Chân dung “bà trùm” làm giả con dấu, tài liệu ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - ​Nguyễn Thị Hương khai với cơ quan công an, do việc làm giả con dấu, tài liệu mang lại thu nhập cao nên thị không thể từ bỏ được. Dù đang chấp hành án tù treo, người đàn bà này vẫn cùng con trai sản xuất con dấu, giấy tờ giả trong nhà của con gái mình.
Mở “xưởng” trong nhà

Nhắc đến Nguyễn Thị Hương (SN 1954, trú khối Tân Hòa, phường Hà Huy Tập, TP Vinh), các điều tra viên của Phòng An ninh điều tra (PA92, Công an tỉnh Nghệ An) không lạ lẫm gì. Người đàn bà này “nhẵn mặt” với cơ quan công an khi đã 3 lần bị bắt giữ và có 2 lần bị kết án tù vì tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Nguyễn Thị Hương cùng với tang vật tại cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An. Ảnh: PX15
Nguyễn Thị Hương cùng với tang vật tại cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An. Ảnh: PX15

Nguyễn Thị Hương từng giam gia quân đội, phục vụ ở chiến trường Quảng Trị. Sau khi xuất ngũ với chế độ thương binh 4/4, Hương về làm việc trong ngành chế biến hải sản. Mặc dù cuộc sống gia đình không khó khăn nhưng với bản tính “hám tiền”, Hương bắt đầu tham gia vào đường dây sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả.

Năm 2005, nhận thấy nhu cầu văn bằng, chứng chỉ tăng cao, Hương bắt đầu nghĩ cách làm để bán cho những người có nhu cầu. Hương mua sắm máy in, máy photocoppy, máy tính rồi lập “xưởng” sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả ngay trong nhà mình. Tuy nhiên, hành vi của Hương không qua mặt được cơ quan công an và thị bị bắt, khởi tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Năm 2006, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Nguyễn Thị Hương 15 tháng tù treo.

Những tưởng sau khi bị kết án tù, Hương sẽ “cải tà quy chính”, nhưng một lần nữa, thị lại quay về “nghề” cũ. Hương móc nối với Hoàng Đình Đông (SN 1973, trú tại phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò) để tìm người có nhu cầu làm văn bằng, chứng chỉ giả. Sau khi Đông báo về, có người muốn đi du học ở Hàn Quốc nên đang cần bằng Đại học để hoàn thiện hồ sơ và thuê Hương làm giúp.

Khi nhận được đơn hàng, Hương trực tiếp giao cho con trai là Trần Đăng Khương (SN 1983) làm giả toàn bộ số giấy tờ do khách đặt. Được biết, năm 2012, Khương tốt nghiệp Học viện Bưu chính Viễn thông, sau đó làm việc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Một thời gian sau, Khương bỏ việc về “hỗ trợ” mẹ làm giả tài liệu, con dấu của các cơ quan, tổ chức.

Nguyễn Thị Hương và con trai là Trần Đăng Khương (áo đỏ) lần bị bắt vào tháng 4/2016. Ảnh tư liệu
Nguyễn Thị Hương và con trai là Trần Đăng Khương (áo đỏ) lần bị bắt vào tháng 4/2016. Ảnh tư liệu

Bản thân Khương rất thành thạo về CNTT nên đối tượng lên mạng internet, tìm các mẫu văn bằng, chứng chỉ của các trường ĐH, CĐ rồi sau đó sử dụng máy tính chỉnh sửa, điền thông tin của khách hàng vào. Để hợp thức hóa cho tấm bằng, Khương làm giả con dấu của các trường ĐH, CĐ rồi đóng vào các văn bằng, chứng chỉ giả giao cho khách.

Đường dây làm giả con dấu, tài liệu của Hương tồn tại được một thời gian thì bị cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An phát hiện. Ngày 13/4/2016, Phòng ANĐT bắt quả tang Hoàng Đình Đông khi y đang giao bằng cấp giả với một số học sinh có nhu cầu làm thủ tục đi du học Hàn Quốc. Từ lời khai của Đông, khoảng 20h30 phút ngày 14/4/2016, Phòng ANĐT mật phục, bắt quả tang Nguyễn Thị Hương khi thị đang giao dịch một số giấy tờ giả cho khách như bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp một số trường cao đẳng, đại học.

Tiến hành khám xét nơi ở của Nguyễn Thị Hương, Phòng ANĐT thu giữ 3 máy in, 1 máy tính xách tay, nhiều văn bằng giả và con dấu giả, như con dấu của Trường THPT Nghi Lộc 4 (huyện Nghi Lộc), UBND xã Hưng Lộc (TP Vinh), Sở GD&ĐT Nghệ An. Thậm chí có cả con dấu giả của một trung đoàn quân đội, dấu chứng thực bản sao, chữ ký của lãnh đạo, các loại phôi và hàng trăm tài liệu khác liên quan đến việc làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức. Với hành vi của mình, Nguyễn Thị Hương sau đó bị Tòa án nhân dân tỉnh kết án 24 tháng tù treo, thời gian thử thách 48 tháng.

“Nghiện” làm giả con dấu, tài liệu

Mặc dù đang chấp hành án nhưng Nguyễn Thị Hương quyết không từ bỏ việc làm giả tài liệu. Lần này, Hương không mở xưởng trong nhà mình mà mượn một phòng tại nhà của con gái ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc) để tránh sự phát hiện của cơ quan công an. Căn nhà này không có người ở thường xuyên nên Hương mặc sức mua sắm máy móc, thiết bị rồi cùng người con trai sản xuất các văn bằng, chứng chỉ giả.

Nhiều con dấu giả của các cơ quan, tổ chức nhà nước, trong đó có cả con dấu của các đơn vị công an do Hương và con trai làm giả. Ảnh: PX15
Nhiều con dấu giả của các cơ quan, tổ chức nhà nước, trong đó có cả con dấu của các đơn vị công an do Hương và con trai làm giả. Ảnh: PX15

Đầu năm 2018, qua công tác nghiệp vụ, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một đường dây chuyên làm giả các giấy tờ, bằng cấp để cung cấp ra thị trường cho những người có nhu cầu đặt mua với số lượng lớn, nhiều chủng loại và thủ đoạn thực hiện tinh vi. Và điều mà cơ quan công an không ngờ tới rằng, đối tượng cầm đầu đường dây này lại chính là Nguyễn Thị Hương. Cơ quan công an phát hiện Hương hay lui tới căn nhà của con gái ở xã Nghi Thái nên bí mật theo dõi.

Sau khi thu thập đủ chứng cứ, ngày 27/4, tại đường Kim Đồng, phường Hưng Bình, TP.Vinh, Cơ quan ANĐT bắt quả tang Nguyễn Thị Hương khi đang giao bằng và các giấy tờ giả liên quan cho Nguyễn Đức Tuấn (SN 1946, trú tại phường Hưng Bình, TP.Vinh). Khám xét trong cốp xe máy của Hương, cơ quan công an còn thu giữ 4 văn bằng, chứng chỉ của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Nguyễn Thị Hương, cơ quan chức năng thu giữ nhiều máy móc, thiết bị, phôi bằng, giấy tờ giả của nhiều cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, cơ quan công an còn phát hiện 283 con dấu giả của hàng trăm trường ĐH, CĐ trên cả nước, con dấu giả của Cơ quan ANĐT Công an Nghệ An, TAND tỉnh, Cơ quan CSĐT, Công an TP.Vinh, Công an huyện Nghi Lộc và các sở, ban, ngành.

Khi Hương bị bắt vì tội làm giả con dấu, tài liệu ngay trong nhà mình, người con gái tỏ ra bất ngờ. Còn đối với chồng của bà Hương, sau khi biết vợ mình bị bắt và kết án 2 lần, ông đã ra sức ngăn cản nhưng bà này vẫn không từ bỏ. Theo điều tra viên, nguyên nhân chính là việc làm giả tài liệu mang lại thu nhập cao cho đối tượng. Với mỗi chứng chỉ, Hương bán 300 ngàn đồng, bằng Cao đẳng 600 ngàn đồng, bằng Đại học 800 ngàn đồng. Nếu khách có nhu cầu, trong vòng một ngày, mẹ con Hương có thể làm ra hàng chục chứng chỉ, văn bằng giả. 

Văn bằng giả do mẹ con Nguyễn Thị Hương làm giả. Ảnh: PX15
Văn bằng giả do mẹ con Nguyễn Thị Hương làm giả. Ảnh: PX15

Theo một điều tra viên, các văn bằng, chứng chỉ do mẹ con Hương làm rất tinh vi, giống y như thật nên bằng mắt thường rất khó phát hiện đó là giả. Hương sản xuất ra 2 loại con dấu, một loại dấu in và một loại dấu nổi, dùng để trực tiếp đóng lên các giấy tờ. Hầu hết, những người mua văn bằng, chứng chỉ giả của Hương đều đang chuẩn bị đi du học, XKLĐ, xin việc... nên muốn hợp thức hóa hồ sơ của mình.

Sau khi nghe tin mẹ mình bị bắt, Khương bắt xe ra Hà Nội. Tuy nhiên, biết không thể trốn thoát nên ngày 4/5, Khương về quê và đến cơ quan ANĐT đầu thú. Ngày 5/5, Cơ quan ANĐT Công an Nghệ An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thị Hương để điều tra về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Người con trai là Trần Đăng Khương cũng bị khởi tố bị can cùng hành vi nhưng được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tin mới