'Chẳng ai bảo vệ mình tốt bằng nhân dân'

(Baonghean.vn) - "Tôi biết nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ đầu năm 1991, khi ông vào Nghệ An dự Đại hội Đảng bộ tỉnh tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII. Cảm nhận đầu tiên của tôi về ông là: Một lãnh đạo cao cấp mà bình dị, dễ gần, nói chuyện chân tình và sôi nổi" - Đồng chí Lê Doãn Hợp kể.

Thông qua công việc, tôi vinh dự được tiếp và làm việc với đồng chí Lê Khả Phiêu nhiều lần cả khi đương chức và khi đồng chí đã nghỉ hưu. Lần nào vào Nghệ An sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, đồng chí đều dành thời gian đi thăm chỉ đạo và động viên các mô hình kinh tế nông dân, tư nhân, trang trại, nhất là các mô hình kinh tế gia đình của cựu chiến binh. Đồng chí đến với những người lính sau chiến tranh gần gũi, tình nghĩa và thân thiết.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ghi sổ lưu niệm tại nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ghi sổ lưu niệm tại nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở Hưng Nguyên. Ảnh: Nguyễn Công Khang

Đồng chí Lê Khả Phiêu căn dặn các cựu chiến binh làm kinh tế: “Chúng ta là những người lính may mắn còn sống sau chiến tranh, hãy làm tốt những gì có thể làm được để cải thiện cuộc sống cho vợ con và gia đình, làm gương cho làng xóm, xứng đáng với đồng đội đã khuất và bù đắp cho những người đã hi sinh; thực hiện khát vọng thiêng liêng của Bác Hồ là: Đến ngày thắng lợi chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Tôi nhớ, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, sau khi đại hội bầu xong BCH Trung ương Đảng, tôi được BCH Trung ương bầu vào ban kiểm phiếu để bầu các chức danh Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, mấy anh em trong Ban kiểm phiếu đang đứng ở sân nói chuyện với nhau, thì đồng chí Lê Khả Phiêu gọi và mời tôi vào phòng uống nước. Thấy đồng chí thoải mái gần gũi, tôi mạnh dạn hỏi: Từ sau đại hội này, thôi chế độ cố vấn, theo anh có thuận và không thuận ở những điểm nào?

Trầm ngâm một lúc, đồng chí vui vẻ nói “Chuyện thôi chế độ cố vấn thuộc thẩm quyền của Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương. Mình chỉ nói với Hợp một chuyện đời để Hợp suy ngẫm. Khi một người con đã trưởng thành, học nghề lái xe nghiêm túc, thi sát hạch tốt và được cấp bằng chính thống mà đi đâu người cha cũng ngồi lên xe cùng đi để chỉ đạo và hướng dẫn, thì làm sao con tự chủ, tự tin để lái xe suôn sẻ và tiến bộ được, chưa nói là còn mất rất nhiều thời gian không cần thiết của cha”. Theo tôi đó là một cách trả lời dí dỏm và tế nhị, thể hiện tư duy thực tế, từng trải và giàu thực tiễn của đồng chí Lê Khả Phiêu.

Giữa năm 2004, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào thăm Nghệ An, tôi dẫn đồng chí đi khảo sát toàn bộ tuyến giao thông ven biển, đây là công trình kinh tế gắn với quốc phòng mà đồng chí là một trong những người khởi xướng và rất quan tâm.

Buổi chiều tôi tháp tùng nguyên Tổng Bí thư lên thắp hương cho Bác Hồ ở Kim Liên, Nam Đàn. Trên đường đi nhiều người điện thoại cho tôi nói là: Thuận đường đi lên Nam Đàn, anh thử mời nguyên Tổng Bí thư và đoàn lên Nam Nghĩa ăn tối bằng thịt “me” dân dã cho vui xem có được không. Ngồi cùng xe, tôi mạnh dạn đề xuất với nguyên Tổng Bí thư và nói thêm: Về an ninh tụi em lo, anh yên tâm. Không ngờ nguyên Tổng Bí thư đồng ý ngay và nói: “Thích thì đi, chẳng ai bảo vệ mình tốt bằng nhân dân”.

Tối hôm đó chúng tôi có một bữa cơm với nguyên Tổng Bí thư thật gần gũi và vui vẻ, rất nhiều người trong nhà hàng đến chúc rượu với nguyên Tổng Bí thư. Vui nhất là những người đã từng làm lính của Thủ trưởng Lê Khả Phiêu ở chiến trường Trị Thiên thời chống Mỹ, và Bộ Tư lệnh 719 thời giúp bạn giải phóng Campuchia. Trên đường từ Nam Đàn về Vinh để nghỉ tối, nguyên Tổng Bí thư chia sẻ với tôi: Hôm nay, chúng ta có một bữa cơm quá vui và đáng nhớ với 5 nhất là: Bình dị nhất, gần dân nhất, nhiều thông tin có ích nhất, ngon miệng nhất và chi phí thấp nhất!

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Trung tâm công tác xã hội tỉnh ở huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Trung tâm công tác xã hội tỉnh ở huyện Đô Lương. Ảnh: Nguyễn Công Khang

Sau khi được nghỉ hưu, nhiều lần tôi liên lạc với nguyên Tổng Bí thư để dẫn anh em báo chí đến phỏng vấn. Nguyên TBT luôn vui vẻ nhận lời và tiếp báo chí thân tình, sẵn sàng trả lời tất cả mọi câu hỏi của phóng viên mà không cần gửi trước, kể cả những vấn đề nhạy cảm. Nội dung những lần trả lời này báo chí đưa khá đầy đủ, nhất là mấy ngày vừa qua khi biết tin nguyên Tổng Bí thư trút hơi thở cuối cùng, nên tôi không phải đề cập thêm. Chỉ có một điều tôi nhận ra khi trả lời báo chí là nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất trăn trở đau đáu và quan tâm lớn nhất là công cuộc chống tham nhũng và tiêu cực trong Đảng và bộ máy Nhà nước mà hiện nay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang thực thi rất quyết liệt.

Với tôi, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một chiến binh, một vị chỉ huy lăn lộn nhiều trên các chiến trường; học hỏi qua thực tiễn tốt; trải nghiệm phong phú; thực nghiệm có nhiều thành công và khi về hưu chiêm nghiệm được những điều quý giá.

Tôi viết mấy dòng này như một nén hương thơm để tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tiễn đồng chí về với cõi vĩnh hằng an nghỉ yên lành với bao tướng lĩnh, sỹ quan, đồng chí, đồng đội thân yêu của đồng chí thời quân ngũ./.

Tin mới