'Chậm trễ' tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi

(Baonghean) - Năm 2016, lần đầu tiên tỉnh Nghệ An tổ chức tôn vinh những nghệ nhân, thợ giỏi đóng góp nhiều cho sản xuất làng nghề, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, đến nay gần đến thời hạn bình chọn, cả tỉnh mới có 12 hồ sơ.

Nhằm khuyến khích, ghi nhận và biểu dương công lao đóng góp, cống hiến trí tuệ, tài năng của nghệ nhân, thợ giỏi ở địa phương vào việc khôi phục, phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh "Ban hành Quy định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tỉnh Nghệ An” theo Quyết định số 73/2015/QĐ-UBND (ngày 21/12/2015). 

Thợ giỏi nghề dệt thổ cẩm.
Thợ giỏi nghề dệt thổ cẩm.

Đến nay, toàn tỉnh có 139 làng nghề và hơn 300 làng có nghề, phân bố trên địa bàn 18 huyện, thành, thị, với giá trị sản xuất từ nghề đạt hơn 1.122 tỷ đồng/năm. Hoạt động làng nghề khá phong phú, đa dạng với nghề bún bánh, kẹo lạc, nước mắm, mây tre đan, chổi đót, hương trầm, thổ cẩm, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, hoa cây cảnh... Phát triển TTCN, xây dựng làng nghề, làng có nghề, hàng năm đã tạo ra giá trị kinh tế cho các địa phương trung bình từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng, chiếm bình quân từ 30 - 35% giá trị kinh tế chung của các huyện, tạo việc làm mới cho trên 3,5 vạn lao động.

Thông qua hoạt động sản xuất, phát triển ngành nghề đã tạo ra những chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế ở vùng nông thôn và thực hiện các mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng hạ tầng; trong thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và ổn định an sinh xã hội. Có được những kết quả trên, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ nghệ nhân và thợ giỏi tại các địa phương trong tỉnh.

Theo kết quả điều tra khảo sát của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, năm 2012, trên địa bàn Nghệ An có trên 226 lao động giỏi ở các làng nghề trong tỉnh có thể được suy tôn danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi. Như vậy, nguồn lao động có tay nghề cao ở các làng nghề khá nhiều, việc suy tôn danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi là cần thiết.

Năm 2015, Liên minh HTX tỉnh nhận thấy việc suy tôn nghệ nhân, thợ giỏi rất cần thiết và đã tham mưu nội dung này cho UBND tỉnh ra quyết định. Năm 2016 là năm đầu tiên Liên minh HTX tỉnh sẽ tổ chức xét chọn danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi của tỉnh. Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã có văn bản gửi về các huyện, đồng thời tích cực đôn đốc các đơn vị cơ sở tổ chức bình chọn ở cấp huyện, song nhiều huyện vẫn chưa quan tâm tới nội dung này. 

Thợ làm nghề mộc mỹ nghệ tại Làng nghề mộc Phú Nghĩa (Quỳnh Lưu).
Thợ làm nghề mộc mỹ nghệ tại Làng nghề mộc Phú Nghĩa (Quỳnh Lưu).

Đến thời điểm này, Nghệ An có duy nhất một nghệ nhân ở làng nghề đóng tàu Trung Kiên (Nghi Lộc) được Hiệp hội làng nghề Việt Nam đặc cách phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”.

Làng nghề ở Nghệ An đang phát huy vai trò tích cực ở các địa phương. 72% làng nghề phát triển bền vững, sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, song một số nghề phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, khó khăn về nguyên liệu, tiền công của người lao động thấp, nên có những làng nghề như sản xuất mây tre đan, móc sợi, chiếu cói khó tồn tại. 

Ông Trần Văn Chương - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Đến ngày 30/9 hết hạn nộp hồ sơ, và sang tháng 10 tổ chức bình chọn, song thời điểm hiện nay mới có 12 bộ hồ sơ của 3 huyện Quỳ Châu, Yên Thành, Quỳ Hợp gửi về tỉnh. Các hồ sơ này tập trung vào một số nghề: Hoa cây cảnh, dệt thổ cẩm, hương trầm, thêu ren.

Qua xem xét các hồ sơ đã gửi cho thấy đa số có khả năng đạt danh hiệu Thợ giỏi, còn danh hiệu Nghệ nhân rất khó đạt vì tiêu chí đòi hỏi cao; thực tế từ trước đến nay, các ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp chưa tổ chức cuộc thi để tôn vinh những người thợ giỏi, thiếu sự chỉ đạo để cho các cá nhân tham gia những cuộc thi, hội chợ trong nước cũng như trong tỉnh, nên các sản phẩm do thợ giỏi làm ra hiếm khi được nhận các giải vàng, bạc, đồng là một trong những cơ sở quan trọng để xét tặng danh hiệu nghệ nhân. Vì vậy việc xét tặng nghệ nhân sẽ không có nhiều đối tượng.

 

Cũng theo ông Trần Văn Chương, thời gian tới các ngành, địa phương cần tổ chức các cuộc thi sáng tác để vinh danh những sản phẩm đạt giải cao. Đồng thời quan tâm, có chính sách đào tạo nghệ nhân, thợ giỏi; tạo điều kiện cho những người thợ giỏi đi tham dự các hội chợ triển lãm trong nước để học hỏi nâng tay nghề. Hiện, một số trường cao đẳng, trung cấp nghề trong tỉnh đã đào tạo khá nhiều thợ giỏi nhưng chưa được xem xét suy tôn khi đội ngũ này lao động trong các lĩnh vực làng nghề.

Từ thực tiễn trong hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề, làng có nghề hàng trăm năm qua cho thấy những nghệ nhân, thợ giỏi có vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ và làng nghề. Họ là những người trực tiếp truyền nghề cho lớp lớp thế hệ con cháu, để những nghề tiểu thủ công nghiệp mãi phát triển cùng năm tháng.

Việc tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi nhằm ghi nhận đóng góp của họ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở các vùng nông thôn.

Quyền lợi đối với người được tặng danh hiệu Nghệ nhân
(Trích điều 10- Quyết định 73/2015/QĐ-UBND Nghệ An)

1. Được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân và kèm theo tiền thưởng là 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm công nhận.

2. Được tham gia dạy nghề, tổ chức truyền nghề trực tiếp và thu học phí của các học viên trên nguyên tắc thỏa thuận nhưng không vượt quá mức thu theo quy định hiện hành của UBND tỉnh. Được ký hợp đồng với các đơn vị có tư cách pháp nhân để truyền nghề, dạy nghề.

3. Được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm làm ra theo pháp luật hiện hành.

4. Được hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu, thiết kế, cải tiến mẫu mã, tạo dáng sản phẩm, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh (Từ kinh phí nghiên cứu khoa học, kinh phí xúc tiến thương mại, quỹ khuyến công...). 

5. Được mời tham gia các cuộc thi sáng tạo kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ theo chuyên ngành được tổ chức ở trong nước.

6. Được đề nghị hội đồng các cấp xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú khi hội đủ điều kiện theo quy định.

>>Tải Quyết định về tôn vinh Nghệ nhân, Thợ giỏi làng nghề Tại đây

Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới