Cây nến sáp trong đời sống tâm linh của người Thái Nghệ An

(Baonghean.vn) – Với đồng bào Thái ở miền Tây Nghệ An, cây nến làm từ sáp ong không chỉ là vật thắp sáng mà còn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng.

Khi đưa tổ ong về lấy mật, phần sáp được người ta cho vào nồi đun sôi đến lúc lớp váng nổi lên sẽ tắt lửa, chờ lúc nguội để vớt lấy và cất làm nến. Sáp để lâu ngày sẽ cô lại thành khối, khi cần làm nến sẽ đưa ra hơ trên bếp lửa cho sáp dẻo ra để dễ tách và có thể lựa chọn khối lượng, cấu tạo kích thước tùy ý.

m
Sau khi được hơ trên lửa, khối sáp ong có độ dẻo và được nhào thành hình cây nên, ở giữa đặt một lõi bấc. Ảnh: Công Kiên

Khối sáp dẻo bắt đầu được nhào nặn thành hình, ở giữa đặt một sợi bấc theo chiều dọc. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng mà gia chủ nhào thành những cây nến có kích thước lớn hay nhỏ, dài hay ngắn. Khi mặt ngoài mịn, hình dáng thẳng, đảm bảo tính thẩm mỹ tức là cây nến đã được hoàn thành, chờ lúc gia chủ dùng vào việc thắp sáng và cúng tế.

Trong các nghi lễ quan trọng của người Thái,
Trong các nghi lễ cúng tế quan trọng của người Thái, ngoài các lễ vật theo quy định gần như không thể thiếu cây nến sáp ong. Ảnh: Công Kiên

Theo lời ông Vang Kim Huệ - người khá am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc Thái, cư trú ở bản Can, xã Tam Thái (Tương Dương), nến sáp chủ yếu được dùng vào các nghi lễ như: Lễ tang, lễ chuộc hồn (páng chuộc), làm vía và khài cúng. Một số gia đình còn dùng để thắp trong đêm 30 Tết, vào dịp rằm tháng Giêng và tháng Tám.

So với các loại nến khác, nếp sáp tuy không sáng bằng nhưng thường không bị tan chảy, có mùi thơm đặc trưng của sáp ong, khi cháy có thể nhìn xuyên qua đốm lửa. Có lẽ vì thế mà người Thái chọn loại nến này để thực hiện các nghi lễ mang tính tâm linh, bởi họ quan niệm ánh sáng, hương thơm và khói cây nến sáp là cầu nối giữa thế giới thực tại và thế giới tâm linh, soi đường cho tổ tiên trở về với con cháu và chỉ lối cho linh hồn người mất đi về cõi khác.

So với các loại nến khác, độ sáng của nến sáp không bằng nhưng có hương thơm đặc trưng của sáp ong.
So với các loại nến khác, độ sáng của nến sáp không bằng nhưng có hương thơm đặc trưng của sáp ong. Ảnh: Đình Tuân

Đặc biệt, trong quan niệm của người Thái, ngọn nến sáp thể hiện tấm lòng thành của con cháu đối với tổ tiên, của người sống với người đã khuất. Trong lúc làm lễ, khói của cây nên bay về hướng nào thì tổ tiên ở đó và sẽ đi về từ hướng đó. Và loại nến này còn được dùng như một vị thuốc, khi bị thương có thể ngậm cây nến sáp đang cháy, hít lấy khói rồi phả vào vết thương, khí ấy sẽ thấy dễ chịu và da nhanh lành sẹo.

m
Nến sáp được dùng trong nghi lễ chuộc hồn (páng chuộc) của người Thái ở huyện Tương Dương. Ảnh: Đình Tuân

Ngày nay, trên thị trường có nhiều loại nến mẫu mã đẹp, có màu sắc và hương thơm nhưng nhiều gia đình người Thái vẫn lưu giữ phong tục chế biến và sử dụng nến sáp cho việc thờ cúng và thực hiện nghi lễ tâm linh. Điều ấy thể hiện nét đẹp mang tính bản sắc, ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa được truyền lại từ bao đời./.

Công Kiên – Đình Tuân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới