Chăm lo công tác đoàn kết tôn giáo

Cơ quan cũ nơi tôi công tác có một phóng viên là đồng bào Công giáo, rất giỏi nghề, được chú ý đào tạo và trưởng thành vượt bậc, đoạt nhiều giải thưởng báo chí, được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú gần chục năm nay. Anh chăm chỉ làm nghề, luôn trau dồi nâng cao nghề nghiệp, được đồng nghiệp, bạn bè quý mến. Nhưng khi mọi người gặng hỏi về con đường phấn đấu, anh chỉ cười trừ…

Có lần tôi hỏi vị lãnh đạo cơ quan về câu chuyện của phóng viên kia, thì được trả lời rành rọt, cụ thể rằng, mỗi người có một lựa chọn riêng, chúng ta nên tôn trọng và tiếp tục giúp đỡ, nghĩa là phải đoàn kết, trước mắt là làm việc tốt, việc cơ quan cũng như việc gia đình, cơ quan, làng xóm.

Một cơ quan trên dưới 100 cán bộ, công chức, nhân viên như cơ quan tôi và câu chuyện phấn đấu, trưởng thành của vị phóng viên kia có thể chưa phải là trường hợp điển hình về công tác tập hợp, đoàn kết tôn giáo trong tỉnh cũng như cả nước. Còn biết bao nhiêu trường hợp cụ thể, thuyết phục nữa mà chúng ta chưa kể ra đây nhưng cũng đủ để khẳng định rằng, công tác đoàn kết tôn giáo nói chung và những việc làm cụ thể trong thôn xóm, cơ quan, trường học, bệnh viện… đã và đang trở thành công việc thường xuyên, thuộc nằm lòng của từng người, từng gia đình và cả xã hội

Được biết, nước ta hiện có 13 tôn giáo với 33 tổ chức đã được công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động hợp pháp dưới sự bảo hộ của pháp luật, trong đó có 6 tôn giáo ngoại nhập và 6 tôn giáo nội sinh.

Trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới, con số trên 20 triệu đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo và nhiều chục triệu đồng bào có cảm tình tôn giáo trong cả nước là một lực lượng quần chúng không nhỏ. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều hướng tới mục tiêu nhất quán, đó là đoàn kết đồng bào tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc, vì sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2016  khẳng định: “Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 1. Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; và nghiêm cấm “Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”.

Trước hết, phải tiếp tục thấm nhuần bài học về đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chức sắc, tín đồ tôn giáo đều là đồng bào, là công dân nước Việt Nam, lấy tình anh em, tình bạn bè để ứng xử và giải quyết các vấn đề đoàn kết tôn giáo là giải pháp hiệu quả nhất.

Để thực hiện được đoàn kết tôn giáo phải tôn trọng nguyên tắc: Cốt lõi công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Phải bằng các việc làm thuyết phục, có ý nghĩa để làm cho quần chúng tôn giáo hiểu về chế độ xã hội mới, hiểu chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, hiểu về những vấn đề xã hội. Thực tiễn phong phú của cả quá trình cách mạng, nhất là trong thời kỳ xây dựng hòa bình, khó khăn nhất là làm sao để quần chúng nói chung cũng như bà con tôn giáo hiểu về âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá ta, làm suy yếu ta qua việc gây mất đoàn kết nội bộ của từng nơi, từng vùng và có nguy cơ lây lan, mất kiểm soát dẫn đến hậu họa khôn lường.

Thực tiễn công tác tập hợp đoàn kết tôn giáo đồng thời cũng chỉ rõ, trong tất cả những việc làm cần thiết, quan trọng nhất là sự gương mẫu tận tụy của người cán bộ, người lãnh đạo. Đó là phải thực sự làm cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo tin tưởng và hiểu rõ cuộc sống của con người chỉ thực sự hạnh phúc, tiến bộ khi có sự đoàn kết. Người cán bộ, lãnh đạo phải làm cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo hiểu rõ hạnh phúc, an lạc từ tín ngưỡng tâm linh của họ không thể trọn vẹn nếu không có xã hội đoàn kết thân ái.

Phải hiểu và chấp nhận tôn giáo thì mới có cơ sở để chức sắc, tín đồ tôn giáo hiểu và chấp nhận đi trên con đường xây dựng đất nước ấm no, giàu mạnh. Và chúng ta đoàn kết với tôn giáo chính là để các tôn giáo đoàn kết cùng nhau đi trên con đường xây dựng xã hội mới.

Cũng từ trong thực tiễn sinh động những năm gần đây, có thể thấy công tác đoàn kết tôn giáo đang đòi hỏi những phương pháp, cách làm phù hợp mới có thể thu được kết quả tích cực. Không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước nhưng đồng thời cũng phải sáng tạo cách làm mới, chỉ thời điểm này mới có, mới hiệu quả.

Tôi từng nghe một người nhiều năm công tác ở huyện vùng giáo nói vui rằng, việc to thì tìm cách to, việc nhỏ thì nhẹ nhàng, tình cảm qua lại với nhau, như tổ chức một “bữa cơm đoàn kết”, chúc nhau chén rượu, nói chuyện chân tình lại được việc ra trò. Đừng tổ nọ, nhóm kia, tiền hô hậu ủng mà chưa chắc đã nói với nhau hết nhẽ, thấu tình, đạt lý, dẫn tới kéo rê, hỏng việc.

Hay như một biểu hiện, việc làm cụ thể đi ngược lại đoàn kết tôn giáo từ cơ quan nào đó, một xóm làng nào đó chẳng hạn, không những không phát huy được năng lực, sở trường của một con người để đóng góp cho công việc chung, làm xói mòn tình đồng nghiệp, đồng môn, anh em chòm xóm và biết đâu còn tạo ra những hệ lụy nào đó không thể nói trước.

Những ngày đầu xuân, mùa lễ hội này cũng có những chuyện đáng nói liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, đồng thời cũng kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện của việc lợi dụng tự do tín ngưỡng hòng mưu lợi cá nhân, làm mất đi vẻ đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc bằng những hủ tục lạc hậu, hoàn toàn không phù hợp với đời sống mới.

Cơ quan mới của tôi, dịp đầu xuân nào cũng tổ chức cho mọi người đi tham quan di tích, thắng cảnh với điều kiện đơn giản là đi vào ngày nghỉ, thuê xe chung, không mang theo đồ dùng có thể gây hại cho môi trường và dứt khoát không để ảnh hưởng đến công việc riêng chung, từng người cũng như cả cơ quan.

Vâng, đó cũng là một biểu hiện tốt, cần thiết của những người không theo tín ngưỡng, tôn giáo khi tìm đến những nơi có đông đảo bà con đang thực hành tín ngưỡng, tôn giáo hàng ngày, hàng giờ, trước khi nói đến những công việc lớn lao, quan trọng hơn về đoàn kết tôn giáo mà cả nước đang ra sức vun trồng, chăm chút…