Cậu bé tật nguyền và mong ước hòa nhập cộng đồng

(Baonghean.vn) - Bị dị tật, câm điếc bẩm sinh, gia đình nghèo khó, không có điều kiện chữa trị nên em Ngô Đức Sơn, học sinh lớp 2C Trường Tiểu học Thanh Thủy (Thanh Chương) rất khó khăn để hòa nhập với cộng đồng.

Dù đã lên lớp 2 nhưng Ngô Đức Sơn gầy gò, ốm yếu. Em lại bị thiểu năng trí tuệ và câm điếc bẩm sinh nên rất khó khăn để vui chơi, học tập, hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.

Hoàn cảnh gia đình Sơn rất khó khăn, bố bị tai nạn giao thông qua đời khi em vừa lọt lòng. Mẹ Sơn là giáo viên, một mình nuôi em bị bệnh tật, thường xuyên phải thuốc thang nên cuộc sống vô cùng chật vật.

Mẹ Sơn kể, sinh ra, em đã bị câm, điếc, thay vì những nét tinh anh của trẻ thơ, các cử chỉ, hành động của em luôn lờ đờ. Lớn lên, khoảng hơn 6 tuổi, đôi mắt em cũng mờ dần.

Dù được cô giáo chủ nhiệm quan tâm nhưng  Ngô Đức Sơn không tiếp thu được gì trên lớp học.
Dù được các cô, thầy đặc biệt quan tâm, giúp đỡ nhưng em Ngô Đức Sơn không thể tiếp thu được bài do bệnh tật bẩm sinh. Ảnh: Đình Hà

Dù khó khăn nhưng gia đình đã đưa Sơn đến rất nhiều bệnh viện để chữa trị. Hành trình tìm ánh sáng cho con với cô giáo nghèo vô cùng gian nan. Sơn đã phải trải qua 6 lần mổ mắt, gần đây nhất là vào tháng 8/2017. Mắt của em bị mắc nhiều các bệnh: Đục thủy tinh thể, bong võng mạc, glucom, tăng nhãn áp…Các bác sĩ tiên lượng, nguy cơ cao em sẽ bị mù vĩnh viễn.

Bệnh câm điếc bẩm sinh của Sơn cũng nặng dần; em chỉ nói được ú ớ vài ba từ không rõ nghĩa, giao tiếp, rất khó khăn.

Dù vậy, mẹ em vẫn xin cho con trai được đi học tại chính ngôi trường mình đang công tác để hàng ngày mẹ con cùng đến trường; giúp Sơn phần nào bớt tủi thân. Nhưng em không thể học tập và hòa nhập được với bạn bè và cộng đồng.

Chia sẻ về học trò tật nguyền, cô giáo Nguyễn Thị Văn chủ nhiệm lớp 2C Trường Tiểu học xã Thanh Thủy xúc động: Sơn không biết viết, không nghe, không nói được, thỉnh thoảng lại có hành động không ý thức. Nhưng để động viên tinh thần em và gia đình, các thầy cô và bạn bè thường gần gũi, giúp đỡ em trong học tập, cuộc sống”.

“Trường ở địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn nên chưa tổ chức được các lớp hoà nhập dành riêng cho học sinh khuyết tật. Các thầy, cô giáo trong trường rất đồng cảm và chia sẻ với hoàn cảnh éo le của gia đình và nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của cô Nhung nên động viên cô cho cháu đi học đỡ thiệt thòi và cũng là giúp mẹ cháu yên tâm công tác" - thầy Nguyễn Đình Thái - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Thủy cho biết.

Bị câm, điếc bẩm sinh và ốm yếu nên em Ngô Văn Sơn không thể tham gia được vào bất kỳ họat động nào với bạn bè. Ảnh: Đình Hà
Bị câm, điếc bẩm sinh và ốm yếu nên em Ngô Đức Sơn không thể tham gia được vào bất kỳ hoạt động nào với bạn bè. Ảnh: Đình Hà

Tâm sự về con trai thiếu may mắn của mình, cô giáo Nguyễn Thị Nhung nghẹn ngào: “ Gia đình đã đưa cháu đi chữa trị ở rất nhiều bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến Trung ương. Các bác sỹ kết luận mắt cháu không thể chữa khỏi. Khả năng nói cũng khó có tiến triển, duy chỉ nghe là có thể khắc phục được nếu có máy trợ thính.”.

Được biết, năm 2013, được sự giúp đỡ của một số tổ chức, cá nhân, gia đình đã mua được máy trợ thính cho Sơn, để thuận tiện trong sinh hoạt, học tập nhưng nay máy đã hỏng. Em đành chịu cảnh vừa không nghe thấy, không thể nào hiểu những gì diễn ra xung quanh và không diễn đạt được suy nghĩ của mình.

Với đồng lương giáo viên ít ỏi, nhiều năm phải chạy chữa bệnh tình cho con nên đến nay gia đình cô Nhung đã khánh kiệt, nợ nần. Hai mẹ con Sơn đang phải sống trong căn phòng cũ của trường mầm non đã bỏ hoang từ lâu. Để có được hơn 30 triệu mua chiếc máy trợ thính giúp con đỡ khó khăn trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng với mẹ Sơn là mơ ước xa vời./.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung

Giáo viên Trường Tiểu học Thanh Thủy, Thanh Chương, Nghệ An

Trần Đình Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới