Chanh tăng giá gấp 3, nông dân Nghệ An vẫn kém vui

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hiện đang rộ mùa thu hoạch chanh quả, thị trường hồi phục, cộng với thời tiết nắng nóng nên chanh tiêu thụ nhanh, giá bán cao gấp 3 so với năm ngoái, song người dân các vùng trồng vẫn kém vui vì chanh mất mùa, nhiều vườn chanh bị chết héo…
Năm nay, mất mùa chanh nên mỗi gốc chanh của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa chỉ cho khoảng 80-100 kg quả. Ảnh: Thanh Phúc

Năm nay, mất mùa chanh nên mỗi gốc chanh của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa chỉ cho khoảng 80-100 kg quả. Ảnh: Thanh Phúc

Có diện tích vườn đồi rộng, bà Nguyễn Thị Hoa ở xóm 2, xã Hưng Yên Bắc (Hưng Nguyên) trồng hơn 300 gốc chanh. 20 năm trồng chanh, năm được, năm mất nhưng chưa năm nào bà Hoa thấy chanh chính vụ năng suất lại kém hẳn như năm nay.

Bà Hoa cho biết: “Năm nay chanh mất mùa đậm. Như gia đình tôi, vừa mới trồng lại cách đây dăm năm, cây chanh đang sung sức, vậy nhưng mỗi gốc cũng chỉ cho thu hoạch khoảng 1 tạ, thấp thua hơn năm ngoái rất nhiều”.

Quả chanh cũng nhỏ hơn và không được mọng nước như những năm được mùa. Ảnh: Thanh Phúc
Quả chanh cũng nhỏ hơn và không được mọng nước như những năm được mùa. Ảnh: Thanh Phúc

Trồng hơn 100 gốc chanh, nếu như năm ngoái, gia đình anh Hoàng Đức Khánh ở xóm 2, xã Hưng Yên Bắc (Hưng Nguyên) thu hái được gần 1,5 tấn quả thì năm nay, thu hái hết thì cũng chỉ được khoảng 7-8 tạ. “Một phần do thời tiết bất lợi, mưa nhiều lại mưa trái mùa nên tỷ lệ ra hoa, đậu quả thấp. Lúc chanh cần tích nước để quả mọng thì lại gặp nắng nóng, khô hạn nên năng suất thấp hơn nhiều”, anh Khánh cho biết.

Mất mùa chanh không chỉ diễn ra ở xã Hưng Yên Bắc mà các xã như Hưng Yên Nam, Hưng Trung (Hưng Nguyên); Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc, Nghi Mỹ… (Nghi Lộc), Nam Kim, Khánh Sơn, Thượng Tân Lộc (Nam Đàn)… cũng chung tình trạng.

Chị Trần Thị Lý, một hộ trồng chanh ở xóm 2, xã Nghi Công Nam (Nghi Lộc) cho biết: “Nhà tôi trồng gần 400 gốc chanh, mọi năm, chanh sai trĩu, riêng chanh chính vụ này phải thu hái được 6-7 tấn quả. Vào vụ thu hái, phải thuê 3-5 nhân công hái chanh. Vậy nhưng năm nay, chanh mất mùa, tỷ lệ quả chỉ bằng một nửa so với mọi năm, do đó, gia đình tự thu hái để đỡ chi phí”.

Nhiều vườn chanh cây chết héo do sâu đục thân, bệnh chảy nhựa thân cây chiếm đến 30% nên sản lượng chanh theo đó giảm sút. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều vườn chanh cây chết héo do sâu đục thân, bệnh chảy nhựa thân cây chiếm đến 30% nên sản lượng chanh theo đó giảm sút. Ảnh: Thanh Phúc

Không chỉ mất mùa chanh mà hiện nay, rất nhiều đồi chanh ở các xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc thoái hoá, cây chết khô khá nhiều.

Ông Hoàng Đức Chuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Yên Bắc cho biết: “Toàn xã có gần 200 ha đất đồi trồng chanh. Đó là cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu chính cho người dân địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây chanh bị thoái hoá khá nhiều, khoảng 30% diện tích chanh bị chết do sâu đục thân, bệnh chảy nhựa và phần nữa do chân đất, do thoái hoá giống. Do đó, năng suất, sản lượng chanh của địa phương cũng sụt giảm mạnh”.

Giá chanh thương lái thu mua hiện dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, cao gấp 3 so với năm 2021 và cao hơn so với các năm trước đó. Ảnh: Thanh Phúc
Giá chanh thương lái thu mua hiện dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, cao gấp 3 so với năm 2021 và cao hơn so với các năm trước đó. Ảnh: Thanh Phúc

Chanh mất mùa, trong khi đó, giá chanh lại khá cao, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Hiện, chanh nhập tại vườn có giá từ 13.000-15.000 đồng/kg, trong khi năm vụ chanh năm 2021, giá chỉ dao động từ 3.000-5.000 đồng/kg, lại khó tiêu thụ.

Anh Nguyễn Văn Ái, thương lái thu mua chanh vùng Hưng Nguyên, Nghi Lộc cho biết: “Nếu như mọi năm, một ngày, người dân chở hàng chục tấn chanh đến nhập thì năm nay, số lượng giảm chỉ còn khoảng một nửa. Để đủ hàng cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Bắc, ngoài thu mua tại chỗ, chúng tôi còn phải đi đến các vùng trồng để gom mua, gọi điện cho các hộ trồng chanh để đặt hàng".

Hội Nông dân xã Hưng Yên Bắc động viên, khuyến khích hội viên chăm sóc, phục hồi cây chanh bản địa và đưa cây chanh tứ quý vào trồng thử nghiệm. Ảnh: Thanh Phúc
Hội Nông dân xã Hưng Yên Bắc động viên, khuyến khích hội viên chăm sóc, phục hồi cây chanh bản địa và đưa cây chanh tứ quý vào trồng thử nghiệm. Ảnh: Thanh Phúc

Mặc dù giá chanh cao, dễ tiêu thụ nhưng do chanh mất mùa đậm, nhiều diện tích chanh bị chết nên người trồng chanh kém vui. Hiện, nhiều địa phương có truyền thống trồng chanh đang vận động bà con trồng dặm lại diện tích chanh đã chết; đồng thời thí điểm giống chanh tứ quý, chanh không hạt để nhân ra diện rộng.

Tin mới