Cầu thủ Việt Kiều ở V.League và các đội tuyển: Mừng hay lo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Điều lệ V.League 1-2022 quy định mỗi câu lạc bộ được đăng ký tối đa 1 cầu thủ Việt Nam gốc nước ngoài và tối đa 3 cầu thủ nước ngoài chính.

Tại V.League 1-2022, do Điều lệ quy định 2 giai đoạn được đăng ký, bổ sung, thay thế cầu thủ nên danh tính các ngoại binh hay cầu thủ Việt kiều luôn có sự thay đổi. Đáng chú ý bước vào giai đoạn 2 đăng ký cầu thủ ở V.League này có sự xuất hiện của nhiều cầu thủ Việt kiều trong đội hình các đội bóng bên cạnh các tên tuổi trước đó.

Mới nhất là Lee Nguyễn, cầu thủ Việt kiều từ Mỹ trở lại Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh với nhiệm vụ khẩn cấp chặn đứng đà sa sút của đội bóng sau giai đoạn lượt đi. Tiền vệ Lee Nguyễn sinh năm 1986, chiều cao 1m73 này từng gia nhập Hoàng Anh Gia Lai hồi 2009, Becamex Bình Dương 2010, TP.Hồ Chí Minh 2021 và 2022. Tuy khá lớn tuổi nhưng đây là mẫu cầu thủ được đào tạo bài bản, có thực tiễn thi đấu đỉnh cao. Trận đấu cuối lượt đi, Lee Nguyễn kiến tạo đẳng cấp để đội nhà thắng trận và đang được khen “đẳng cấp mãi mãi” với nhiều hy vọng ở lượt về V.League tới đây.

Lee Nguyễn, cầu thủ Việt kiều từ Mỹ trở lại Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Lee Nguyễn, cầu thủ Việt kiều từ Mỹ trở lại Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Đó là thủ môn Việt kiều Văn Lâm về với “đại gia” Topenland Bình Định. Thủ môn này sinh năm 1993, cao 1m88, đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai Attapeu thi đấu ở Lào từ 2013, gia nhập Hải Phòng 2015 nhưng phải một năm làm quen mới ra sân vào năm 2016. Đến năm 2019 anh sang Thái Lan và sau đó sang Nhật Bản thi đấu cho đến ngày về hôm nay. Hy vọng Văn Lâm sẽ giúp đội bóng đất Võ giảm thiểu số bàn thua (trước đó là 13 bàn/11 trận) và tìm lại cơ hội là thủ môn số 1 Đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup vào cuối năm nay.

Đó là trung vệ Steven Đặng trong đội hình Nam Định, đội bóng đang gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc đua trụ hạng. Cầu thủ Việt kiều sinh năm 1997, cao 1m83 này từng đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai từ mùa giải 2020 nhưng không được ra sân phút nào từ đó tới nay. Steven Đặng từng tìm kiếm vận may ở SHB Đà Nẵng nhưng không cạnh tranh được với Lương Duy Cương nên đã tìm đến đội bóng Thành Nam và được đăng ký, để cùng với Mạnh Hùng và Alisson gia cố hàng thủ đội bóng.

Ngoài ra, có thể thêm các cầu thủ Việt kiều trước đó như tiền đạo Mạc Hồng Quân sinh năm 1992, cao 1m85 từng được đào tạo tại Sparta Praha, về nước thi đấu tại Quảng Ninh 7 mùa giải và nay tại Topenland Bình Định. Hồng Quân từng thi đấu cho U23 Việt Nam, cho Đội tuyển Việt Nam nhưng không thành công như Văn Lâm. Cũng phải kể đến trung vệ Việt kiều Adriano Schmidt - Bùi Đức Duy sinh năm 1994, cao 1m85 vốn là cầu thủ nghiệp dư ở Đức, về quê cha tìm việc năm 1997 từng chịu thất bại khi đến Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam và mãi đến năm 2018 mới được Hải Phòng ký thi đấu giai đoạn 2 và năm 2019 mới được đá chính. Năm 2022 trung vệ này về thi đấu cho Topenland Bình Định và là năm anh được gọi lên Đội tuyển Việt Nam.

Thủ môn Việt kiều Văn Lâm về với “đại gia” Topenland Bình Định. Ảnh tư liệu

Thủ môn Việt kiều Văn Lâm về với “đại gia” Topenland Bình Định. Ảnh tư liệu

Hiện tại, ở Câu lạc bộ Hải Phòng, một cầu thủ Việt kiều từ Australia đang rất cố gắng để được đá chính là Martin Lò. Tiền vệ trung tâm này sinh năm 1997, cao 1m65, từng thi đấu cho Câu lạc bộ Phố Hiến ở giải hạng nhất và gia nhập Hải Phòng từ mùa giải 2022. Từng được hy vọng, từng được ông Park Hang-seo gọi tập trung U22 nhưng không trụ nổi nên chắc chắn mọi việc còn vất vả với Martin Lò.

Ở V.League 2-2022, Câu lạc bộ Phố Hiến là nơi đón nhận và trao cơ hội nhiều nhất cho các cầu thủ Việt kiều. Đó là các cầu thủ trẻ có gốc Việt và Cộng hòa Cech là Tony Lê (Lê Tuấn Anh, 1999) và Tomas Nguyễn (Nguyễn Đức Thiện, 2003). Được biết, Tony Lê từng khoác áo Topenland Bình Định hồi 2021 nhưng chỉ ra sân ít phút ở 3 trận V.League nên khi về Phố Hiến sẽ có nhiều cơ hội thi đấu hơn. Trong khi đó, Tomas Nguyễn trưởng thành từ lò đào tạo Sparta Praha, chơi ở vị trí hậu vệ phải và lần đầu về Việt Nam thi đấu.

Sơ bộ những nhận xét kể trên để thấy cầu thủ Việt kiều là một nguồn đáng kể để bổ sung lực lượng cho các đội bóng, tăng dần chất lượng của V.League. Hơn nữa đây còn là nguồn lực đặc biệt cho Đội tuyển Việt Nam khi đối thủ trong khu vực ồ ạt nhập tịch cầu thủ chất lượng cao như một giải pháp đua tranh thành tích. Trước mắt, giai đoạn lượt về sẽ chứng kiến vai trò của những Lee Nguyễn, Văn Lâm, Steven Đặng, Hồng Quân, Martin Lò hay Tony Lê, Tomas Nguyễn… Đó sẽ là lúc để các chuyên gia theo sát, nắm bắt tình hình và tìm kiếm những cái tên chất lượng cho các đội tuyển. Lâu nay chúng ta đều biết, dù đâu đó nhập tịch thất bại hay thành công thì các đội tuyển Việt Nam cũng chỉ chọn các cầu thủ Việt kiều, chưa tìm kiếm ngoại binh nhập tịch. Một cách làm không giống ai nhưng vốn quen thuộc, được đa số tán đồng nên dễ làm và đang làm tốt. Vậy hãy cứ tiếp tục làm, chưa thể vội, chưa thể khác./.

Tin mới