Chăn nuôi an toàn sinh học - Giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi ở Nghệ An

(Baonghean) - Chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp bao gồm cả kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra gây hại đến vật nuôi và hệ sinh thái.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với một nền sản xuất nông nghiệp khá đa dạng, phong phú. Tính đến tháng 3/2019, tổng đàn trâu, bò ở Nghệ An ước đạt 751.210 con, đàn lợn 934.710 con, đàn gia cầm 24.761 nghìn con. 

Trang trại chăn nuôi gà an toàn sinh học ở phường Đông Vĩnh (TP. Vinh). Ảnh: Việt Phương.
Trang trại chăn nuôi gà an toàn sinh học ở phường Đông Vĩnh (TP. Vinh). Ảnh: Việt Phương.
Tuy nhiên, kết quả chuyển biến thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, chiếm tỉ lệ cao (trên 80%), phương thức chăn nuôi dựa vào phương pháp truyền thống, kinh nghiệm là chính nên năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế chưa đáp ứng được như mong đợi. 
Bên cạnh đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro như thời tiết, khí hậu, dịch bệnh phát sinh, lây lan sẽ khó kiểm soát.
Do vây, chăn nuôi an toàn sinh học và sản xuất theo chuỗi an toàn đang là một xu hướng tất yếu phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển cần phải được áp dụng rộng rãi hiện nay sẽ đảm bảo đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt, giảm dịch bệnh, ô nhiễm và tăng hiệu quả kinh tế.

Gia đình xây dựng trang trại tổng hợp theo mô hình VAC khép kín, được tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, nắm bắt được quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn và được tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm với các hộ trang trại trong xã. Hiện gia đình đã có 2 ao nuôi thả cá, dãy chuồng nuôi khoảng 50 con lợn thịt/lứa, 2 dãy chuồng vịt nuôi khoảng 2.500 con vịt đẻ được áp dụng đúng quy trình nuôi an toàn sinh học từ khâu chuồng trại, giống, nuôi dưỡng, chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh nên vật nuôi phát triển nhanh, dịch bệnh ít khi xảy ra.

Anh Nguyễn Văn Thắng ở xóm 4, xã Diễn Liên (Diễn Châu)

Lót bạt chống nóng giúp tôm phát triển tốt trong thời tiết nắng nóng bên cạnh đó các hộ nuôi tôm cần đảm bảo nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng là giải pháp tăng sức đề kháng cho tôm. Ảnh: Việt Hùng
Các hộ nuôi tôm tại Quỳnh Lưu lót bạt chống nóng giúp tôm phát triển tốt trong thời tiết nắng nóng bên cạnh đó đảm bảo nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng là giải pháp tăng sức đề kháng cho tôm. Ảnh: Việt Hùng
Anh Nguyễn Văn Vinh - cán bộ thú y kiêm khuyến nông xã Diễn Liên (Diễn Châu) cho biết: Hiện xã có tổng đàn trâu, bò khoảng 140 con, lợn 1.000 con, gà 5.000 con, vịt 20.000 con, khoảng 20 trang trại tổng hợp. Hàng năm xã phối hợp với hội nông dân, khuyến nông huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ chăn nuôi về chăn nuôi an toàn sinh học để người dân nắm rõ quy trình kỹ thuật thực hành chăn nuôi tốt, từ việc cách ly, kiểm soát ra, vào đến việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ vắc-xin, kể cả việc ghi sổ sách, quản lý, lưu trữ hồ sơ trong quá trình chăn nuôi. Chính vì thế, những năm gần đây dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở địa bàn xã ít xảy ra.
Thông qua việc chuyển giao tiến bộ KHKT chăn nuôi an toàn sinh học, người chăn nuôi biết cách xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường cũng như xử lý sau chăn nuôi, từ đó sức khỏe đàn vật nuôi được đảm bảo, tỉ lệ dịch bệnh giảm, nguy cơ lạm dụng dùng kháng sinh cũng giảm rất nhiều.  Đặc biệt là các hộ chăn nuôi tuân thủ theo đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mở ra cơ hội thuận lợi trong việc liên kết với doanh nghiệp, tư thương để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng của ông Hoàng Xuân Tin ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Hùng
Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng của ông Hoàng Xuân Tin ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Hùng
Thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, người chăn nuôi cần lưu ý một số biện pháp sau:
+ Khu vực chăn nuôi: Phải phù hợp với quy hoạch của địa phương hoặc các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Chuồng trại bố trí cách xa nhà ở, có tường, hàng rào ngăn cách với các khu vực khác, không bố trí nhiều loài vật nuôi vào cùng một nơi, trước cổng khu vực chăn nuôi và ở mỗi dãy chuồng phải có hố sát trùng; xung quanh phải bố trí hệ thống thoát nước, hố thu gom chất thải để xử lý bằng các biện pháp thích hợp, có nơi để cách ly và xử lý vật nuôi ốm, chết.
Tuyệt đối ngăn cấm, hạn chế người không có phận sự vào khu vực chăn nuôi, kiểm soát không để chim hoang dã, các loài gặm nhấm, chó mèo, vật chủ trung gian truyền bệnh xâm nhập vào khu vực chăn nuôi.
+ Chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý đàn: Giống phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng về giống. Lựa chọn, cung cấp thức ăn chất lượng tốt, đầy đủ dinh dưỡng.
+ Công tác vệ sinh phòng bệnh và xử lý chất thải: Khu vực nuôi và các dụng cụ phải thường xuyên định kỳ tiêu độc, khử trùng. Vật nuôi phải được phòng bệnh đầy đủ, định kỳ bằng các loại vắc-xin, tẩy giun sán theo đúng quy trình kỹ thuật đối với từng loại vật nuôi và có sổ sách ghi chép rõ ràng, cụ thể.
Chất thải phải được thu gom hàng ngày và được xử lý bằng các biện pháp thích hợp như hóa chất, ủ, chôn đốt, công nghệ biogas hoặc chế phẩm sinh học,...
Thực hiện tốt và áp dụng đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi sẽ tạo ra được các sản phẩm chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao; từ đó mở ra cơ hội thúc đẩy chăn nuôi phát triển và tăng khả năng cạnh tranh, liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị và hiệu quả kinh tế. 

Tin mới