Cắt tài trợ cho WHO, Mỹ đang 'tự làm khó'

(Baonghean) - Sau một thời gian liên tục tung ra nhiều chỉ trích gay gắt nhằm vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố ngừng cấp kinh phí cho tổ chức này và điều tra về cách ứng phó của WHO với đại dịch Covid-19 - cách ứng phó mà ông Trump gọi là “lấy Trung Quốc làm trung tâm”. Bước đi của Tổng thống Donald Trump được cho là mang những tính toán chiến lược về mặt chính trị, dù vậy có thể gây ra những “tác động ngược” cho chính nước Mỹ trong bối cảnh Mỹ vẫn chưa vượt qua đỉnh dịch.

Cạnh tranh nước lớn

Khi tuyên bố về việc ngừng cấp kinh phí cho WHO, Tổng thống Donald Trump nêu rõ, WHO phải chịu trách nhiệm về những quyết định “nguy hiểm và tốn kém” của mình. Những quyết định “nguy hiểm và tốn kém” đó từng được Mỹ nhắc đi, nhắc lại trong nhiều ngày gần đây, trong một cuộc chiến truyền thông rầm rộ nhằm vào tổ chức đa phương này. Đó là việc WHO đã quá chậm trễ trong việc xác nhận dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp y tế quốc tế và sau đó là công bố đại dịch toàn cầu, chậm trễ trong việc thừa nhận virus SARS-CoV-2 có thể lây lan từ người, phản đối quyết định của Mỹ khi áp dụng giới hạn đi lại với Trung Quốc…

Ông Donald Trump tuyên bố ngừng cấp kinh phí cho WHO. Ảnh: Fox News
Ông Donald Trump tuyên bố ngừng cấp kinh phí cho WHO. Ảnh: Fox News

Cách phản ứng của WHO bị Tổng thống Donald Trump nhận định là “lấy Trung Quốc làm trung tâm”, “chủ yếu dựa vào thông tin do chính quyền Trung Quốc cung cấp”. Ông Donald Trump cũng nhắc lại việc Trung Quốc mỗi năm đóng góp 40 triệu USD cho WHO, chỉ bằng 1/10 con số đóng góp của Mỹ cho tổ chức này, và cho đó là sự “bất công” khi Mỹ giờ đây mới là nước đang trải qua tình hình dịch bệnh tồi tệ nhất do những phản ứng yếu kém của WHO.

Đằng sau những chỉ trích này là bóng dáng của một cuộc “cạnh tranh nước lớn” với mục tiêu mà Mỹ nhắm tới là Trung Quốc.

Tất nhiên, những chỉ trích của Mỹ nhằm vào cách phản ứng của WHO đối với dịch Covid-19 sẽ cần có thời gian để làm sáng tỏ. Nhưng không khó để nhận thấy rằng, đằng sau những chỉ trích này là bóng dáng của một cuộc “cạnh tranh nước lớn” với mục tiêu mà Mỹ nhắm tới là Trung Quốc, sau khi hai bên từng “tranh luận nảy lửa” về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Trên thực tế, sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh ở trong nước với tổng số ca nhiễm thấp hơn nhiều so với các tâm dịch hiện nay như Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Anh…, Trung Quốc đã ngay lập tức đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao Covid-19” nhằm khôi phục hình ảnh trên trường quốc tế. Được nhận định là “quốc gia hiểu rõ nhất, quốc gia có kinh nghiệm nhất với Covid-19”, Trung Quốc liên tục thông báo về việc cử các nhóm chuyên gia đến các quốc gia khác để hỗ trợ chống dịch, tích cực thể hiện vai trò “mạnh thường quân” trong việc viện trợ các thiết bị y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ, máy thở… cho các quốc gia tâm dịch mới… Vậy là từ hình ảnh quốc gia “tâm chấn”, nơi khởi phát dịch bệnh và lan ra toàn cầu, Trung Quốc lại trở thành hình mẫu về xử lý dịch bệnh, trong khi diễn biến dịch bệnh quá nhanh chóng đã đưa Mỹ trở thành tâm dịch lớn nhất trên thế giới.

Quyết định cắt tài trợ cho WHO là biểu hiện mới trong “cạnh tranh nước lớn” Mỹ - Trung Quốc. Ảnh: The Diplomat
Quyết định cắt tài trợ cho WHO là biểu hiện mới trong “cạnh tranh nước lớn” Mỹ - Trung Quốc. Ảnh: The Diplomat

Giới phân tích cho rằng, việc tuyên bố dừng tài trợ cho WHO với lý do tổ chức này “lấy Trung Quốc làm trọng tâm” là đòn gián tiếp nhắm vào Trung Quốc, tấn công vào nỗ lực xây dựng hình ảnh nước lớn và có trách nhiệm của quốc gia này. Đây thực chất là một biểu hiện trong chiến lược cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, nối tiếp hàng loạt vụ việc diễn ra trong hơn 1 năm qua, từ cuộc chiến thương mại, cuộc chiến công nghệ hay những bất đồng về an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Lợi bất cập hại”?

Dù chính sách đối với WHO của ông Donald Trump được nhiều nhân vật theo trường phái “diều hâu” trong chính quyền ủng hộ, nhưng cũng có không ít người tỏ ra lo ngại, gọi đó là “trò chơi chính trị nhỏ nhặt” có thể gây phản tác dụng với chính nước Mỹ. Những người phản đối quyết định của ông Donald Trump, WHO là một tổ chức quốc tế, và về bản chất có cấu trúc dựa trên cấu trúc của Liên hợp quốc.

Mỹ dừng tài trợ kinh phí cho WHO không khác nào gián tiếp “nhường sân” cho Trung Quốc.

Tất nhiên, ai cũng mong muốn một mô hình lý tưởng, trong đó WHO hoạt động như một tổ chức trung lập về chính trị. Nhưng cũng không thể phủ nhận thực tế rằng, việc Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với quyền phủ quyết mang lại cho Trung Quốc những ảnh hưởng nhất định trong hệ thống các cơ quan của tổ chức này, cũng giống như ảnh hưởng của Mỹ. Việc Mỹ dừng tài trợ kinh phí cho WHO không khác nào gián tiếp “nhường sân” cho Trung Quốc, tạo cho Trung Quốc cơ hội thể hiện ảnh hưởng lớn hơn trong tổ chức đa phương này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng bây giờ không phải lúc rút các nguồn kinh phí cho WHO. Ảnh: Getty
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng bây giờ không phải lúc rút các nguồn kinh phí cho WHO. Ảnh: Getty

Xét về mặt thời điểm, bước đi của ông Donald Trump có thể không được ủng hộ trên bình diện quốc tế, khi mà tất cả lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đều đang kêu gọi sự đoàn kết quốc tế để chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Bản thân Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã chia sẻ rằng, phản ứng của toàn thế giới trước dịch Covid-19 cần phải được xem lại, bao gồm phản ứng của các cá nhân, các chính phủ, các tổ chức, trong đó có cả WHO để làm rõ vì sao một dịch bệnh lại có thể xuất hiện, lây lan với quy mô và tốc độ chưa từng có như thế. Nhưng đó là công việc sau khi dịch bệnh đã kết thúc, còn hiện tại không phải thời gian thích hợp cho những tranh cãi, tránh làm xói mòn nỗ lực đoàn kết toàn cầu trong đối phó với  dịch Covid-19.

Không những “tác động ngược” về vị thế chính trị, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn có thể ảnh hưởng tới chính cuộc chiến chống dịch Covid-19 vốn chưa biết khi nào sẽ kết thúc của nước Mỹ. Bản thân ông Donald Trump khi được hỏi về hệ lụy của quyết định này với tình hình dịch bệnh căng thẳng tại nước Mỹ cũng nói rằng ông chưa chắc chắn và đội ngũ của ông sẽ tìm hiểu rõ hơn. Trong khi đó, Hiệp hội Y khoa Mỹ đã kêu gọi ông Donald Trump cân nhắc lại quyết định của mình, coi đây là một bước đi nguy hiểm khiến cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Mỹ đối diện với tương lai bất định hơn.

Xét trên bình diện y tế, WHO đến lúc này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho các quốc gia trong xử lý cuộc khủng hoảng y tế Covid-19. Ảnh minh họa: EPA
Xét trên bình diện y tế, WHO đến lúc này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho các quốc gia trong xử lý cuộc khủng hoảng y tế về dịch Covid-19. Ảnh minh họa: EPA

Việc khống chế dịch Covid-19 giống như khống chế một đám cháy, chỉ cần còn một tia lửa nhỏ ở đâu đó, thì tất cả các quốc gia đều đứng trước nguy cơ bùng phát các đám cháy trở lại.

Nếu gạt bỏ các yếu tố chính trị và chỉ xét trên bình diện y tế, WHO đến lúc này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho các quốc gia trong xử lý cuộc khủng hoảng y tế về dịch Covid-19, nhất là tại những quốc gia kém phát triển. Việc cắt giảm nguồn lực tài chính có thể khiến dịch bệnh vượt tầm kiểm soát ở những khu vực này, và với cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2, dịch bệnh hoàn toàn có thể quay trở lại tấn công những quốc gia đã khống chế thành công dịch bệnh trước đó. Các chuyên gia y tế nhận định rằng, việc khống chế dịch Covid-19 giống như khống chế một đám cháy, chỉ cần còn một tia lửa nhỏ ở đâu đó, thì tất cả các quốc gia đều đứng trước nguy cơ bùng phát các đám cháy trở lại, bao gồm cả Mỹ. Đó là lý do các quốc gia cần phải hỗ trợ WHO để đảm bảo rằng tổ chức này có thể bao quát toàn bộ các đốm lửa nhỏ ở khắp nơi trên thế giới.

Ở thời điểm này, ông Donald Trump đã tính tới kịch bản mở cửa lại nền kinh tế. Nhưng quyết định ngừng cấp kinh phí cho WHO có thể ảnh hưởng đến chức năng mà chính Mỹ đã từng chỉ trích WHO, đó là đưa ra những hướng dẫn chính xác để  các quốc gia bảo vệ công dân của mình. Nếu thế giới phải rơi vào vòng xoáy của các đợt bùng phát dịch Covid-19 kéo dài, chính Mỹ cũng trở thành nạn nhân và không thể biết khi nào kế hoạch mở cửa nền kinh tế trở lại của ông Donald Trump mới trở thành hiện thực.

Tin mới