Chấn chỉnh việc buông lỏng sự lãnh đạo, nâng cao các tổ chức đảng ở Nam Đàn

(Baonghean) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nam Đàn, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra mục tiêu đưa huyện thuộc tốp đầu khối huyện toàn tỉnh. Để đạt được yêu cầu đó, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng được xác định có vai trò rất quan trọng. Bởi vậy, ngày 20/12/2016, Huyện ủy Nam Đàn ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020”.

Những khó khăn, tồn tại

Đảng bộ xã Nam Lộc có 13 chi bộ, 151 đảng viên; nhiều năm liền được xếp loại trong sạch vững mạnh, riêng năm 2016 đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Tuy vậy, Bí thư Đảng ủy xã Nam Lộc - Nguyễn Xuân Lành thẳng thắn cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay ở địa phương là công tác phát triển đảng. Hiện tại ở Nam Lộc, có chi bộ 10 năm nay không phát triển được đảng viên nào.

Có một số chi bộ phải tăng cường đảng viên nơi khác về sinh hoạt, như Chi bộ 2 chỉ có 1 đảng viên tại chỗ, còn 3 đảng viên tăng cường, trong đó có đồng chí Bí thư chi bộ; Chi bộ 3 có 3 đảng viên tại chỗ và 3 đảng viên tăng cường; Chi bộ 1 có 3 đảng viên tại chỗ và 1 đảng viên tăng cường về làm Bí thư Chi bộ. khi đảng viên, nhất là Bí thư Chi bộ tăng cường, nghĩa là không “ba cùng” với dân, sinh hoạt xóm không dự, mà chỉ tham gia sinh hoạt chi bộ 1 kỳ/tháng thì không thể gần dân, sát dân và nắm bắt được tình hình của xóm. Cùng với đó, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chưa thật sự thiết thực, hấp dẫn, nhất là tạo ra các phong trào thu hút và tập hợp được đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia”. 

Cán bộ huyện Nam Đàn trao đổi với cán bộ xã Nam Cát về vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ huyện Nam Đàn trao đổi với cán bộ xã Nam Cát về vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ảnh: Mai Hoa

Tương tự, ở Chi bộ Sen I, xã Kim Liên, công tác phát triển đảng viên cũng đang là bài toán khó khăn. Gần 10 năm, chi bộ không kết nạp được đảng viên nào, dẫn đến trong tổng 35 đảng viên của chi bộ thì đảng viên trẻ nhất đang là 44 tuổi. Bên cạnh “sức trẻ” của Đảng bị hạn chế, ảnh hưởng đến sự đổi mới, sáng tạo và tư tưởng dám nghĩ, dám làm; thì số đảng viên trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp ít, chỉ chiếm 22% (số chủ yếu còn lại là người nghỉ hưu) cũng tác động đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất của chi bộ.

Bí thư Chi bộ Sen I Lê Xuân Thìn chia sẻ: “Khi muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa một giống mới vào để nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, do đảng viên trực tiếp làm nông nghiệp ít, nên cũng khó tạo thành phong trào “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đảng viên làm trước, người dân làm theo”.

Đánh giá năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trên địa bàn huyện, đồng chí Vương Hồng Thái – Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn khẳng định: Nhiều tổ chức Đảng đã giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị, thực hiện có kết quả nhiệm vụ chính trị, xây dựng chính quyền, đoàn thể của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Hàng năm có từ  90,3 - 98,3% TCCSĐ xếp loại HTTNV trở lên; 95,6 - 98,8 % chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở và  87 - 92,8 % đảng viên xếp loại HTTNV trở lên. Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số tổ chức Đảng còn yếu, chế độ sinh hoạt chưa đầy đủ, ít quan tâm sinh hoạt tư tưởng, có nơi còn để xảy ra sai phạm.

Vẫn còn một số cấp ủy chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo đối với chính quyền trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy và cấp trên; có nơi còn buông lỏng sự lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến chính quyền một số nơi có sai phạm trong quản lý, điều hành, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả thấp, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức thiếu chặt chẽ, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. Sự lãnh đạo của các cấp ủy và hoạt động của một số Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa hiệu quả. Nhiều TCCSĐ hàng năm không đạt chỉ tiêu phát triển đảng...

Đưa nước sạch về xã Nam Cát (Nam Đàn). Ảnh: Mai Hoa
Đưa nước sạch về xã Nam Cát (Nam Đàn). Ảnh: Mai Hoa

Nhiều giải pháp đồng bộ

Nhận thức rõ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, ngày 20/12/2016, Huyện ủy Nam Đàn ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 – 2020”. Đây là hệ thống các giải pháp về công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức – cán bộ, kiểm tra, giám sát, dân vận...; làm cho các tổ chức Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở vững mạnh. 

Tìm hiểu thực tiễn, chúng tôi nhận thấy ở từng cơ sở đã lựa chọn một số nội dung, việc làm cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 10 của Huyện ủy. Đối với xã Kim Liên, đó là tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ theo đề án “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn” do Đảng ủy xã ban hành.

Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên Hoàng Đình Tiến, cho biết: “Trong sinh hoạt chi bộ khuyến khích thảo luận, tranh luận thẳng thắn để đạt tới sự nhất trí, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc xây dựng Đảng; kịp thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc, tạo sự thống nhất về quan điểm; đấu tranh phê phán những đảng viên vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng”.

Với xã Nam Kim, theo chia sẻ của đồng chí Phạm Quyết Thắng – Bí thư Đảng ủy xã, khâu đột phá là tập trung đổi mới lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và MTTQ, các tổ chức đoàn thể. Ngoài giải quyết các công việc, thủ tục hành chính cho người dân tại trụ sở, cán bộ, công chức xã tăng cường đi cơ sở, bám sát các nhiệm vụ chính trị mình được phân công phụ trách ở từng địa bàn xóm để chỉ đạo như xây dựng nông thôn mới, giải quyết đơn thư của nhân dân, thông qua đối thoại, hòa giải, thuyết phục. 

Còn ở xã Nam Lộc, theo đồng chí Nguyễn Xuân Lành - Bí thư Đảng ủy xã, để xây dựng Đảng mạnh về chính trị, tư tưởng, Đảng ủy xã tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với sửa đổi quy chế làm việc của cấp ủy, tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng và đảng viên, từ đó kịp thời làm tốt công tác tư tưởng; Đẩy mạnh công tác phát triển đảng theo Đề án số 01 của Tỉnh ủy, chăm lo quy hoạch, bố trí, đặc biệt đánh giá, phân loại cán bộ, đảm bảo tạo động lực để cán bộ cống hiến; Chú ý công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng các cấp phục vụ công tác lãnh đạo của cấp ủy; Kiểm tra ngăn ngừa vi phạm và kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Tăng cường trao đổi, đối thoại cởi mở trong Đảng, đối thoại với nhân dân. 

Đồng chí Vương Hồng Thái - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn nhấn mạnh: Nghị quyết số 10/NQ-HU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020” là 1 trong 12 nghị quyết được cụ thể hóa từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây được coi là nghị quyết quan trọng có tính chất quyết định đến sự thành công trong lãnh đạo của Đảng bộ huyện Nam Đàn với nhiều giải pháp được các cấp ủy đảng đưa ra mang tính đồng bộ; chắc chắn sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng các cấp. 

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới