Canh tác lúa cải tiến SRI

(Baonghean) - Khác với các cách thức gieo trồng và chăm sóc lúa truyền thống, mô hình canh tác lúa cải tiến SRI canh tác lúa sinh thái, tương đồng với hình thức truyền thống mang lại năng suất cao hơn, đồng thời giảm lượng giống, lượng phân đạm và công chăm sóc, hạn chế tối đa dịch bệnh. Từ những mô hình thực nghiệm tại địa phương, hình thức canh tác lúa cải tiến SRI đang mở ra những triển vọng về vụ mùa bội thu cho bà con nông dân. 
Đoàn cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật  huyện Hưng Nguyên khảo sát đề án.
Đoàn cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hưng Nguyên khảo sát đề án.
Tại xã Hưng Long (huyện Hưng Nguyên), năm 2014 đã triển khai thí điểm 2 mô hình trồng lúa theo hình thức này. Sau khi cho thu hoạch, lúa trồng tại mô hình luôn cho năng suất cao hơn so với lúa cùng loại đối chứng. Năng suất lúa vụ xuân 2014, tại xã Hưng Long, năng suất bình quân ở diện tích trồng thí nghiệm với giống lúa Khải Phong đạt 3,3 tạ/sào, tăng hơn 1 yến so với diện tích trồng đối chứng, có gia đình chăm sóc tốt, năng suất lúa lên đến 3,9 tạ/sào. Vụ hè thu xã trồng lúa đối chứng với giống Khang dân đột biến cũng cho kết quả khả quan, năng suất đạt cao nhất là 2,7 tạ/sào trong khi diện tích trồng đối chứng chỉ đạt 2,5 tạ/sào. Bên cạnh đó, chi phí cho giống, phân bón, công chăm sóc được tiết kiệm hơn rất nhiều. 
Đặc biệt, với cách làm này, chỉ sử dụng 1 - 2 lần phun thuốc trừ sâu, không sử dụng thuốc cỏ mà làm cỏ bằng tay. Bà con vừa làm cỏ vừa bón phân, vun vào gốc, như vậy lượng phân sẽ được đưa sát vào gốc giúp cho cây được tiếp xúc với phân bón sớm hơn, lượng oxi được đưa vào trong gốc nhiều hơn, những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng nhanh. Tại xã Hưng Long hiện nay, 90% số hộ gia đình đã canh tác lúa theo mô hình này. Ông Hoàng Nghĩa Khoa (xóm 7B, xã Hưng Long) cho biết: “Gia đình chúng tôi áp dụng trồng lúa theo mô hình SRI với mật độ cấy 30 khóm/m2, không những nguồn đầu tư giảm đáng kể, khả năng kháng bệnh của lúa cao mà còn mang lại năng suất cao hơn. Bông to, hạt mẩy, năng suất trung bình đạt khoảng 3,5 tạ/sào”. Ông Lê Công Nam, cán bộ kĩ thuật Trạm bảo vệ thực vật Hưng Nguyên cho biết: “Khi gieo cấy, bà con thường cấy với mật độ dày đặc, điều này không những làm tốn giống, tốn phân bón và công chăm sóc mà còn là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát triển do quá rậm rạp, thiếu khí. Với cách làm của SRI thì hạn chế được những yếu tố này, hơn nữa, việc cấy thưa còn giúp cho lúa đẻ khỏe, tập trung”. 
Với khí hậu thời tiết khắc nghiệt tại Nghệ An, việc áp dụng mô hình canh tác lúa cải tiến SRI còn giúp lúa nâng cao sức đề kháng, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, đặc biệt trong mùa hạn hán. 
Cấy lúa theo qui trình SRI, mỗi sào từ 0,6 - 0,7 kg giống, trong khi cách làm truyền thống là từ 2 - 2,5 kg; cấy thưa với mật độ mỗi khóm chỉ từ 1 - 2 cây mạ, các khóm cách nhau khoảng 22 cm, hàng cách hàng khoảng 25 cm. Vì vậy, nếu trước đây, người dân phải mất tới hơn 2 buổi mới cấy được 1 sào ruộng thì với cách làm này việc cấy có thể hoàn thành trong chưa đầy 1 buổi.
Đối với phân bón, lượng phân hữu cơ có thể sử dụng như các cách chăm bón trước đây, tuy nhiên lượng phân vô cơ giảm đến 20%, đỡ gây tốn kém cho bà con nông dân.
Trong 1 vụ bà con chỉ cần tưới nước từ 2 - 3 lần là đáp ứng đủ nhu cầu cho sự sinh trưởng và phát triển của lúa, tuy nhiên cần lưu ý sau khi bón thúc lần 1, để nước trong ruộng cạn dần, sau đó cho nước vào đồng chỉ ở mức 3 - 4 cm, sau bón thúc lần 2 thì để khô mặt ruộng và chỉ cho nước vào đồng khi cây lúa phân đòng.
Phương Thảo

Tin mới