khủng bố Việt Tân mới đây có thể xem là ví dụ điển hình của chiêu trò này. Dưới tiêu đề: “Tâm của một bác sĩ người miền Bắc “tại sao thích người miền Nam?” bài này viết theo kiểu tự sự về cuộc đời của một “bác sĩ” có tên “Nhàn Lê”. Theo bài viết, người “bác sĩ Nhàn Lê” sinh ra lớn lên, học hành ở miền Bắc “…nhưng bây giờ lại nói người Bắc chúng tôi làm hỏng hết, rồi lại thích miền Nam, lại thích luôn cái chế độ miền Nam trước 1975 nữa…”. Rồi vẫn là “bác sĩ Nhàn Lê” tự tạo ý kiến cho rằng “Nhàn Lê đã “ăn cháo, đá bát”… nói chung là phụ bạc nơi nuôi mình khôn lớn, vậy Nhàn Lê trả lời sao?”.

Bài viết trên trang của tổ chức khủng bố Việt Tân
Bài viết trên trang của tổ chức khủng bố Việt Tân. Ảnh chụp màn hình

Toàn bộ nội dung phần trả lời của “bác sĩ Nhàn Lê” không gì khác ngoài bôi đen hiện thực, nói xấu chế độ XHCN, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam; ca ngợi chế độ “Việt Nam cộng hòa”; ca ngợi người miền Nam “sống có tình người…” và cho rằng người miền Nam có những phẩm chất tốt đẹp ấy là nhờ được sống trong chế độ “Việt Nam cộng hòa”; nói xấu người miền Bắc và ám chỉ rằng Sài Gòn bây giờ “cũng không còn được như xưa nữa…” vì người miền Bắc đã làm nó “trở nên hoang tàn”; “làm cho nó mất tình người…”. Điều ẩn khuất đằng sau bài viết tưởng chừng như thuyết phục của “bác sĩ Nhàn Lê” không gì khác là kích động tư tưởng phân biệt, chia rẽ vùng miền.

Dư luận không dễ bị lừa bịp

Không có một thông tin, không có một dòng địa chỉ cụ thể nào về người tự xưng là “bác sĩ Nhàn Lê” để có thể kiểm chứng về tính xác thực của câu chuyện. Từ nơi công tác cho tới đến quá trình công tác và những kết quả đạt được trong sự nghiệp… tất cả những thông tin này đều là con số 0 tròn trĩnh… Thế nhưng, người tự xưng “bác sĩ Nhàn Lê” này kể lại câu chuyện về chặng đường sinh ra, lớn lên, trở thành bác sĩ của mình một cách rất chi tiết và không quên đan xen, cài cắm trong đó những quan điểm sai lệch để phê phán chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; nói xấu chế độ, kích động phân biệt vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết của nhân dân ta. Hầu hết những ngôn từ được sử dụng trong bài viết này thể hiện một thái độ hằn học, oán trách và không đúng tầm, không phù hợp lối tư duy của một người mang danh xưng bác sĩ.

Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh tư  liệu
Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch. Ảnh tư liệu

Một điểm nữa đáng lưu ý là bài viết này từng được đăng tải trên các trang thiếu thiện chí với Nhà nước Việt Nam vào năm 2018. Tuy nhiên, vào ngày 8/8/2021, giữa lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, bài viết này lại được đăng trên trang facebook của tổ chức khủng bố Việt Tân. Hành động này không nằm ngoài mục đích “chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân” bằng cách gợi lại “tâm lý vùng miền cát cứ” – một chiêu trò mà chúng đã nhiều lần sử dụng để chống phá Việt Nam.

Chúng xuyên tạc, bịa đặt cho rằng có một “âm mưu chính trị” đằng sau việc đưa lực lượng từ miền Bắc vào hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống đại dịch. Thế nhưng, ngay cả những cái đầu hoang tưởng nhất cũng chẳng hình dung nổi cái “âm mưu chính trị" đằng sau lý do giúp TP. Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam phòng, chống dịch Covid-19 là gì? Ngược lại, chỉ có sự thật sinh động hiện hữu mà mọi người dân Việt Nam đều biết, đều thấy đó là toàn dân tộc này đang từng ngày, từng giờ kề vai, sát cánh, chung sức, đồng lòng quyết tâm chiến đấu với đại dịch COVID-19, để cuộc sống bình yên cho nhân dân sớm trở lại và không chỉ TP. Hồ Chí Minh mà cả nước tiếp tục khôi phục sản xuất, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đừng mơ hồ, ảo tưởng

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ảo tưởng rằng, gợi lại quá khứ, “cát cứ vùng miền” sẽ kích động được tư tưởng kỳ thị, sự phân biệt, chia rẽ Bắc – Nam... Nhưng chúng đã quá lầm. Sự gắn kết bền vững của đất nước Việt Nam, tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam không thế lực nào có thể chia cắt được.

Để dải đất hình chữ S này có được hòa bình, độc lập, thống nhất như ngày hôm nay, cả dân tộc Việt Nam đã phải trải qua biết bao cuộc đấu tranh trường kỳ và đầy gian khổ, hy sinh chống sự xâm lược của ngoại bang. Để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay nhân dân Việt Nam đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu và nước mắt. Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam thấm thía và hiểu rất rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do; giá trị của sự đoàn kết, thống nhất.

Đoàn kết, thống nhất là cội nguồn tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh dân tộc Việt Nam. Ảnh minh họa
Đoàn kết, thống nhất là cội nguồn tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh dân tộc Việt Nam. Ảnh minh họa

Đoàn kết, thống nhất là cội nguồn tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh dân tộc để đánh thắng giặc ngoại xâm, bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 hiện nay. Cả dân tộc này không ai điên dại mà mong trở lại cái quá khứ đau thương, cảnh nước mất nhà tan, núi sông chia cắt. Trân trọng thành quả giành được, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn kề vai, sát cánh, đoàn kết một lòng giữ gìn nền hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất ấy bằng tất cả tinh thần và lực lượng.

Cố tình gợi lại “tâm lý vùng miền cát cứ” nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam là âm mưu thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động. Nhưng dù có tinh vi, biến ảo đến đâu chăng nữa thì những âm mưu, thủ đoạn ấy cũng không thể đánh lừa được tinh thần cảnh giác cao độ, sự nhìn nhận thấu đáo và rất trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta./.

Tin mới