Cây ơi, tôi hiểu…

Tết năm nay, ông trời bỗng “cực đoan” đổ nắng chói chang. Ai đó nheo mắt nói “một năm khởi đầu bằng… mùa hè” hay “hè về rồi, chỉ thiếu mỗi tiếng ve”!

Đêm 30 tháng Chạp năm trước, trước giờ đón Giao thừa, trời bỗng rây xuống những màn mưa nhẹ lâng trong khe khẽ sương lạnh. Cho đến tờ mờ sáng mồng Một Tết Mậu Tuất, quê tôi cũng như nhiều nơi khác được đón hẳn một trận mưa xuân phơi phới, cây cối rủ nhau đâm chồi, nảy lộc, ruộng vườn óng ánh màu xanh!

Vậy mà đón Xuân này, sáng 30 quạt bật vèo vèo, tối mồng Một vèo vèo quạt nóng, mồng Hai, mồng Ba, mồng Bốn vẫn cứ trên dưới 30 độ C? Ai đó thở dài khe khẽ, “biến đổi khí hậu” sao nhanh thế, cứ tưởng nước biển dâng, nhiệt độ tăng là ở đâu đó ngàn vạn dặm, chứ đâu phải… quê mình?

Tôi thì chẳng phải nghĩ gì xa xôi khi cuốc bộ qua cả quãng đường không một bóng cây để đến chúc Tết người bạn cũ. Vâng, không chỉ lúc đó mà có lẽ bất cứ lúc nào, đi xe hay tản bộ, vội vàng hay chậm rãi, tôi cũng như nhiều người chắc chắn luôn mong mỏi, ước ao được đi dưới những hàng cây phủ đầy bóng mát, cành lá rung rinh trong nắng gió ngàn đời.

Điều đơn giản, bình thường đó lại không/chưa có được, ít nhất là với tôi lúc này!

Lâu nay, cứ mỗi độ Xuân về, quê tôi, cơ quan tôi và bất cứ nơi nào cũng đều có Tết trồng cây, nhiều nơi có dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Và vô vàn lễ lạt to nhỏ, lớn bé với màn “trồng cây lưu niệm” muôn thuở, rồi treo tên, gắn biển rõ ràng, tuyên truyền, quảng bá dày đặc trên báo chí, truyền thông.

Khi cơ quan tôi khánh thành nhà làm việc mới ở thành phố vào mùa mưa, vị lãnh đạo tỉnh vốn thâm niên trong ngành nông, lâm nghiệp đã yêu cầu chúng tôi ngay lập tức trồng cây trong và ngoài khuôn viên theo quy hoạch cụ thể. Việc làm thiết thực này được khá nhiều người hưởng ứng, trong đó có người sắp đến ngày nghỉ chế độ đã cất công tìm kiếm giống cây quý và đem trồng, rào che cẩn thận, ai cũng tấm tắc khen.

Ở ngay xóm núi quê tôi, con đường nhỏ nối từ Quốc lộ 7A men theo Hòn Dài ra Hòn Ràn từ vài năm trước đã được một người con quê hương thành đạt giúp đầu tư nâng cấp và được ông cho trồng hai hàng cây khép kín cũng vào dịp đầu Xuân năm trước.

Cây trồng trong vườn nhà thì không nói làm gì, nhưng bỏ công, bỏ của trồng cây đường ven núi do một cá nhân tự làm thì xưa nay nơi đây mới có một. Người hay chuyện ở làng tôi nói thế, không quên “yêu cầu” tôi viết báo dù chủ nhân sự việc không hề mong muốn.

Từ chính hai câu chuyện nhỏ nói trên và từ buổi sáng đầu Xuân nắng nóng gay gắt đi bộ qua quãng đường không một bóng cây, tôi bỗng nhận ra một điều gì đó và tự hỏi: Mình nghĩ thế này có đúng, có trúng được phần nào không?

Đó là khởi đầu, ở cơ quan tôi, tôi và vị sắp nghỉ chế độ nọ, người con thành đạt gốc gác xóm núi quê tôi… đều có điểm xuất phát như nhiều người khác là vô cùng hăng hái, phấn khởi, làm tích cực, cống hiến. Đã làm được một việc có ý nghĩa là “trồng cây cho mai sau”, “vì sự nghiệp trồng cây”… nhưng kết quả chỉ có thế và đến thế!

Đã gần chục năm nay tôi không biết những hàng cây mình góp công trồng hồi nào đã được chăm sóc, bảo vệ ra sao? Tôi cũng không biết vị cán bộ nghỉ hưu kia có đến thăm lại cơ quan và dặn dò những người kế tục chăm lo để “cây kỷ niệm” vươn cành, xanh lá thế nào? Riêng hàng cây xóm núi quê tôi, tôi đi qua, về lại nhiều lần đã không tránh khỏi xa xót khi thấy vẫn còi cọc giữa khô hạn, nào có ai tưới tắm, chăm bẵm gì đâu ngoài những hạt mưa trời!

Có dịp đi đó, đi đây, tôi đã chứng kiến giữa những sa mạc mênh mông, người ta vẫn trồng cây, vẫn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đạt năng suất cao vòi vọi so với sản xuất thô sơ truyền thống. Vùng cát trắng chang chang ven biển miền Trung nước ta, không hiếm những khu du lịch đạt tầm cỡ quốc tế, trong đó có những vườn hoa, cây cảnh sống trên cát mà xanh tràn sự sống trước sự ngỡ ngàng, ngưỡng mộ của bao du khách gần xa.

Nói đến đây, lại nhớ câu chuyện cây bàng làng Nhân Hậu quê tôi.

Cây bàng hơn trăm tuổi, chứng tích bao sự kiện sừng sững của làng từ những năm 1930 – 1931, bao câu chuyện bà tôi kể, của tuổi học trò với trái bàng khô một thời chưa xa… Dịp mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 7A, cây bàng nằm trong diện… vi phạm mốc giới, phải giải tỏa! Nhiều người không đồng tình nhưng chỉ biết thở than, im lặng chấp hành. Riêng chú tôi “cực đoan” không chịu. Ông đứng chắn giữa đường, nói to lên trước mọi người và nhóm công tác, rằng “Không được chặt phá cây bàng! Chúng tôi sẵn sàng bớt phần đất nhà mình, xóm mình để chỉnh sửa con đường phù hợp. Nào bà con đồng ý với tôi không, chúng ta làm đơn lên cấp có thẩm quyền giải quyết!”.

Câu chuyện nhỏ cây bàng ở làng tôi có lẽ cũng na ná câu chuyện hàng cây ở đường phố Phạm Văn Đồng – Hà Nội, nhất là tình yêu dành cho cây xanh, cho môi trường sống thân thuộc của con người dù ở phố thị hay làng quê hẻo lánh.

Tôi vẫn đi bộ dọc con đường chang chang xóm núi và chỉ một mực mong tìm chỗ nghỉ râm mát, chở che như dưới bóng cây bàng thân thuộc.

Cây ơi, tôi hiểu…