Cặp vợ chồng lo chuyện 'bao đồng' ở Nghệ An

(Baonghean) - ​Đó là lời nhận xét của nhiều người dân xã Quỳnh Lộc (TX. Hoàng Mai) khi nhắc đến anh Hồ Phi Quyết (36 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Mai (32 tuổi). Cái sự "bao đồng" của vợ chồng anh ngày càng có nhiều người noi theo.

“Bản đồ” rác thải

2 giờ chiều một ngày cuối tuần của tháng 12/2019, anh Hồ Phi Quyết (trú xóm 10, xã Quỳnh Lộc, TX. Hoàng Mai) tất bật chuẩn bị đồ nghề, cùng vợ chở 2 người con nhỏ sang gửi ông bà ngoại. Gửi con xong, vợ chồng anh Quyết lại chạy xe máy đến những địa điểm có nhiều rác để làm công việc quen thuộc hơn 1 năm nay, đó là nhặt rác. Địa điểm nhặt rác chiều hôm nay của vợ chồng anh là trước cổng trường học cấp 1 và chợ.

“Đây là khu vực có rất nhiều rác thải, nhất là túi ni lông và rác thải nhựa. Hầu như tuần nào, vợ chồng tôi cũng nhặt rác ở đây nhưng vẫn không xuể”, anh Quyết thoăn thoắt gắp rác bỏ vào bì vừa cho biết.

Suốt hơn 1 năm qua, vợ chồng anh Quyết đi nhặt rác để làm sạch môi trường. Ảnh: P.B
Suốt hơn 1 năm qua, vợ chồng anh Quyết đi nhặt rác để làm sạch môi trường. Ảnh: P.B

Như lời anh Quyết cho biết, ở xã Quỳnh Lộc này, không chỗ nào có rác mà anh không biết. Đến nỗi, trong đầu anh như có một bản đồ về các điểm rác thải ở Quỳnh Lộc. “Hàng ngày, trong quá trình sinh sống cũng như khi trên đường đi làm mình sẽ quan sát những nơi có nhiều rác. Đến cuối tuần, mình cùng vợ đến dọn, ưu tiên những nơi rác nhiều thì dọn trước”, anh Quyết nói và cho biết thêm rằng, với một địa bàn có hơn 13km đường như xã Quỳnh Lộc, việc dọn hết rác trong một vài ngày là không thể. Hơn nữa, hôm nay dọn nhưng ngày mai có thể rác lại đầy đường, bởi không phải ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, biết bỏ rác vào bì.

Chỉ khoảng 30 phút đồng hồ, chiếc bì xác rắn mà vợ chồng anh Quyết đưa đi đã đầy rác. Anh Quyết buộc lại cẩn thận, tập kết một bên đường để chờ cho công nhân môi trường đến thu gom, rồi lại tiếp tục nhặt rác vào chiếc bì khác.

Cứ chiều thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, anh Quyết đều tranh thủ đi nhặt rác làm sạch môi trường. Ảnh:P.B
Cứ chiều thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, anh Quyết đều tranh thủ đi nhặt rác làm sạch môi trường. Ảnh: P.B

Ở xã Quỳnh Lộc, theo lịch thì các công nhân môi trường chỉ gom rác một buổi duy nhất trong tuần, đó là vào sáng thứ 2. Vì thế, cả một tuần rác ứ đọng gắp các đường làng, ngõ xóm. Nhiều gia đình đã biết quan tâm nên gom rác vào bì, nhưng có những nhà vẫn vứt rác bừa bãi. “Có những ngày, gió to thổi bao bóng bay khắp đường, nhìn cảnh đó là mình thấy rất chướng mắt”, anh Quyết nói.

Ngồi bên chồng cười tươi, chị Nguyễn Thị Mai cho biết, vợ chồng chị cũng có phần không may mắn khi đứa con thứ 2 ra đời đã bị bệnh ly thượng bì bẩm sinh. Hơn 6 năm qua, anh chị đã chạy vạy khắp nơi mong có tiền để chữa bệnh cho con. Trong quá trình đó, anh chị cũng nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của nhiều người nên mới hiểu hết ý nghĩa của công việc thuyện nguyện.

“Thấy chồng đi nhặt rác, em ủng hộ và rất vui vì hành động của anh sẽ làm cho xã hội này tốt đẹp hơn. Ban đầu, em phải ở nhà trông con nhưng về sau nghĩ, để anh làm một mình thì đến khi nào mới hết rác. Thế là em quyết định gửi con cho ông bà ngoại để đi nhặt rác cùng anh”

Chị Nguyễn Thị Mai

Mong muốn hết việc

Hành động nhặt rác của vợ chồng anh Quyết bắt đầu từ tháng 9/2018. Trước đó, anh Quyết có tham gia Câu lạc bộ Vòng tay yêu thương Hoàng Mai. Ngoài việc giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, câu lạc bộ còn phối hợp với các trường học tổ chức thu gom rác tại bãi biển và các tuyến đường.

“Nhưng không phải khi nào câu lạc bộ cũng hoạt động được, trong khi rác một ngày càng nhiều. Từ đó, tôi quyết định đi nhặt rác để góp phần làm cho môi trường trong sạch hơn”, anh Quyết lý giải cho hành động của mình.

Vợ chồng anh Quyết ưu tiên nhặt túi ni lon và rác thải nhựa trước. Ảnh: P.B
Vợ chồng anh Quyết ưu tiên nhặt túi ni lon và rác thải nhựa trước. Ảnh: P.B

Do đặc thù công việc làm ban đêm, ban ngày ở nhà nên anh Quyết thường tranh thủ buổi chiều thứ 7 và chủ nhật để đi nhặt rác. Hình ảnh 2 vợ chồng tay cầm bì, tay cầm kẹp cặm cụi nhặt từ túi bóng đến chai nhựa bên đường, dưới mương nước, trong bụi cây rồi cho vào bì khiến nhiều người ngạc nhiên.

Có người còn nói với anh rằng, chỉ có rỗi hơi, rãnh việc, bao đồng mới đi làm chuyện của thiên hạ như thế, rồi có người còn hỏi, vợ chồng anh đi nhặt rác thế có ai cho đồng nào hay không khiến anh không khỏi chạnh lòng.

 “Mình làm vì mình thấy vui trong người và thấy hành động của mình có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Đi đường mà thấy rác là mình khó chịu lắm, chỉ muốn xuống nhặt ngay bỏ vào bì”.

Anh Hồ Phi Quyết

Thời gian đầu, vợ chồng anh Quyết âm thầm đi nhặt rác nên không nhiều người biết ý nghĩa hành động này. Nhưng rồi sau anh nghĩ, phải cố gắng lan tỏa được hành động này để mọi người nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, nếu có điều kiện thì cùng tham gia nhặt rác. Thế là trong quá trình đi nhặt rác, anh dùng điện thoại chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội Facebook. Và từ đây, nhiều người đã hiểu và trực tiếp tham gia đi nhặt rác cùng vợ chồng anh.

Nếu ai có dịp về xã Quỳnh Lộc, đi dọc các tuyến đường thì sẽ thấy một hình ảnh khác, đó là hầu như không có túi ni lon và rác thải nhựa đầy đường như trước. Nhìn hình ảnh vợ chồng anh Quyết nhặt rác miễn phí mới hiểu, dù hoàn cảnh cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nếu mỗi người có ý thức, có tấm lòng hướng về cộng đồng thì sẽ có những hành động tốt đẹp.
Vợ chồng anh Quyết cùng với đứa con thứ 2. Ảnh: P.B
Vợ chồng anh Quyết cùng với đứa con thứ 2 bị bệnh bệnh ly thượng bì bẩm sinh. Ảnh: P.B

Anh Quyết mong muốn một ngày không xa, vợ chồng anh sẽ không còn phải đi nhặt rác nữa. Khi đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân sẽ được nâng cao hơn, không còn cảnh vứt rác bừa bãi dọc đường, đặc biệt là túi ni lon và rác thải nhựa.

Tin mới