'Cây gậy' hay 'củ cà rốt' cho khủng hoảng di cư?

(Baonghean.vn) - Ủy ban châu Âu (EC) đang nỗ lực ngăn dòng người di cư từ châu Phi. Nhiều sức ép và động lực được đưa ra để ‘dụ dỗ’ các quốc gia lục địa đen đóng cửa biên giới và giữ chân người di cư.

Cao ủy EU về đối ngoại Frederica Mogherini tranh luận trước Nghị viện châu Âu: “Chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó. Chúng ta sẽ không đảo lộn tình hình bằng những đề xuất, nhưng không có cách nào để thay đổi các xã hội châu Phi hơn là hợp tác với họ”.

Người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini muốn hợp tác với các xã hội châu Phi để giải quyết vấn đề di cư.
Người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini muốn hợp tác với các xã hội châu Phi để giải quyết vấn đề di cư.

Kiểm soát di cư

Phía sau lời kêu gọi hợp tác hình thức mới giữa các nước châu Âu, Trung Đông và châu Phi về chính sách di cư vẫn là nhu cầu cấp thiết về mặt chính trị, như tài liệu mới đây của EU nêu rõ: “Hiện nay, hàng chục nghìn người đến Libya đang tìm cách tới châu Âu”. Brussels biết rằng các thành viên EU vẫn đang hục hặc, và hầu như không ai muốn tiếp nhận thêm người di cư.

Trong khi đó, số lượt đến châu Âu lại tiếp tục tăng những ngày qua. Hiện nay, nhiều người di cư châu Phi đang khởi hành những chuyến đi chết chóc dọc Tây Địa Trung Hải để đến Italy. Đó là nguyên do khiến EU muốn ký thỏa thuận hợp tác với Jordan, Liban, Tunisia, Nigeria, Senegal, Mali, Niger, Ethiopia và Libya - những thỏa thuận tương tự như cái đạt được giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ.

Những nước sẵn lòng đóng cửa biên giới, giữ chân người di cư bất hợp pháp và cuối cùng là thành lập các trung tâm tiếp nhận người di cư sẽ được 'thưởng': châu Âu muốn gửi gắm hứa hẹn về nhiều viện trợ phát triển hơn nữa và các quan hệ thương mại được cải thiện.

Phục vụ mục đích đó, các quỹ dành cho phát triển và chính sách di cư tại châu Phi hiện nay sẽ được kết hợp, và các khoản sẽ được thanh toán tùy theo tình hình, chẳng hạn, các nước Bắc Phi giữ chân công dân của họ nếu những người đó không có khả năng được quyền cư trú tại EU.

Toàn bộ khu vực đều nằm trong kế hoạch đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tại các quốc gia chịu ảnh hưởng. EC hy vọng số tiền lên tới 68 triệu USD có thể được huy động nếu các doanh nghiệp tư nhân tham gia và nếu Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) bảo lãnh đầu tư.

Phó cao ủy EU Frans Timmermans đã đàm phán thỏa thuận mới đây với Thổ Nhĩ Kỳ về di cư.
Phó cao ủy EU Frans Timmermans đã đàm phán thỏa thuận mới đây với Thổ Nhĩ Kỳ về di cư.

Khen ngợi từ phe bảo thủ

Các quốc gia thành viên đã tiến hành bước đầu tiên theo hướng trên từ mùa Thu năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi tại Malta. Tuy nhiên, chưa hành động nào được đưa ra sau những hứa hẹn chắc nịch khi ấy.

Vấn đề nằm ở tài chính: “EU cam kết rót 2 tỷ USD vào quỹ ủy thác châu Phi, nhưng các nước thành viên chỉ mới đóng góp 91 triệu USD” - như lời phàn nàn của Manfred Weber, người đứng đầu đảng nhân dân châu Phi (EPP) bảo thủ trong Nghị viện châu Âu.

Ngoài ra, ông khẳng định mình không gặp vấn đề gì khi thắt chặt hợp tác phát triển để thực thi tốt chính sách di cư. Ông cho rằng nên khen ngợi các nước sẵn lòng tiếp nhận trở lại công dân của mình, và trừng phạt những nước không làm vậy.

Chỉ trích từ phe cánh tả và tự do

“Sao chép thỏa thuận của chúng ta với Thổ Nhĩ Kỳ và đẩy các vấn đề cho người khác không phải cách để tiến bộ” là ý kiến đối lập từ người đứng đầu phe tự do trong Nghị viện châu Âu. “Thôi được, chúng tôi chi tiền, giờ các anh giữ chân người di cư” - suy nghĩ này sẽ không có hiệu quả dài hơi.

Guy Verhofstadt đề xuất thỏa thuận hợp tác toàn diện hơn giữa EU-châu Phi: phát triển kinh tế nội địa và tại các nước chuyển tiếp cần được tăng cường để đem lại triển vọng tương lai cho người dân, thêm vào đó là thúc đẩy phát triển dân chủ.

Số đông Nghị viện châu Âu dường như ủng hộ kết hợp ‘cây gậy’ với ‘củ cà rốt’ cho những nước châu Phi. Phó cao ủy EU Frans Timmermans nói: “Chúng tôi phải gửi trở lại người di cư và giúp đỡ họ trong cuộc sống tại chính quê nhà của họ”.

Đây chính là nhân vật đã đàm phán thỏa thuận trên với Thổ Nhĩ Kỳ. Và có lẽ những cuộc thương thuyết khó khăn hơn nhiều với chuỗi dài các nước châu Phi đang chờ đợi ông ở phía trước.

Thảo Linh

(Theo DW)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới