'Chắp cánh' mang thổ cẩm vươn xa

(Baonghean.vn) - Sau khi ra trường, cô gái Sầm Thị Tình (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) không theo nghề mà trở về quê hương nối nghiệp dệt thổ cẩm. Với ý chí, nỗ lực cùng khả năng kết nối, các mặt hàng thổ cẩm truyền thống đã và đang ngày càng được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến.

Sinh ra tại “cái nôi” thổ cẩm truyền thống của người Thái Nghệ An là bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cô gái Sầm Thị Tình lớn lên cùng những khung cửi, vải nhuộm, những nét đan dệt tinh xảo. Sống giữa thổ cẩm, yêu thổ cẩm đến cháy lòng, nên Tình luôn đau đáu nỗi niềm làm thế nào để đưa thổ cẩm truyền thống của quê hương tiếp cận với nhiều thị trường, tạo đầu ra bền vững cũng như duy trì thu nhập ổn định cho bà con.

Cô gái Sầm Thị Tình đam mê với nghề thổ cẩm quê hương. Ảnh: Q.A

Cô gái Sầm Thị Tình đam mê với nghề thổ cẩm quê hương. Ảnh: Q.A

Ước mơ ấy theo Tình từ những ngày còn là sinh viên của trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình tại Hà Nội. Thời điểm đó, mỗi lần từ quê ra phố, cô gái Thái đều chuẩn bị các vật dụng thêu thùa trong vali để mang theo. Tình có thói quen thêu thùa vào những lúc rảnh rỗi. Những hoạ tiết cầu kỳ, tinh xảo hiện ra dưới đôi tay khéo léo của cô gái Thái khiến nhiều người thích thú. Nhận thấy tài năng của Tình, thời điểm đó, có rất nhiều người ở Hà Nội thuê Tình thêu quần áo và Tình đã tận dụng cơ hội tuyệt vời này để vừa làm, vừa giới thiệu nghề truyền thống cũng như sản phẩm thổ cẩm của quê hương mình.

Sau khi ra trường, Tình quyết định không đi theo nghề đã học mà trở về quê khởi nghiệp, thực hiện niềm mong ước bấy lâu. Thời gian đầu, việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn vì quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thị trường tiêu thụ không ổn định, thương hiệu chưa được khẳng định… Để đa dạng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, ngoài những váy, áo truyền thống, Tình còn định hướng cho bà con dệt, thêu thêm túi xách, ví cầm tay, giày, dép, thú bông, vỏ gối, khăn quàng cổ, khăn trải bàn…

Tình luôn chủ động tham gia các hội chợ, các chương trình kết nối cung cầu để giới thiệu sản phẩm quê hương mình. Ảnh: Q.A

Tình luôn chủ động tham gia các hội chợ, các chương trình kết nối cung cầu để giới thiệu sản phẩm quê hương mình. Ảnh: Q.A

Nhận thấy sự phát triển của mạng xã hội, thay vì sản xuất và chờ đợi du khách đến mua thổ cẩm như trước đây thì Tình mạnh dạn đi đầu trong việc quảng bá các sản phẩm trên các nền tảng Facebook, Zalo, Tiktok, các sàn thương mại điện tử… Mỗi lần nhuộm vải hay thêu dệt, Tình đều tranh thủ livestream để bạn bè muôn nơi trực tiếp theo dõi tỉ mỉ. Đây được xem là bước ngoặt trong việc đưa sản phẩm thổ cẩm tiếp cận gần hơn với khách hàng, sức tiêu thụ của sản phẩm cũng dần dần tăng lên so với thời điểm chưa áp dụng phương thức bán hàng mới.

Chưa dừng lại ở đó, khi có các hội chợ kết nối cung cầu, các triển lãm về thổ cẩm, trang phục đồng bào các dân tộc, Tình đều chủ động xin tham gia, đưa các sản phẩm của thổ cẩm Hoa Tiến giới thiệu tại những buổi triển lãm ở nước ngoài như Malaysia, Lào... “Năm vừa qua, mình đưa sản phẩm thổ cẩm quê hương sang Malaysia để quảng bá, giới thiệu, tiếp cận với hiệp hội dệt may Đông Nam Á, Bảo tàng Malaysia… Có những đơn vị sau khi xem sản phẩm đã rất hài lòng và đặt hàng, đồng thời cam kết sẽ kết nối để hợp tác lâu dài khiến mình rất xúc động.” - Tình chia sẻ.

Chị Tình luôn quảng bá, giới thiệu thổ cẩm quê hương đến bạn bè quốc tế. Ảnh: Q.A

Chị Tình luôn quảng bá, giới thiệu thổ cẩm quê hương đến bạn bè quốc tế. Ảnh: Q.A

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi và chủ động thích nghi với thời đại công nghệ số, những sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến dần dần có mặt tại nhiều thị trường trong nước và quốc tế như Đức, Pháp, Malaysia, Tây Ban Nha, Lào… Ngoài ra, Tình còn mở một cửa hiệu dệt thêu và nhuộm màu tự nhiên tại Hà Nội nhằm quảng bá sâu rộng nghề thổ cẩm truyền thống địa phương cho những du khách có nhu cầu khám phá.

Sầm Thị Tình chia sẻ: Ước mong lớn nhất của mình là nghề thổ cẩm của địa phương được mọi người biết đến nhiều hơn nữa, để có thể tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con. Ngoài ra, nếu làng nghề phát triển ổn định sẽ góp phần giữ được con em ở quê để bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống của cha ông, vì hiện nay, nhiều bạn trẻ đã rời quê hương, người làm nghề chỉ hầu hết chỉ là bậc trung niên, phụ lão…

Du khách quốc tế hào hứng với thổ cẩm Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Q.A

Du khách quốc tế hào hứng với thổ cẩm Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Q.A

Sầm Thị Tình là một gương sáng điển hình tại địa phương trong việc quảng bá sản phẩm, mang những nét đẹp của đồng bào Thái ở Quỳ Châu đến bạn bè. Bên cạnh giới thiệu các sản phẩm, mỗi năm, Tình đều dẫn các đoàn khách trong và ngoài nước trở về bản Hoa Tiến để trải nghiệm dệt thổ cẩm, thưởng thức ẩm thực cũng như tham quan vẻ đẹp quê hương. Điều này đã giúp cho vùng đất Châu Tiến ngày càng được biết đến, sức hút về du lịch trải nghiệm được nâng cao.

Ông Sầm Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến

Tin mới