Cảnh giác với dịch vụ đưa lao động sang Singapore

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hiện nay đã xuất hiện công ty đưa lao động đi làm việc ở Singapore theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa trái phép. Vì vậy, người lao động phải cảnh giác để tránh bị lừa đảo.


Theo ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong số các quốc gia Đông Nam Á thì Singapore là một thị trường khá “khó tính” trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài muốn được cấp visa ở lại làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực. 

Trước đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã cho phép một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa lao động sang làm việc tại Singapore. Phần lớn lao động Việt Nam đều được cấp visa S Pass với thời hạn hợp đồng là 2 năm và làm việc chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ. 

Hiện có thông tin một số doanh nghiệp đưa người lao động đi làm tại Singapore theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa với mức phí từ 50-150 triệu đồng. Trước thông tin này, ông Tống Hải Nam cho biết, theo quy định, bất cứ đơn vị nào muốn đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Singapore phải được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

Không có điều luật nào của Việt Nam cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Hiện chỉ có công ty VIRASIMEX đăng ký hợp đồng đưa 5 lao động sang Singapore làm việc trong nhà hàng ở Singapore, được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép tuyển lao động nhưng chưa được thu phí của người lao động vì lao động chưa được cấp IPA (Thư đồng ý về mặt nguyên tắc). Khi nào lao động có IPA, công ty phải làm thủ tục đăng ký hợp đồng với Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Bởi vậy, nếu có một đơn vị nào khác chưa có đơn đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì không được phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở bất kỳ nước nào, bao gồm cả Singapo theo hình thức ký hợp đồng cung ứng lao động với người lao động.

Ông Tống Hải Nam lưu ý những lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nói chung và Singapore nói riêng cần nắm được điều này và chỉ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép.

Người lao động có thể tìm hiểu về danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn). 

Ngoài ra, khi có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có thể tìm tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố nơi người lao động cư trú để được tư vấn hoặc gọi điện thoại tới đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước (04-38249517 máy lẻ 512, 513) để được tư vấn các thông tin cần thiết để từ đó có thể đi làm việc ở nước ngoài với ngành nghề, thị trường phù hợp theo kênh an toàn, hợp pháp./.

Theo baohaiquan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới