Chậm đóng hoặc không đóng BHYT cho lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt thế nào?

(Baonghean.vn) - Do người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm y tế, nên thẻ của người lao động của Công ty tôi bị khóa. Trong thời gian đó, người lao động đã phải tự chi trả các chi phí khám chữa bệnh. Xin hỏi: Mức đóng BHYT của người sử dụng là bao nhiêu? Khi người sử dụng lao động chậm đóng, hoặc không đóng BHYT cho người lao động, thì bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:

 1. Theo khoản 1, Điều 12 Luật BHYT hợp nhất, đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bao gồm:

 - Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

2. Theo Điều 18, Quyết định 595/QĐ-BHXH, 14/4/2017, mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%. Tiền lương tháng đóng BHYT là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.

Hàng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị có trách nhiệm đóng khoản tiền trên cho cơ quan BHXH.

Chủ sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT cho người lao động. Ảnh minh họa: P.V
Chủ sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT đầy đủ, đúng thời hạn cho người lao động. Ảnh minh họa: P.V

 3. Theo Mục 73, Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020, khi không đóng, chậm đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT từ 30 ngày trở lên, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm như sau:

- Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT;

- Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

- Ngoài ra, theo khoản 2, Điều 80, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: đối với hành vi không đóng BHYT cho toàn bộ số người lao động bắt buộc tham gia BHYT của người sử dụng lao động, đóng BHYT không đủ số người bắt buộc tham gia BHYT của người sử dụng lao động, chậm đóng BHYT, trốn đóng BHYT thì tùy thuộc vào số lượng người lao động bị vi phạm, người sử dụng lao động có thể bị phạt hành chính từ 1 triệu đồng lên đến 40 triệu đồng.

- Trong trường hợp những hành vi vi phạm về tội trốn đóng BHYT gây hậu quả nghiêm trọng, người sử dụng lao động có thể bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

BAN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT - QUAN HỆ LAO ĐỘNG

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH NGHỆ AN

(ĐT: 09 1974 2006; 0375 037 037)

Tin mới