Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts: 'Kẻ cầm cân' tiến trình luận tội Tổng thống Trump

(Baonghean) - Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bị luận tội tại phiên bỏ phiếu lịch sử tại Hạ Viện hồi tuần trước, dư luận Mỹ đang chuyển trọng tâm chú ý sang một nhân vật mới: Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts. Nhân vật này sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tọa phiên tòa xét xử sắp tới tại Thượng viện - bước tiếp theo có tính chất quyết định tiến trình luận tội Tổng thống Donald Trump.

Tránh “vũng bùn” đảng phái

Dù chưa bắt đầu nhưng một nhiệm vụ lớn đã đặt ra cho Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts trước phiên xét xử Tổng thống Trump tại Thượng viện, đó là: Làm thế nào để đáp ứng các đề xuất, nỗ lực của phe Cộng hòa muốn giảm các thủ tục tố tụng để tiến hành một phiên bỏ phiếu sớm? Thách thức nữa là diễn ra trong bối cảnh Tòa án tối cao đang đứng trước các cáo buộc bị chính trị hóa và phân cực tư tưởng, Chánh án Roberts đang phải chuẩn bị sẵn những phương án điều hành phiên xét xử để tránh làm dấy lên những tranh cãi xung quanh vai trò trung lập đang bị lung lay của Tòa án Tối cao cũng như bản thân một nghị sĩ Cộng hòa như ông.

Ảnh: Getty
Ảnh: Getty

Trong lịch sử, người tiền nhiệm của ông Roberts là William Rehnquist cũng từng phải phân định rõ ranh giới, Thượng viện là Thượng viện chứ không phải Chánh án Tòa án Tối cao. Thế nhưng lại có thực tế, chính các thượng nghị sỹ lại là người xác định xem công việc của ông John Robert sẽ khó khăn hay dễ dàng. Và rằng, các quy tắc của Thượng viện và sự phụ thuộc nặng nề vào các quy trình tiền lệ trong quá khứ chắc chắn sẽ khiến cho người chủ trì phiên tòa - cụ thể là Chánh án Roberts lâm vào tình thế không mấy dễ chịu!

Các chuyên gia cho rằng, thẩm quyền của Chánh án Roberts tại phiên tòa xét xử luận tội Tổng thống Trump lần này rất hạn chế. 

Đó là chưa kể, một phiên tòa luận tội rất khác với các phiên tòa xét xử liên bang thông thường. Bởi thế, các chuyên gia còn cho rằng, thẩm quyền của Chánh án Roberts tại phiên tòa xét xử luận tội Tổng thống Trump lần này rất hạn chế. Trong đó, các Thượng nghị sĩ sẽ đưa ra hầu hết tất cả các quyết định pháp lý quan trọng cũng như các quyết định cuối cùng. Còn Chánh án chỉ có quyền phán quyết phản đối hay không đối với các bằng chứng. Chưa hết, đa số nghị sĩ trong Thượng viện đều có thể ra quyết định bác bỏ với yêu cầu của Chánh án. Và rằng, bất kỳ thượng nghị sỹ nào cũng có quyền yêu cầu bỏ phiếu về bất cứ phán quyết nào của người đứng đầu phiên xét xử.

Chánh án Tòa án Tối cáo John Roberts trong một phiên tòa dựng lại tại Trường Đại học Washington. Ảnh: New York Times
Chánh án Tòa án Tối cáo John Roberts trong một phiên tòa dựng lại tại Trường Đại học Washington. Ảnh: New York Times

Di sản cá nhân và tòa án

Nói như thế có nghĩa, vai trò của Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts dường như không có tác động gì nhiều đến kết quả phiên xét xử luận tội Tổng thống tại Thượng viện sắp tới. Và rằng, vị trí này mang nhiều ý nghĩa về mặt hình thức hơn là thực tế. Dù vậy nhưng rõ ràng, đây vẫn sẽ là một trận chiến vì danh tiếng của Tòa án Tối cao giữa Tổng thống Donald Trump và Chánh án John Roberts. Trong bối cảnh thời gian qua đã xảy ra một loạt các vụ việc liên quan đến câu hỏi: Liệu quyền lực của Tổng thống có vượt quá Hiến pháp và lấn sân cả Tòa án hay không, Chánh án Roberts có vẻ như đang phải chứng minh để đấu tranh để giữ vai trò và vị thế của Tòa án tối cao khỏi mớ bòng bong chính trị trên chính trường Mỹ hiện nay.

“Tòa án không có các thẩm phán của Obama, thẩm phán của Trump, của Bush hay thẩm phán của Clinton..."

Chánh án Tòa án Tối cáo John Roberts

Nhìn lại thời gian qua, mối quan hệ giữa cá nhân ông Trump và ông Roberts đã trở nên trắc trở với những tuyên bố của Tổng thống. Ông Trump từng tỏ thái độ xem thường các Thẩm phán cũng như tòa án nào đưa ra các quyết định mà cá nhân ông thấy đáng bị bác bỏ. Chính vì thái độ này mà ông Trump từng bị Chánh án Roberts chỉ trích hồi năm ngoái. Đó là khi ông Trump cáo buộc một thẩm phán liên bang tại California là một "thẩm phán của Obama". Chánh án Roberts đã ngay lập tức đáp lại rằng: “Tòa án không có các thẩm phán của Obama, thẩm phán của Trump, của Bush hay thẩm phán của Clinton. Những gì chúng tôi có là các thẩm phán tâm huyết, làm việc hết mình để đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho công chúng”.

Chánh án Tòa án Tối cáo John Roberts và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Chánh án Tòa án Tối cáo John Roberts và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Cần nhắc lại, kể từ khi được đề cử đảm nhận vai trò Chánh án Tòa án Tối cao, suốt 14 năm qua, ông Roberts đã nỗ lực củng cố hình ảnh hệ thống Tòa án - Tư pháp là một cơ quan hoàn toàn độc lập về chính trị với hai nhánh còn lại là: Tổng thống - Hành pháp và Quốc hội - Lập pháp.

Tiếp nối những gì đã thể hiện trong suốt thời gian qua, nhiệm vụ của Chánh án Roberts là phải khẳng định và duy trì lòng tin của công chúng và cử tri vào nền dân chủ Mỹ và sức mạnh của hệ thống tư pháp. Phiên xét xử luận tội sắp tới vì thế không chỉ định hình quan điểm của công chúng đối với cá nhân Chánh án Roberts mà còn sẽ xác định quan điểm của người dân đối với Tòa án Tối cao.

Sinh năm 1955, ông Roberts có bằng của Trường Luật Havard, từng làm luật sư tại tòa phúc thẩm và sau đó giữ chức thẩm phán. Ông Roberts từng làm thư ký cho người tiền nhiệm là ông Rehnquist vào đầu những năm 1980 trước khi tham gia vào chính quyền Tổng thống Reagan. Năm 2005, ông chính thức được cựu Tổng thống George W. Bush đề cử kế nhiệm ông William Rehnquist vào vị trí Chánh án Tòa án Tối cao - một trong những chức vụ có ảnh hưởng nhất của Mỹ. Ở vị trí này, ông Roberts có quyền bác bỏ cả quyết định của Tổng thống nếu cho rằng chúng không hợp hiến. Quan trọng hơn, không chỉ là Chánh án, ông Roberts còn được các chuyên gia đánh giá là người có tư tưởng trung hòa nhất giữa 9 thẩm phán Tòa tối cao Mỹ hiện nay. Trước đây, vị trí này thuộc về Thẩm phán Anthony Kennedy, nhưng nhân vật này đã nghỉ hưu và được thay thế bởi Thẩm phán Kavanaugh - người có quan điểm khá bảo thủ.

Chanh-An-John-Roberts-Getty Images
Ảnh: Getty Images

Bởi thế, bất kỳ một biểu hiện thiếu công tâm hoặc nghiêng về bên nào của Chánh án Roberts cũng sẽ là mũi dùi để các phe phái chỉ trích. Do vậy, dù tính quyết định là hạn chế nhưng rõ ràng, Chánh án Roberts vẫn sẽ phải hoàn thành một cách xuất sắc vai trò “người cầm cân nảy mực” trong phiên tòa xét xử tại Thượng viện sắp tới. Đây không chỉ là việc khẳng định uy tín bản thân mà còn là giữ vững hình ảnh và vai trò không thể lung lay của Tòa án - nhánh Tư pháp độc lập và quan trọng của nước Mỹ.

Tin mới