Chàng trai người Nghệ và hành trình 'lát đá trên đỉnh trời' Fansipan

(Baonghea.vn) – Chiêm ngưỡng vẻ đẹp cột cờ trên “nóc nhà Đông Dương” và hệ thống cầu thang ốp đá tinh xảo dẫn lên “đỉnh trời” Fansipan, ít ai biết rằng có công sức của chàng trai Thái vùng núi Quỳ Hợp .

Những ngày này, cột cờ và hơn 700 bậc cầu thang cùng hệ thống lan can dẫn từ nhà ga đến cột mốc đỉnh Fansipan đã gần như hoàn thiện. Đằng sau thành quả ấy không chỉ là tài hoa mà còn là ý chí vượt khó của những người thợ xứ Nghệ để ghi dấu ấn trên công trình vĩ đại của đất nước.

Nhớ về những ngày đầu được chấp nhận đảm nhận công trình vào năm 2014, chàng trai trẻ Quán Vi Ba (sinh năm 1986, xóm Đồn Mộng, Châu Quang, Quỳ Hợp) đến bây giờ vẫn không quên được cảm giác vừa tự hào, vừa lo lắng khi trước mắt còn nhiều gian truân đang chờ đợi.

ảnh 1
Tổ thợ do Quán Vi Ba phụ trách đang làm lan can và ốp đá hơn 700 bậc thang dẫn lên đỉnh Fansipan. Ảnh: T.Q 

Thời điểm đó, anh huy động hơn 30 thợ lành nghề của Quỳ Hợp để cùng mình ra Bắc. Đó cũng là những ngày Sapa đón đợt lạnh đầu tiên trong năm, nhiệt độ tại đỉnh Fansipan luôn dao động trong khoảng từ -10 độ C đến -30 độ C. Băng giá, sương mù luôn bao phủ cả ngày lẫn đêm.

Vốn xuất thân từ miền nắng nóng gió Lào, anh cùng tổ thợ dường như không thể thích nghi với điều kiện ấy. Cho dù đã mặc cùng lúc 5,6 áo len, áo khoác mà vẫn lạnh run người. Bàn tay là thứ quan trọng nhất của thợ đá nhưng hễ chạm vào bất kỳ đâu đều cảm thấy tê buốt. Do vậy, cứ làm tầm 20 phút thì anh em lại phải chạy vào hơ tay cho bớt cóng rồi mới có thể tiếp tục công việc của mình.

Để có thể lát hơn 700 bậc đá với gần 5.000 viên đá bậc cấp nguyên khối từ khu nhà ga Fansipan lên đỉnh núi phải mất gần 2 năm trời. Sức người có hạn, mỗi trụ đá nguyên khối lan can nặng gần 300 kg nhưng ai nấy đều phải tự khiêng vác, tự làm đòn bẩy mà không có máy móc nào hỗ trợ.

Mọi việc trở nên dễ thở hơn khi có cáp treo công vụ nhưng chúng cũng cũng không giúp ích được gì nhiều, chủ yếu vẫn là dùng sức người mà thôi.

Ảnh 2
Điều kiện làm việc tại đỉnh Fansipan hết sức khắc nghiệt. Ảnh: T.Q


Tiếp lời tâm sự, chàng trai trẻ Quán Vi Ba không quên những gian truân mà bản thân cùng tổ thợ đã phải trải qua: “Điều kiện làm việc khắc nghiệt là thế nhưng anh em chưa từng có một bữa cơm đúng nghĩa. Thực đơn sáng trường kỳ là mì tôm. Ngày thường cơm cũng chỉ có rau luộc, trứng chiên, thịt anh em tự chế biến bởi chẳng có chị nuôi nào chịu nổi thứ thời tiết ấy để chấp nhận ở lại nấu ăn cho mọi người.

Cái lạnh khiến ai cũng thường xuyên cảm sốt, viêm họng và đặc biệt là ho. Uống kháng sinh nhiều hơn ăn cơm gạo, vượt qua đau ốm cũng bằng niềm tin bởi lấy đâu ra cơm ngon canh ngọt để bồi dưỡng.

Thời điểm đó, tắm cũng là một khái niệm xa xỉ, bởi thiếu nước, và trong cái rét âm độ ấy, có lấy hết dũng khí cũng chẳng ai dám nghĩ đến việc trút tầng lớp quần áo ra để tắm bằng thứ nước lạnh như đá kia. Một hai tháng mới xuống núi một lần để nghỉ lấy sức và mua sắm những đồ dùng cần thiết cho mình.

Vào mùa hạ, điều kiện khí hậu cũng không được cải thiện hơn là bao. Nhiệt độ vẫn xuống thấp, từng đợt mưa và gió mạnh khiến cho những lối đi trở nên trơn trượt, sểnh ra là có thể rơi xuống vực khiến anh em trong đoàn nhiều phen gặp nguy hiểm.

ảnh 3
Tiến hành thi công cột cờ trên đỉnh Fansipan. Ảnh: T.Q

Sau khi hệ thống cầu thang và lan can đã hoàn chỉnh, mọi người bắt tay vào làm cột cờ.

Cột cờ có tổng chiều cao 25m, vật liệu là đá xanh nguyên khối, bốn mặt chạm khắc phù điêu nổi các địa danh của đất nước như Hạ Long, Tây Bắc, Tây Nguyên…

Vì cột được xây dựng ở độ cao 3,141m nên  anh em phải làm trong điều kiện thiếu ô xy. Cùng với đó, làm việc xa nhà hàng chục tháng trời nhưng không có internet, điện thoại cũng chẳng có sóng, thứ máy móc hiện đại nhất để liên lạc với nhau là bộ đàm. Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con khiến những người đàn ông cứng rắn nhất cũng rơi nước mắt.

"Cũng có nhiều người phải bỏ cuộc, nhưng mình là người đứng đầu nên phải luôn kiên định để làm gương cho anh em.  Quan trọng hơn là vì những công sức mà mình đã bỏ ra, và còn vì danh dự của bản thân, của quê hương mà tiếp tục làm việc. Khi công trình được hoàn thành cũng là lúc niềm hạnh phúc của bản thân vỡ òa. Đó là cảm giác được chinh phục, được sống và góp sức xây dựng công trình lớn của đất nước”, anh Ba cho biết.

ảnh 4
Quán Vi Ba (trái) tại khu chế tác đá của mình. Ảnh: T.Q

Quán Vi Ba là người  là dân tộc Thái, sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề thợ mộc nên từ nhỏ anh đã sớm được kế thừa những kỹ năng tạo hình, cắt ghép…Tuy nhiên, khác với những thành viên trong gia đình, anh lại yêu thích những tạo hình trên đá.

Theo thời gian, niềm đam mê ấy mỗi ngày một lớn thêm. Vậy nên, sau khi tốt nghiệp THPT anh đã xuống Vinh theo học Trường dạy nghề tiểu thủ công nghiệp.

Sau khi hoàn thành khóa học, anh rời Nghệ An đi làm thuê tại các xưởng đá từ Ninh Bình sang Thanh Hóa rồi vào cả Đà Nẵng. Đằng đẵng suốt 4 năm trời bôn ba, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn.

Rồi anh mở một xưởng nhỏ để làm nghề chế tác đá. Theo thời gian, xưởng của anh đã có chỗ đứng trong thị trường nội địa, được nhiều người biết đến và anh cùng tốp thợ đã được lựa chọn để làm "đường lên đỉnh trời". 

Anh chia sẻ: “Bản thân mình và những anh em trong tổ thợ không chỉ gắn bó với nghề vì kế mưu sinh, mà còn là để theo đuổi niềm đam mê. Mỗi lần làm ra một sản phẩm hoàn thiện ai cũng xem đó là đứa con, là máu thịt của mình bởi tất cả công sức, tâm huyết đều dành vào đó. Khi làm xong, bán cho khách hàng nào biết trân trọng và hiểu được ý nghĩa sau những sản phẩm chế tác thì mới được vui trọn vẹn chứ không phải tất cả đều vì lợi nhuận”.

Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới