Cát Ngạn (Thanh Chương) - cần lắm một cây cầu cứng

(Baonghean.vn) - Trên một tuyến quốc lộ, chiếc cầu treo đã làm từ thời bao cấp, nối hai bên đường đất, phục vụ dân sinh, sau 35 năm gồng mình, coi như nó đã hết “sứ mệnh lịch sử”. Dân vùng Cát Ngạn, cần lắm một cây cầu cứng.

Thanh Chương là huyện miền núi thấp. Sông Lam, sông Giăng, sông Rào Gang, sông Rộ, cùng nhiều khe, suối cắt xẻ địa hình. Ngày xưa, người ta thống kê được cả huyện có tới 36 bến đò. Bến sông, con đò là hình ảnh thân thuộc với làng quê, đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Nhưng đi lại mà phải qua đò thì thật phiền toái. Ngày nắng còn đỡ. Những khi mưa gió, lụt lội thì rất cơ cực.

Cát Ngạn là một vùng dân cư nằm phía Tây Bắc của huyện. Chợ Chùa thuộc xã Phong Thịnh, là trung tâm của vùng. Từ xa xưa, Cát Ngạn gồm 10 xã, có Trại cải tạo số 6 của Bộ Công an, Xí nghiệp chè Hạnh Lâm, Tổng đội TNXP 2, Công ty Cao su… đóng trên địa bàn. Gần đây, có 2 xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn - tái định cư Thủy điện Bản Vẽ về chung sống. Dân số Cát Ngạn khoảng 6,5 vạn người.

Cầu treo sông Giăng hay còn gọi là cầu treo chợ Chùa nằm ở lý trình Km105+970 QL46C được xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 1987. Cầu treo sông Giăng nối 2 xã Thanh Liên và Phong Thịnh (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư
Cầu treo sông Giăng hay còn gọi là cầu treo chợ Chùa nằm ở lý trình Km105+970 QL46C được xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 1987. Cầu treo sông Giăng nối 2 xã Thanh Liên và Phong Thịnh (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Chợ Chùa có từ lâu đời, là chợ chính của cả vùng. Cách nhau chỉ hơn một cây số, có 2 trường THPT là  THPT Thanh Chương 3 và THPT Cát Ngạn. Tại đây, còn có chùa Chung Linh, nhà thờ Trung Hòa, với lượng người qua lại khá đông đúc. Vài năm trở lại đây, vào thời điểm sắp vào học, lúc tan trường, đã có hiện tượng tắc đường. Những ngày lễ, Tết, gặp phiên chợ, Công an phải cử người điều hành giao thông giờ cao điểm…

Người dân Cát Ngạn còn nhớ: Khoảng 6 giờ sáng ngày 19/8 năm Ất Sửu (1985), trong một tai nạn thương tâm, chìm đò, 11 học sinh Trường THPT Thanh Chương 3 đã ra đi mãi mãi. Một không khí tang thương trùm khắp làng quê, trường học.

Sau sự cố này, cầu treo chợ Chùa qua sông Giăng được khởi công xây dựng và khánh thành vào năm 1987. Đó cũng là thời kỳ đường sá còn ghồ ghề, lầy lội, phương tiện chủ yếu xe máy, xe đạp… Cây cầu thực sự đã nối những niềm vui, phục vụ thiết yếu cho dân sinh, tạo điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của huyện.

Trong thời gian công an khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng đã cử người túc trực để điều tiết giao thông, phương tiện qua lại trên cầu treo sông Giăng. Một cán bộ thuộc Cục QLĐB II, Tổng cục ĐBVN cho biết: Sau khi công tác khám nghiệm hiện trường của cơ quan công an kết thúc, chúng tôi sẽ cho triển khai khôi phục ngay hệ thống lan can, cũng như các hạng mục bị hư hỏng do vụ tai nạn. Ảnh: Huy Thư
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, hiện các lực lượng chức năng đã cử người túc trực để điều tiết giao thông, phương tiện qua lại trên cầu treo sông Giăng. Một cán bộ thuộc Cục QLĐB II, Tổng cục ĐBVN cho biết: Sau khi công tác khám nghiệm hiện trường của cơ quan công an kết thúc, chúng tôi sẽ cho triển khai khôi phục ngay hệ thống lan can, cũng như các hạng mục bị hư hỏng do vụ tai nạn. Ảnh: Huy Thư

Nhu cầu giao thông ngày càng phát triển. Con đường 533 được nâng lên Quốc lộ 46C. Đường sá được nâng cấp. Phương tiện ngày càng nhiều, càng hiện đại. Cây cầu treo vắt vẻo, già nua, lỗi thời phải nhẫn nại, căng mình gánh chịu. Huyện phải dựng bảng cảnh báo “Cầu yếu, chỉ chịu trọng tải dưới 7 tấn”; cắt cử người trực, không cho xe có tải trọng trên 7 tấn qua cầu. Mỗi lần qua cầu chỉ cho 1 xe vừa hoặc 2 xe nhỏ, cách nhau 12 mét. Nhiều đoàn đi xe khách đến đây phải “tăng bo”… xe ca không được qua cầu.

Nếu tính chính xác, theo âm lịch thì chỉ cách nhau sau đúng 35 năm (chỉ cách 8 giờ), ngày 19/8 âm lịch vừa qua, lại một tai nạn thương tâm: Một vụ va quệt giữa ô tô và xe máy trên cầu treo chợ Chùa, cả 5 người bị thiệt mạng! Lại một ngày buồn mang tên sông Giăng!

Thiết nghĩ: Trên một tuyến quốc lộ, chiếc cầu treo đã làm từ thời bao cấp, nối hai bên đường đất, phục vụ dân sinh, sau 35 năm gồng mình, coi như nó đã hết “sứ mệnh lịch sử”. Dân vùng Cát Ngạn, cần lắm một cây cầu cứng.

Tin mới