Cây 'giảm nghèo' ở bản Bãi Xa

(Baonghean.vn) - 3 năm trở lại đây, đời sống bà con bản Bãi Xa, xã Tam Quang (Tương Dương - Nghệ An) đã có những thay đổi rõ rệt nhờ đẩy mạnh thâm canh cây mía, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Gia đình anh Vi Văn Cảnh ở bản Bãi Xa trước đây sản xuất hơn 1 ha sắn cao sản và ít sào lúa ruộng nhưng  hiệu quả không cao. Vụ xuân năm 2012, khi xã quyết định chuyển đổi đất bãi bằng trồng sắn sang trồng mía, anh Cảnh đã mạnh dạn đăng ký trồng hết diện tích đất của gia đình mình.

Ngay trong vụ đầu tiên trừ chi phí, anh đã thu lãi trên 10 triệu đồng. Anh Vi Văn Cảnh cho biết: “Trồng mía chỉ vất vả vụ đầu, các vụ sau chỉ cần vun xới, bón phân, chăm sóc và thu hoạch. Từ khi đưa cây mía vào trồng gia đình tôi và các hộ ở Bãi Xa đã có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng sắn và lúa”.

khẳng-định-cây-cây-mía-đã-thực-sự-là-cây-trồng-phù-hợp-mang-lại-giá-trị-kinh-tế-cho-Bãi-Xa
Mía là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con bản Bãi Xa (Tam Quang, Tương Dương).

So với các địa phương khác ở huyện miền núi Tương Dương thì bản Bãi Xa có diện tích đất bằng và bãi ven sông Lam nhiều nhất, với trên 22 ha. Nhưng năm 2012 trở về trước toàn bộ diện tích đất bãi bằng của bản được trồng cây sắn cao sản, nhưng thu nhập rất bấp bênh, mỗi năm 1 vụ trung bình chỉ thu nhập trên 20 triệu đồng/ha không giúp bà con nông dân giảm nghèo bền vững được.

Năm 2013, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, Tam Quang mạnh dạn chuyển hết diện tích đất bãi bồi của bản Bãi Xa và một số bản lân cận sang thâm canh cây mía. Tuy nhiên, để tạo được sự đồng thuận của bà con là một quá trình vận động không mệt mỏi của cấp ủy đảng, chính quyền và ban quản lý bản, trong đó cán bộ, đảng viên luôn là những người gương mẫu đi đầu thực hiện.

Một ngôi nhà của người dân xây dựng từ  tiền trồng mía.
Một ngôi nhà của người dân xây dựng từ tiền trồng mía.

Bà Vi Thị Ngọc – Bí thư Chi bộ bản Bãi Xa cho biết: “Để vận động được người dân tham gia chuyển đổi cây trồng,  thì đảng viên và các phó, trưởng các hội, đoàn thể luôn gương mẫu đi đầu đăng ký trước. Bên canh đó,  để triển khai đúng thời vụ, đúng kỹ thuật Ban quản lý bản  đã trực tiếp liên hệ với những hộ có máy cày công suất lớn để làm đất và tuyên truyền, vận động nhân dân cùng xuống giống đồng loạt. Nhờ đó, năm 2015 cây mía ở  bản Bãi Xa đã cho thu hoạch cao hơn rất nhiều so với trồng sắn trước đây”.

Hiện nay ở bản Bãi Xa đã có nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng mỗi năm. Riêng vụ mía năm 2015, năng suất bình quân đạt từ 800 tạ/ha đã khẳng định cây mía thực sự là cây trồng phù hợp mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân ở Bãi Xa xóa được nghèo, phát triển kinh tế hộ.

Vụ mía năm 2016 này xã Tam Quang tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía lên 25 ha. Phấn đấu năm hết 2016 tỷ lệ hộ nghèo của bản Bãi Xa giảm từ 40 hộ xuống còn 33 hộ.

Vụ-mía-năm-2016-này-xã-Tam-Quang-tiếp-tục-mở-rộng-diện-tích-trồng-mía-lên-25-ha
Năm 2016, xã Tam Quang tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía lên 25 ha.

Đồng chí  Lô Văn Lý – Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang cho biết: “Với xã Tam Quang việc chuyển đổi sang trồng mía mới là bước đầu, nên khi ban hành nghị quyết cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động, chỉ đạo quyết liệt, nhân dân đã đồng thuận cao, nhờ đó người dân có thu nhập nhất định so với cây trồng khác ”.

Hiện toàn bản Bãi Xa có 85% hộ có nhà kiên cố, mua sắm được các phương tiện sinh hoạt hiện đại. Đặc biệt người dân rất tích cực tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Cây mía đang trở thành cây trồng giúp bà con giảm nghèo nhanh và bền vững.

May Huyền – Vi Mận

Đài Tương Dương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới