Câu chuyện thống kê

(Baonghean) - Hôm nọ ngồi đọc báo, có bài viết về sự nghèo trên thế giới với những con số thống kê đến từ hàng loạt quốc gia. Mình khều tay chồng, thắc mắc: 

- Anh này, làm thế nào mà người ta thống kê được cả thế giới đến tận từng đầu người như thế nhỉ? Em thấy có mỗi việc thống kê, quản lý tiền lương của anh đã khiến em đủ đau đầu rồi, ấy thế mà vẫn thống kê thiếu…

- Đấy là số liệu đăng báo nghe kinh khủng thế thôi, chứ em thử nghĩ xem, làm gì có ai rảnh rỗi đi xác minh lại từng ấy con số? Người ta chỉ đọc lướt qua và nghĩ trong đầu “Ồ, nhiều thật đấy” rồi chuyển luôn sang con số khác, câu chữ khác. Những dữ liệu ấy vô hại vì chẳng bao giờ đọng lại trong trí nhớ của người đọc. Mà thậm chí nếu muốn xác minh thì bằng cách nào bây giờ? 

- Nhưng có phải con số nào cũng chỉ liệt kê để nói suông, nói chơi đâu. Ví dụ, các tổ chức phi chính phủ muốn gửi tiền và hàng trợ cấp cho người nghèo thì họ phải thông qua các số liệu này để nắm được quy mô, mức độ nghiêm trọng của vấn đề rồi mới lên kế hoạch và định lượng được chứ. Giống như em muốn chi tiêu trong tháng thì phải nắm được tiền lương của anh ấy…

- Em ngây thơ của anh ơi, vấn đề của việc thống kê, so sánh, đối chiếu là ở chỗ không phải ở đâu, lúc nào người ta cũng dùng cùng một hệ tiêu chuẩn và phương pháp thu thập dữ liệu. Thế nên mới có chuyện cùng một đối tượng, cùng một vấn đề, hai tổ chức, hai ngành thực hiện thống kê, khảo sát mà cho ra số liệu chênh lệch nhau. Chênh lệch ít thì có thể do khác biệt về phương pháp nghiệp vụ. Chênh lệch nhiều thì có khi do sai sót, có khi do khác biệt về mục đích. Ví dụ cùng đi khảo sát thống kê số trẻ sinh ra trong một năm, anh dân số có thể sẽ nói bớt đi chút ít vì nhiệm vụ của anh ấy là tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình, nhưng anh giáo dục có thể lại muốn nói vống lên một chút để “dự phòng” cho tình huống thừa trường lớp, thừa giáo viên. 

- Em hiểu rồi, cũng giống như việc anh nói bớt tiền lương của anh đi để dự phòng cho trường hợp em “vung tay quá trán”, bội chi phải không anh?

- Em hoàn toàn hiểu vấn đề rồi đấy. À mà tối nay mình ăn gì hả em?

- Anh chịu khó ăn mỳ tôm nhé, hôm trước em lỡ thích một cái váy quá nên tiêu hụt vào tiền ăn tháng này của vợ chồng mình anh ạ. 

- Không sao, hình như tháng này số liệu thống kê của em sai nên anh vẫn còn tiền đây. Mặc váy mới của em vào rồi vợ chồng mình đi ăn tiệm!

Hải Triều

TIN LIÊN QUAN