Cáo buộc WHO 'ngả' về phía Trung Quốc, Trump dọa cắt tài trợ

(Baonghean) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ đe dọa sẽ cắt ngân sách tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo lý giải của ông Trump, tổ chức này nhận nhiều tiền ngân sách của Mỹ nhưng lại có xu hướng “ngả” về Trung Quốc. Và tất nhiên, điều này khiến cá nhân ông Trump cũng như chính quyền Mỹ chẳng thể hài lòng. Tất nhiên, tuyên bố của Tổng thống Mỹ đến nay mới chỉ là cảnh báo; thế nhưng có thể thấy, ngay cả khi toàn cầu phải đối diện với đại dịch nguy hiểm thì mọi lĩnh vực - kể cả y tế cũng đang bị “chính trị hóa” để các bên răn đe và mặc cả lẫn nhau.

Thất vọng và chỉ trích

Trong các phát biểu mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không tiếc lời chỉ trích các hành động và tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát tại Trung Quốc đến nay, cho rằng đó là những “sai lầm” trong việc xử lý khủng hoảng dịch bệnh. Đáng chú ý nhất là những cáo buộc của ông Trump cho rằng, mặc dù được cấp ngân sách phần lớn từ Mỹ, nhưng WHO thời gian qua lại “lấy Trung Quốc làm trung tâm”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ giữ lại một khoản tiền tài trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ giữ lại một khoản tiền tài trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ảnh: Reuters

Dẫn chứng mà ông Trump đưa ra là WHO dường như đã “quá quan tâm” đến Trung Quốc khi lên án một lệnh cấm đi lại của Mỹ do Tổng thống ban hành ngày 31/1. Theo lệnh cấm này, mọi công dân nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày kể từ thời điểm ban bố lệnh, đều không được phép nhập cảnh vào Mỹ. Chưa hết, giới chức Mỹ thời gian qua vẫn bày tỏ nghi ngờ về những số liệu ca nhiễm và tử vong tại Trung Quốc; cho rằng sự không minh bạch là nguyên nhân chính khiến cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trở nên đặc biệt khó khăn như hiện nay. Và tất nhiên, không thể không nhắc tới vai trò và trách nhiệm của WHO trong vấn đề này.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump cũng có tới 2 lần nhắc đến thông tin rằng, Mỹ đã tài trợ phần lớn ngân sách của WHO. Theo đó, Mỹ đã cung cấp gần 15% tổng kinh phí của WHO trong giai đoạn 2018 - 2019. Ngay như năm ngoái 2019, Mỹ đã đóng góp lên tới hơn 500 triệu USD cho các hoạt động của WHO. Còn trước đó trong rất nhiều năm, Mỹ cũng là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho WHO, mức trung bình thậm chí lên tới 22%. Nguyên nhân là do Mỹ đã chi trả nhiều hơn đáng kể so với các khoản đóng góp được đánh giá và ghi nhận thực thế. Tất nhiên, các khoản đóng góp tự nguyện và bổ sung dao động tùy thuộc vào mức độ các vấn đề, các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và cả các ưu tiên chính trị của các đời Tổng thống Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự thiếu tin tưởng đối với tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngay trước buổi họp báo mới nhất, trên Twitter, ông Trump cũng đã bày tỏ sự thất vọng vì sao WHO lại đưa ra những khuyến nghị sai lầm như thời gian vừa rồi. Và theo ông Trump, đây chính là nguyên do khiến cho đại dịch Covid-19 bùng nổ như hiện nay. Còn trước đó hồi tháng 2, trong các đề xuất về ngân sách cho năm tài khóa mới, ông Trump đã tìm cách cắt giảm một nửa khoản đóng góp của Mỹ cho Tổ chức WHO. Một báo cáo gần đây nhất của WHO cho thấy, chính quyền Mỹ dự kiến chỉ cung cấp gần 116 triệu USD cho tổ chức này trong giai đoạn 2020 - 2021.

Biểu tượng của WHO - Ảnh: AFP
Biểu tượng của WHO - Ảnh: AFP

Tát nước theo mưa

Cũng cần nhắc lại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tài trợ không chỉ bởi các quốc gia, mà cả các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức, công ty, trường đại học và các liên minh chính phủ. Vì thế, WHO đã trở thành tổ chức lĩnh xướng phản ứng toàn cầu, đảm bảo duy trì các nguyên tắc y tế quốc tế công bằng, để tất cả cùng chung tay đẩy lùi các dịch bệnh quy mô lớn. Thế nhưng theo các chuyên gia, WHO lại hiếm khi phải xử lý một đại dịch như Covid-19 mà liên quan đến 1 nước có vị thế lớn như Trung Quốc.

Bởi vậy, khó có thể tránh khỏi việc tổ chức này có thể dễ dàng tách bạch các quyết sách khỏi các tác động và ảnh hưởng của Bắc Kinh. Tất nhiên về phần mình, Tổng giám đốc WHO Tedros mới đây đã bác bỏ việc tổ chức này phải chịu sức ép của Trung Quốc. Thế nhưng, nhiều tuyên bố của đại diện WHO thời gian qua đã vấp phải nhiều tranh cãi và chỉ trích.

Như ngày 14/1, WHO tuyên bố không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của virus mới. Hay như ngày 31/1, WHO cũng khuyên các nước không nên đóng cửa biên giới dù dịch bệnh đang vào giai đoạn bùng phát. Nếu đây không phải là “sức ép chính trị” như lời Tổng giám đốc Tedros, thì đó lại là một biểu hiện yếu kém về chuyên môn của một tổ chức y tế hàng đầu thế giới trước một đại dịch toàn cầu.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 lên xe cấp cứu tại bang Washington, Mỹ ngày 29/2. AFP
Tổng thống Donald Trump cho rằng WHO đưa ra những khuyến nghị sai lầm chính là nguyên do khiến cho đại dịch Covid-19 bùng nổ như hiện nay. Trong ảnh: Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 lên xe cấp cứu tại bang Washington, Mỹ ngày 29/2. Ảnh: AFP

Bất kể đó là vì lý do gì, những ngày qua, dư luận đã dậy sóng về các cách thức xử lý dịch bệnh và tuyên bố gây tranh cãi của WHO và cụ thể là Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu. Một lá đơn trực tuyến kiến nghị ông Tedros phải từ chức đã thu được hàng trăm nghìn chữ ký. Cùng đó là lời kêu gọi, WHO hãy là một tổ chức trung lập về chính trị!

Trong bối cảnh như vậy, ở góc độ của Mỹ, giới phân tích lại cho rằng, việc Tổng thống Trump lên tiếng vào lúc này vô tình đã tạo lợi thế cho Mỹ trước đối thủ Trung Quốc vào thời điểm hiện nay. Trung Quốc dù là nguồn cung cấp khẩu trang và trang thiết bị y tế cho toàn cầu, nhưng thời gian qua đã vấp phải nhiều ý kiến cho rằng, nước này xuất khẩu sản phẩm kém chất lượng. Mới đây, nhiều nước như Hà Lan, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Tây Ban Nha cũng đã phàn nàn về tình trạng sản phẩm chất lượng kém hoặc bị lỗi. Thậm chí Hà Lan đã phải thu hồi 600.000 khẩu trang Trung Quốc không đạt chất lượng. Mặt khác, việc ông Trump gay gắt chỉ trích WHO dường như cũng là một cách để các đồng minh châu Âu “tạm quên” đi những vụ “giành giật” khẩu trang kiểu “miền Tây hoang dã” mới đây của Mỹ!

Chưa hết, động thái của Tổng thống Trump được đưa ra sau hàng loạt ý kiến chỉ trích của giới chức Mỹ đối với Tổ chức WHO những ngày qua. Mới đây, các Thượng nghị sĩ đảng cộng hòa như Ron Johnson - Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện Mỹ hay Thượng nghị sĩ Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã cùng kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về cách xử lý khủng hoảng của WHO. Thượng nghị sĩ Mỹ Martha McSally thậm chí kêu gọi Tổng Giám đốc WHO Tedros từ chức, với cáo buộc giúp Trung Quốc che đậy tình hình dịch Covid-19. Nặng nề hơn, Thượng nghị sĩ Ted Cruz còn cho rằng, WHO đang dần trở thành “cán bộ tuyên truyền” của Trung Quốc.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái), bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 28/1/2020. Ảnh: Getty
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái), bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 28/1/2020. Ảnh: Getty

Vì thế, trong bối cảnh ông Trump đang bị “chê” về cách xử lý khủng hoảng dịch Covid-19, thì việc “thuận theo giới nghị sỹ trong nước” cũng là một cách để ông Trump lấy lại sự ủng hộ của cử tri, tạo thuận lợi cho cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống vào cuối năm. Cho nên, tuyên bố và dọa dẫm WHO là một chuyện, còn việc có cắt giảm ngân sách thực sự hay không lại là chuyện khác. Ngay cả khi ông Trump có tuyên bố cắt giảm tiền tài trợ cho WHO thì có lẽ người dân Mỹ cũng sẽ ủng hộ. Bởi với họ, vị thế toàn cầu của Mỹ dù quan trọng, nhưng vào lúc này, tiền để Mỹ hỗ trợ người dân trong cuộc chiến chống dịch còn quan trọng hơn rất nhiều!.

Tin mới