Chấn chỉnh các ban quản lý dự án

(Baonghean) - Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 57 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng đang hoạt động. Bên cạnh những hiệu quả tích cực, việc quản lý, triển khai thực hiện các dự án còn một số khó khăn, tồn tại mà nguyên nhân chính do các văn bản quy phạm chưa quy định rõ về mô hình tổ chức. Chính vì vậy, việc chấn chỉnh, sắp xếp lại các ban quản lý dự án là yêu cầu cấp thiết.

Thi công đường D4 - Dự án do Ban QLDA KKT Đông Nam làm chủ đầu tư.
Thi công đường D4 - Dự án do Ban QLDA KKT Đông Nam làm chủ đầu tư.


Những bất cập cần sửa đổi

Các ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng đang hoạt động theo 6 mô hình chủ yếu gồm: BQLDA chuyên trách theo chuyên ngành, BQLDA chuyên trách theo khu vực, BQLDA chuyên trách một dự án, BQLDA kiêm nhiệm một dự án. Tổng cán bộ, nhân viên của 57 ban là 778 người quản lý 980 dự án. Trong đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh quản lý 25 ban; các huyện, thành thị quản lý 32 ban.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các chủ đầu tư, các BQLDA cơ bản thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư. Tuy nhiên, hoạt động của các BQLDA chủ yếu căn cứ vào nhu cầu thực tế, nhiệm vụ phát sinh trong từng thời điểm để thành lập, dẫn đến các BQLDA thành lập nhiều, không tập trung nên khó khăn trong việc quản lý, theo dõi, giám sát. Cơ chế chính sách về đầu tư có nhiều thay đổi trong khi các chủ đầu tư không thành lập ban chuyên trách do đó còn nhiều bất cập trong quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương, lập dự án đầu tư…

Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều tồn tại, hạn chế; tình trạng sai phạm trong đầu tư dẫn đến công trình kém chất lượng và lãng phí vốn đầu tư có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ; việc kiểm soát chất lượng dự án từ bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư còn nhiều tồn tại; lực lượng cán bộ kỹ thuật ở các ban quản lý dự án nhìn chung vừa thiếu lại vừa yếu, một số nơi bố trí lãnh đạo ban không đúng quy định...

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đối với các BQLDA đầu tư xây dựng chuyên trách nhiều dự án, chuyên trách một dự án có số lượng cán bộ, năng lực cán bộ và mô hình hoạt động cơ bản đủ điều kiện hoạt động theo các quy định của Luật Xây dựng. Chất lượng kiểm soát hồ sơ thủ tục đầu tư cũng như kiểm soát về chất lượng công trình nhìn chung đảm bảo yêu cầu.

Tuy nhiên, các BQLDA hoạt động kiêm nhiệm có 14 ban (8 ban thuộc Sở NN&PTNT, 2 ban thuộc Sở GD&ĐT, 3 ban thuộc Tỉnh đoàn, 1 ban thuộc Sở Ngoại vụ) có tổng cộng 74 công chức, viên chức kiêm nhiệm cán bộ ban, trong đó có 11 lãnh đạo sở ngành, giám đốc các đơn vị sự nghiệp thuộc sở kiêm trưởng ban; có 21 công chức, viên chức kiêm nhiệm từ 2 - 3 ban trong cùng một thời gian. Các ban trên có cán bộ hoạt động kiêm nhiệm không còn phù hợp theo các quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 59 của Chính phủ. Chất lượng kiểm soát hồ sơ thủ tục còn thiếu chặt chẽ, số dự án phát sinh trong quá trình đầu tư nhiều. Ngoài ra, có 5 ban chuyên trách được quyết định thành lập chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1, Điều 63, Luật Xây dựng.

Riêng các ban do các huyện thành lập quản lý được thành lập trước ngày Nghị định 59 có hiệu lực có quy mô cơ bản phù hợp theo quy định tại Nghị định này. Do được thành lập sớm nên đến nay các ban cấp huyện đã đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả. Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản đã tuân thủ quy định, quá trình kiểm soát chất lượng công trình được nâng cao, công trình xây dựng đảm bảo tiến độ đề ra, tình trạng thất thoát lãng phí và sai phạm trong xây dựng đã giảm nhiều; tuy nhiên, một số huyện công tác kiện toàn ban quản lý dự án vẫn chưa đạt yêu cầu như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Diễn Châu, TX.Thái Hòa, Quỳ Châu, Tân Kỳ.

Sớm rà soát, kiện toàn

Nhằm nâng cao công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, đòi hỏi phải rà soát, thành lập, kiện toàn lại các BQLDA chuyên ngành và khu vực. Hiện nay, Sở Xây dựng đang tổng hợp các ý kiến và xây dựng đề án tổ chức, sắp xếp, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các BQLDA trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo phát huy hiệu quả tích cực.

Thi công hồ điều hoà - tiểu dự án đô thị Vinh.
Thi công hồ điều hoà - tiểu dự án đô thị Vinh.

“Sau khi kiện toàn, BQLDA chuyên ngành và khu vực cấp tỉnh sẽ có 8 ban chuyên ngành và 1 ban khu vực cấp tỉnh; khu vực cấp huyện có 22 BQLDA, cụ thể mỗi huyện thị có 1 ban, riêng thành phố Vinh có 2 ban. Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, kinh phí hoạt động, thủ tục thành lập giải thể, quy chế hoạt động của BQLDA chuyên ngành và khu vực thực hiện theo quy định tại Thông tư 16 của Bộ Xây dựng. Đối với các ban thành lập mới trên cơ sở sáp nhập các ban đã có: Cơ quan chủ quản các ban nói trên phải tổ chức lập, kiện toàn đề án để quyết định trong quý 1/2017”- ông Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm.

Hiện nay, Sở NN&PTNT có số lượng ban nhiều nhất với 12 ban nên công việc đang tập trung nhiều nhất. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc sở NN&PTNT cho biết, trong số 12 ban có 2 ban hoạt động theo hình thức chuyên trách quản lý nhiều dự án, 2 ban hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm quản lý nhiều dự án, 2 ban hoạt động theo hình thức chuyên trách quản lý một dự án, 6 ban hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm quản lý một dự án trong đó 4 phó giám đốc sở và 3 giám đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc kiêm trưởng ban. Hiện BQLDA nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn (do Giám đốc công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam kiêm trưởng ban) sắp hoàn thành, do đó, chúng tôi đề nghị không sắp xếp lại mà chờ dự án hoàn thành để giải thể…

Mới đây, tại cuộc họp UBND tỉnh nhằm sắp xếp, kiện toàn các ban, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu trong thời gian từ nay đến khi kiện toàn lại, yêu cầu các chủ đầu tư và BQL dự án phải giữ ổn định; không tiếp nhận thêm biên chế và không thực hiện bổ nhiệm mới. Các chủ đầu tư và BQL dự án thực hiện hết trách nhiệm và chịu trách nhiệm toàn diện trong tất cả các khâu dự án. Đối với các dự án đang thực hiện sắp hoàn thành, cho phép không sắp xếp lại để sau khi hoàn thành tiến hành giải thể. Đồng chí cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, chấn chỉnh lại công tác giám sát, tránh tình trạng buông lỏng, dễ dãi trong quản lý đầu tư xây dựng.

Việc chấn chỉnh kiện toàn các BQLDA sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA ), vốn vay, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là rất cần thiết. Động thái này cũng nhằm mục tiêu tăng cường quản lý chất lượng công trình từ khâu chủ trương đầu tư, khảo sát lập dự án, thẩm định, phê duyệt đến khâu thực hiện dự án. Từ đó, chủ đầu tư phải có cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ khối lượng, chất lượng, giá thành và tiến độ thi công ở hiện trường, sớm phát huy hiệu quả đầu tư.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới