Cây cầu dài nhất châu Âu nối Nga với Crimea một biểu tượng mang tính chính trị

Dự án có thể khiến nỗ lực xích lại gần nhau giữa Nga và Ukraine gặp khó khăn sau cuộc gặp trực tiếp giữa hai lãnh đạo gần đây.

Nga ngày 23/12 chính thức khánh thành và vận hành cây cầu đường sắt Crimea vượt Eo biển Kerch - nối liền Bán đảo Taman thuộc vùng Krasnodar của Nga tới Bán đảo Kerche thuộc Crimea. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là khách hàng đầu tiên đi tàu nối Nga với Crimea – dự án có thể khiến nỗ lực kéo xích lại gần nhau giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ukraine gặp khó khăn sau cuộc gặp trực tiếp giữa hai lãnh đạo gần đây.

Cây cầu dài nhất châu Âu nối Nga với Crimea một biểu tượng mang tính chính trị  ảnh 1
Hình ảnh cầu đường sắt nối Crimea với Nga trong quá trình xây dựng. Ảnh: Structurae

Có mặt tại khoang lái của con tàu dẫn tới bán đảo Crimea trước sự chứng kiến của đông đảo người dân, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh đây là một sự kiện lớn, chứng tỏ rằng "với tài năng, sự kiên trì và quyết tâm của mình, Nga có thể thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng tầm cỡ thế giới, vì đây là cây cầu dài nhất (19 km) không chỉ ở Nga mà cả ở châu Âu.

“Nước Nga có thể sử dụng công nghệ trong nước, đưa những dự án quy mô lớn thành hiện thực. Không nói quá, công trình mà chúng ta đã làm đã truyền cảm hứng về niềm tin mà mọi người trong chúng ta đều có khả năng làm được những dự án lớn như thế này và sẽ làm những công trình khác nữa trong tương lai” - Tổng thống Putin khẳng định.

Cầu vượt eo biển Kerch là dự án đầy tham vọng của Nga, cũng là kết nối đường bộ duy nhất giữa lãnh thổ nước này và bán đảo Crimea. Cây cầu gồm phần đường bộ và đường sắt chạy song song với nhau, trong đó hạng mục đường bộ được Tổng thống Putin khánh thành tháng 5 năm ngoái. Ông Putin tuyên bố, khoảng 14 triệu người, 13 triệu tấn hàng hóa trong năm 2020 sẽ đi qua cầu Crimea bằng đường sắt.

Với việc khánh thánh cây cầu dài nhất châu Âu, ngoài việc đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng để kết nối giao thông, công trình này cũng được coi là một biểu tượng mang tính chính trị sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga vào năm 2014. Điều đáng nói là lễ khánh thành diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Nga và Ukraine vừa có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Paris, nhất trí một số biện pháp giảm căng thẳng trong cuộc xung đột. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần khẳng định sẽ không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

“Tôi muốn đưa ra một số nguyên tắc sẽ không bao giờ vi phạm khi là một Tổng thống của Ukraine và tôi nghĩ người dân Ukraine cũng sẽ không bao giờ đồng ý. Trong đó có việc sẽ không có sự thỏa hiệp về một giải pháp cho tình hình tại phía đông Ukraine, theo các điều kiện nhượng bộ lãnh thổ trong khuôn khổ biên giới được quốc tế công nhận”, Tổng thống Ukraine Zelensky nói.

Chính vì vậy ngay sau khi Nga khánh thành cây cầu nối Crimea đã vấp phải sự chỉ trích của Ukraine và Liên minh châu Âu. Đại diện văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, tuyến đường sắt và chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Crimea là một bước đi vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Liên minh châu Âu trước đó đã cấm các công dân và công ty châu Âu đầu tư vào Crimea, bao gồm các hạng mục cơ sở hạ tầng và giao thông trên bán đảo, gây khó khăn cho việc xây dựng cầu.

Các nước Liên minh châu Âu đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Nga sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây, kéo theo một loạt các lệnh trừng phạt dành nhằm vào Nga. Liên minh châu Âu trong tháng này đã gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga thêm 6 tháng.

Tin mới