Cầu trăm tỷ 'treo' 10 năm, dân mòn mỏi đi đò

(Baonghean) - Đến nay, sau 10 năm thi công cầu, người dân Phú Sơn và các xã lân cận của huyện Tân Kỳ, Nghệ An vẫn phải qua sông Con bằng... đò.

Phú Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Kỳ, giao thông cách trở bởi đi vào xã phải vượt qua sông Con bằng đò; rất chật vật vào mùa mưa lũ. Khi cầu Phú Sơn bắt đầu được xây dựng, người dân vô cùng phấn khởi. Nhưng sau 10 năm, cầu vẫn là những khối sắt thép dở dang nằm ngang sông, trong đó nhiều bộ phận đã gỉ sét. 

Người dân vẫn phải đi đò qua sông Con khi ra, vào xã Phú Sơn. Ảnh: Cẩm tú
Người dân vẫn phải đi đò qua sông Con khi ra, vào xã Phú Sơn. Ảnh: Cẩm Tú

Chúng tôi có mặt tại cầu Phú Sơn đầu tháng 3, chứng kiến cây cầu kiên cố bắc qua sông Con nay vẫn chưa thể đi lại được bởi 2 đầu cầu chưa được gắn liền với trục đường chính, 8 nhịp trên mặt cầu vẫn còn rãnh sâu và chưa có lan can bảo vệ. Dưới sông, con đò ngang vẫn miệt mài chở khách.

Chị Đặng Thị Dần - người lái đò tại cầu Phú Sơn, chia sẻ: “Hàng ngày, người dân đi lại qua bến đò này đông, bởi đây là phương tiện để đi vào, ra của xã Phú Sơn. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa nước lên, gió to đi lại rất nguy hiểm. Những lúc đó tôi cũng không muốn chở, nhưng không chở thì bà con đi lại bằng cách nào? Khổ nhất là đêm hôm người ốm đau, sinh đẻ phải đi viện vẫn phải sang đò”. 

Dẫu hiểm nguy luôn cận kề, nhưng hàng chục năm qua, nếu không có con đò này, thì có nghĩa, cuộc sống của hàng ngàn người dân xã Phú Sơn sẽ bị cô lập với bên ngoài. Trong khi như đã nói, cây cầu Phú Sơn cạnh đó vẫn thi công dở dang “câu dầm” nhiều năm qua.

Chị Nguyễn Thị Hoài ở xóm Lam Sơn, buôn bán rau củ cho hay: Khi khởi công xây dựng cây cầu, nhân dân chúng tôi vô cùng vui mừng. Nhưng dần dần cứ mỗi lần qua đò nhìn cây cầu lại thêm bức xúc và buồn. Mỗi ngày chị phải mất 2 - 3 lần đi đò sang sông, mỗi lần hết 10.000 đồng, xe máy là 15.000 - 20.000 đồng, lúc lên xuống đò bập bênh rất nguy hiểm.

Xã Phú Sơn hiện có 1.450 hộ dân với 4.850 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30%. Thu nhập của người dân ở đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng do giao thông đi lại khó khăn, trục đường chính giao thương với các địa phương bị chia cắt nên nông sản làm ra khó xuất bán và bán với giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Như vụ thu hoạch sắn vừa qua, với giá bán các địa phương trong huyện là 1.200 đồng/kg sắn củ, trong khi tại xã Phú Sơn chỉ có giá 700 đồng/kg. Bởi vậy mà đời sống của người dân ở đây mãi khó khăn, hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn gần 33%.

Ông Nguyễn Hải Đông - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn nói “Nhân dân xã Phú Sơn rất bức xúc bởi cầu xây dựng theo kế hoạch là 3 năm hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa thông để dân đi lại. Mỗi năm làm một ít rồi để đó. Đến nay cầu đã hoàn thành 90% hạng mục chỉ còn lại lan can, các khớp nối giữa 8 nhịp và 2 đầu cầu. Cấp ủy, chính quyền địa phương chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cấp, các ngành tạo mọi điều kiện để hoàn thiện cầu Phú Sơn”.

Trao đổi với ông Nguyễn Viết Đức - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Kỳ, ông cho biết: Cầu Phú Sơn thuộc dự án đường vào trung tâm xã Phú Sơn (Tân Kỳ) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5430/QĐ/UBND-CN, ngày 31/12/2007, với tổng mức đầu tư 117,600 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại Quyết định số 2395/QD.UBND ngày 11/6/2013 lên 162,139 tỷ đồng. Hiện đã bố trí vốn 120,6 tỷ đồng, trong đó nguồn TPCP là 117,6 tỷ đồng và nguồn ngân sách tỉnh 3 tỷ đồng).  

Do không có vốn, 2 nhà thầu đầu tiên (Constrexim 16 và Công ty CP xây dựng Minh Sáng) đã bỏ cuộc. Sau đó tỉnh kêu gọi Công ty TNHH Hòa Hiệp vào làm, doanh nghiệp này đã tích cực thi công, tuy nhiên, nguồn vốn vẫn thiếu nên nay đã dừng lại. Hiện theo quy định của Chỉ thị 14/CT.TTg ngân sách Trung ương không hỗ trợ cho phần điều chỉnh tăng mức đầu tư so với mức đầu tư ban đầu, nên từ năm 2016 dự án không còn được bố trí vốn.

Mặt cầu Phú Sơn sắt thép nhiều chỗ đã hư hỏng. Ảnh:  Cẩm Tú
Mặt cầu Phú Sơn sắt thép nhiều chỗ đã hư hỏng. Ảnh:  Cẩm Tú

Tại cuộc làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường và các ngành với UBND huyện Tân Kỳ vào tháng 7/2016, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có thông báo: Hỗ trợ kinh phí tiếp tục thi công hoàn thành cầu Phú Sơn, trước mắt khoảng 9 tỷ đồng để sớm thông cầu và chống hư hỏng phần sắt thép. Thông báo cũng nêu rõ: Tổng mức vốn đầu tư 162 tỷ đồng, trong nguồn trái phiếu đã cấp 117 tỷ đồng, phần phát sinh thêm chưa được cấp vốn. Giao UBND huyện làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư để đưa vào kế hoạch năm 2017; huyện làm tờ trình gửi UBND tỉnh để tỉnh giao cho Sở Tài chính ứng trước 5 tỷ đồng và giao nhà thầu hoàn thành trước ngày 30/9/2016.

Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Sở Tài chính thì cho biết, Sở Tài chính đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Tân Kỳ cam kết bố trí nguồn vốn kế hoạch đầu tư công 2017 cho công trình cầu Phú Sơn, số tiền 5 tỷ đồng. 

Với 5 tỷ đồng đó, nhà thầu chỉ có thể thoàn chỉnh thêm một ít phần mặt cầu. Ông Phạm Văn Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp cho biết: Công ty đã bỏ ra 31 tỷ đồng, đến nay UBND huyện đang nợ 15 tỷ đồng, nên công ty chưa có năng lực để hoàn thành công trình. Công ty mong được Nhà nước bố trí vốn trả nợ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. 

Người dân xã Phú Sơn đang mong các cấp, ngành hữu trách có giải pháp ưu tiên vốn để sớm hoàn thành công trình cấp bách cầu Phú Sơn.  

Châu Lan - Cẩm Tú

TIN LIÊN QUAN

Tin mới