Châu Âu hứng chịu cơn chấn động trên mọi lĩnh vực sau thảm kịch Paris

Cơn chấn động sau các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại thủ đô nước Pháp tiếp tục tác động tới các vấn đề mọi lĩnh vực ở châu Âu.

Cơn chấn động sau các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại thủ đô nước Pháp cuối tuần trước tiếp tục lan rộng tới mọi lĩnh vực, gây thêm áp lực cho châu Âu trong giải quyết các vấn đề vốn đã rất khó khăn từ khủng hoảng di cư, tới vấn đề tài chính...           

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm 18/11 công bố những biện pháp kiểm soát chặt chẽ sử dụng súng. Theo đó, châu Âu sẽ thắt chặt các quy định mua bán vũ khí dễ dàng hiện nay. Ủy ban châu Âu muốn có quy định cho phép sử dụng súng tốt hơn và dự thảo những tiêu chuẩn chung tối thiểu về kiểm soát súng.

Cảnh sát Pháp tăng cường an ninh tại thủ đô Paris (Ảnh AP).
Cảnh sát Pháp tăng cường an ninh tại thủ đô Paris (Ảnh AP).

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây là kế hoạch không hề dễ dàng với châu Âu, do những sự khác biệt về luật pháp tại mỗi nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ  tạo ra “lỗ hổng” cho hoạt động buôn bán vũ khí. Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại tại khu vực tự do thị thực Schengen, việc mua bán súng diễn ra khá dễ dàng. 

Nhà nghiên cứu Nils Duquet tại Viện Flemish Peace cho rằng: “Súng được buôn lậu với số lượng nhỏ vào khu vực Schengen, nhưng một khi những vũ khí này được đưa ra bên ngoài biên giới Schengen, nó sẽ rất dễ dàng rơi vào tay các băng nhóm tội phạm tại những nước châu Âu khác”.

Ủy viên cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề nội vụ và nhập cư Dimitris Avramopoulos cho rằng, với tình hình báo động an ninh hiện nay, châu Âu cần tăng cường bảo vệ biên giới bên ngoài. Theo đó, chính phủ Pháp hay các nước khác cần tăng cường các biện pháp kiểm soát an ninh tạm thời. 

Việc các nước châu Âu đóng cửa và thắt chặt kiểm soát biên giới sau vụ khủng bố Paris cũng lại có liên quan trực tiếp tới cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 tại lục địa này. Giữa lúc châu Âu bất đồng và vẫn chưa tìm được lối thoát thích hợp cho cuộc khủng hoảng nhập cư, thì việc hộ chiếu Syria được tìm thấy sau vụ khủng bố Paris đã khiến các nước đề cao cảnh giác hơn. 

Đã có nhiều nước Liên minh châu Âu, mới nhất là Macedonia dựng hàng rào dọc biên giới để ngăn dòng người di cư từ các nước Balkan đổ về Bắc Âu.

Cơn chấn động sau các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại thủ đô nước Pháp cũng tiếp tục tác động tới vấn đề tài chính. Pháp có thể sẽ không giữ được mục tiêu thâm hụt ngân sách của Liên minh châu Âu, khi phải tăng cường chi tiêu cho an ninh sau vụ tấn công khủng bố. Chính phủ Pháp đã lên tiếng cảnh báo về những kế hoạch ngân sách sau khi Tổng thống Hollande cam kết tăng thêm hàng nghìn cảnh sát để củng cố lực lượng lượng an ninh trên cả nước. Kế hoạch này của ông Hollande ước tính sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu euro trong ngân sách Pháp.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói: “Thâm hụt ngân sách của Pháp chắc chắn sẽ tăng bởi vì nguồn chi để tăng cường an ninh. Chúng ta cần phải chấp nhận điều này và châu Âu phải hiểu được vấn đề này. Liên minh châu Âu và Ủy ban châu Âu đã lo ngại và thảo luận vấn đề này, và họ cần thời gian để hiểu cho hành động của Pháp”.

Liên minh châu Âu cũng đã cảnh báo Pháp có thể không đạt được các mục tiêu kiểm soát ngân sách trong năm 2017, song phản ứng của EU với hành động của Pháp cũng hướng về sự cảm thông. Ủy viên cấp cao về kinh tế Pierre Moscovici nói rằng, các quy định là để đảm bảo sự ổn định của Liên minh châu Âu, song cùng cần sự linh hoạt và thông minh./.

Theo VOV

Tin mới