Cấp bách tìm mọi giải pháp để giải quyết việc thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sáng 10/6, Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến bàn về việc mua vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc phòng chống HIV (ARV), thuốc lao và Vitamin A.

Đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại đầu cầu Hà Nội. Ở điểm cầu trực tuyến tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế chủ trì.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Báo cáo tại cuộc họp cho biết: Từ năm 2023, Bộ Tài Chính không bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng, Vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi, thuốc kháng HIV (ARV), thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ BHYT... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai mua sắm cung ứng thuốc, vắc-xin nêu trên.

Trẻ em phải được tiêm phòng đúng độ tuổi. Ảnh minh hoạ

Trẻ em phải được tiêm phòng đúng độ tuổi. Ảnh minh hoạ

Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam sử dụng 10 loại vắc-xin để tiêm chủng cho trẻ em và 1 loại vắc-xin đối với phụ nữ có thai, 1 loại vắc-xin tiêm cho cán bộ y tế và sắp tới từ quý IV/2023 có thêm 1 loại vắc-xin Rota uống cho trẻ dưới 1 tuổi.

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, tránh xảy ra dịch bệnh do không có vắc-xin thì việc cung ứng đầy đủ, kịp thời và có hệ thống các loại vắc-xin là vô cùng cần thiết. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế thì các địa phương sẽ tự tổ chức đấu thầu mua sắm các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ sau sinh, thuốc kháng HIV (ARV) điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, thuốc lao.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, đối với nguồn kinh phí mua sắm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng chưa quy định rõ trách nhiệm của ngân sách Trung ương trong việc đảm bảo kinh phí mua vắc-xin theo lộ trình. Việc đấu thầu mua sắm đối với các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ sau sinh, thuốc kháng HIV (ARV) điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, thuốc lao thuộc danh mục mua sắm tập trung quốc gia. Các mặt hàng này không nằm trong danh mục mua sắm tập trung địa phương, do đó địa phương không tổ chức mua sắm được.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước còn thiếu 2 loại vắc-xin 5 trong 1: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra) và vắc-xin mũi bạch hầu, ho gà, uốn ván. Nhưng hiện nay, nhiều quy định về đấu thầu và các quy định khác về thuốc còn vướng mắc nên chưa thể có thuốc, vắc-xin ngay.

- Sau 5 năm triển khai về chương trình mục tiêu y tế - dân số, ở Nghệ An tiếp tục giảm số mắc, số ca tử vong của nhiều bệnh dịch nguy hiểm (giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống còn 59/100.000 dân vào năm 2020; giảm tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân xuống 0,0043, không có trường hợp tử vong do sốt rét).
- Đã bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em dưới 1 tuổi > 95%; phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt > 95%; Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân đã giảm từ 18,5% năm 2016 xuống còn 15,7% năm 2020; Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi đã giảm từ 28,6% năm 2016 xuống còn 26,0% năm 2020.
- Thường xuyên chú trọng phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, y tế học đường. Kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng và giảm số người nhiễm mới; tiếp tục mở rộng các cơ sở cấp phát thuốc tại cộng đồng, cơ sở xét nghiệm được phép khẳng định HIV, cơ sở điều trị Methadone, cơ sở điều trị ARV.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu: Trước tình hình cấp bách về việc thiếu vắc-xin, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, các địa phương phải có giải pháp để giải quyết ngay trong thời gian sớm nhất. Bộ Y tế cần chỉ đạo các ngành chuyên môn chịu trách nhiệm và dựa trên các nghiên cứu để có hướng dẫn trong thời gian thiếu thuốc vắc-xin.
Cả hệ thống y tế cần có các giải pháp để ứng cứu kịp thời, hướng dẫn chuyên môn đến tận các cơ sở y tế bổ sung các loại thuốc nếu có các bệnh do thiếu vắc-xin xảy ra trên địa bàn. Cùng với đó, phải tổ chức hội nghị tuyên truyền rõ về tầm quan trọng của việc cần có đủ và kịp thời vắc-xin; phải bảo vệ đến cùng mục tiêu của quốc gia về đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

Tin mới