Châu Âu hướng tới 'kỷ nguyên an ninh mới'

(Baonghean.vn) - Sau 3 ngày làm việc, Hội nghị An ninh Munich tại Đức đã khép lại với hàng loạt vấn đề an ninh “nóng” nhất trên toàn cầu được đưa ra thảo luận.
Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: MSC
Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: MSC

Tâm điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế là màn phối hợp ăn ý của Pháp và Đức nhằm thúc đẩy hình thành liên minh quốc phòng chung châu Âu – điều mà Pháp và Đức kỳ vọng sẽ tạo nên “kỷ nguyên an ninh mới” cho châu Âu trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu ngày càng có nhiều rạn nứt.

Tìm lối đi riêng

Trong bài phát biểu được chờ đợi tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã “khoe khoang” vị trí số 1 thế giới của Mỹ, khẳng định “Mỹ nắm giữ chìa khóa để làm cho thế giới an toàn hơn”. Ông Mike Pompeo còn không quên đưa ra các dẫn chứng như việc Mỹ dẫn đầu liên minh quân sự chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tiêu diệt thủ lĩnh Al Baghdadi hay thúc đẩy chiến dịch gây sức ép ngoại giao với Iran để thấy rằng Mỹ đã không hề lơ là đồng minh như đồn đoán, và phương Tây dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã có những chiến dịch thành công như thế nào.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 15/2. Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 15/2. Ảnh: AFP

Nhưng bài phát biểu với nhiều chi tiết phô diễn vị thế của Mỹ đã không khiến cho một số nhân vật quan trọng ở châu Âu thán phục, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Nếu như Mỹ tự hào về khả năng gây sức ép với Iran, thì ông Macron lại coi đó là một chiến dịch bế tắc, khiến cho các nước châu Âu không thể duy trì chính sách ngoại giao của mình xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký năm 2015. Từ đó, ông Emmacron cho rằng châu Âu không phải lúc nào cũng đi theo sự dẫn dắt của Mỹ, và phải “hành động theo cách suy nghĩ của châu Âu”, thể hiện chủ quyền của châu Âu với những năng lực mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn trên trường quốc tế. Và có để một châu Âu mạnh mẽ hơn trong khả năng phòng thủ, tự bảo vệ mình, châu Âu cần phải có sức mạnh quân sự mới trong một cấu trúc an ninh mới - một cấu trúc không bị ảnh hưởng bởi Brexit và sự ra đi của nước Anh.

Một trong những ý tưởng lớn của ông Macron là các đối tác châu Âu, đặc biệt là Đức, có thể chia sẻ vũ khí hạt nhân của Pháp thay vì chỉ dựa vào “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ như thời kỳ Chiến tranh Lạnh đến nay.

Tổng thống Pháp
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.

Ý tưởng châu Âu phải tăng cường năng lực quốc phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được Đức hưởng ứng mạnh mẽ. Một trong những lý do mà Đức đưa ra chính là chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump đang buộc các đồng minh phải “chiến đấu với cuộc chiến của chính mình”, nhất là khi ông Trump từng nhiều lần cảnh báo châu Âu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong các vấn đề an ninh.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steimeier còn thẳng thừng cáo buộc chính sách của Mỹ đang gây ra nhiều bất ổn, và rằng “cứ mỗi một năm, thế giới lại càng xa rời mục tiêu về thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm mang lại hòa bình cho thế giới”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi thành lập liên minh quốc phòng châu Âu trong vòng 10 năm tới, bởi vì châu Âu có các công cụ chung, có lợi ích chung, vì thế cần phải có một cơ chế nhằm tạo ra ý chí chính trị chung, từ đó điều phối chính sách quốc phòng và an ninh của châu Âu hiệu quả hơn trên phạm vi quốc tế.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Ảnh: AFP
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Ảnh: AFP

Đức còn lấy ví dụ cụ thể rằng châu Âu có thể có chính sách quân sự riêng ở khu vực Eo biển Hormuz, độc lập với chính sách “gây áp lực tối đa” mà Mỹ đang theo đuổi với Iran. Pháp và Đức tự tin rằng hai quốc gia đã đạt được nhiều tiến bộ trong hợp tác quân sự thời gian gần đây, như Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS), Hệ thống Chiến đấu Mặt đất Chủ chốt (MGCS), và sự “đồng tâm hiệp lực” này sẽ giúp họ dẫn dắt những sáng kiến mới ở quy mô toàn châu Âu.

Hai trụ cột - một mục tiêu

Tuy nhiên, một châu Âu mạnh hơn trong phòng thủ với lực lượng quốc phòng chung là một ý tưởng khiến NATO phiền lòng. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng, vấn đề châu Âu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong vấn đề an ninh không đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ thực hiện trách nhiệm đó một mình mà không có Mỹ.

Theo ông Jens Stoltenberg, nỗ lực thành lập lực lượng quân đội chung của châu Âu có thể làm xói mòn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, làm suy yếu năng lực của NATO, thậm chí gây chia rẽ trong chính nội bộ châu Âu khi các thành viên có nguồn lực khác biệt nhau. Vì thế, châu Âu cần phải tìm ra cách thức gia tăng trách nhiệm an ninh nhưng vẫn đảm bảo sự thống nhất của 29 thành viên trong NATO.

Binh sỹ lực lượng NATO
Binh sỹ lực lượng NATO.

Trước mối lo ngại về sự chia rẽ của NATO nếu châu Âu thành lập lực lượng quốc phòng riêng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định đây không phải là một dự án chống lại NATO hay thay thế NATO. Tầm nhìn trong việc xây dựng lực lượng quân đội chung châu Âu là tạo thêm một trụ cột an ninh nữa cho châu Âu bên cạnh trụ cột hiện nay là NATO, và cả hai trụ cột này đều hướng tới một mục tiêu chung là “đảm bảo chủ quyền của châu Âu”.

Đối với châu Âu, trách nhiệm an ninh không đơn thuần là gia tăng chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP như Mỹ kêu gọi, mà là khả năng tự chủ của châu Âu trong những vấn đề an ninh cấp bách, không phụ thuộc vào quyết sách của Mỹ. Một điều rõ ràng là dù châu Âu và Mỹ chia sẻ nhiều giá trị chung, từng sát cánh cùng nhau trong nhiều chiến dịch lớn, nhưng “hai đối tác bên hai bờ Đại Tây Dương” vẫn có nhiều lợi ích khác nhau, dẫn đến cách tiếp cận khác nhau trong nhiều vấn đề. Không chỉ là vấn đề hạt nhân Iran mà Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lấy ví dụ trong bài phát biểu của mình, mà hàng loạt vấn đề khác như quan hệ với Nga, cuộc chiến tại Syria…, châu Âu đều cần có quyền tự do hành động thông qua những “chính sách của châu Âu” chứ không phải “chính sách xuyên Đại Tây Dương”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 15/2. Ảnh: Reuters
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 15/2. Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức nhiều lần nhắc đến lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump về việc rút Mỹ khỏi NATO, coi đây là một “cú hích” để châu Âu phải tự chủ vấn đề an ninh của mình thông qua lực lượng quân đội chung. Nhưng giới phân tích cho rằng, dù ông Donald Trump có rút lại lời cảnh báo này đi chăng nữa, hay kể cả trường hợp nước Mỹ có nhà lãnh đạo mới thay ông Donald Trump chăng nữa, Pháp và Đức sẽ vẫn xúc tiến kế hoạch xây dựng lực lượng chung châu Âu.

Bởi vì, triết lý sâu xa sau kế hoạch này là khát vọng về sự độc lập và tự chủ của châu Âu trong các vấn đề toàn cầu, tương xứng với dân số và sự phát triển kinh tế. Pháp hiện nay có ngành công nghiệp vũ khí phát triển, với lực lượng quân đội tham gia nhiều chiến dịch độc lập mà không kết hợp với Mỹ, ví dụ ở châu Phi. Pháp cũng duy trì một chính sách khá độc lập và thẳng thắn ngay cả trong khối quân sự NATO. Trong khi đó, Đức đến nay vẫn là nền kinh tế đầu tàu của châu Âu. Giới phân tích ví von sự kết hợp giữa Pháp và Đức là sự kết hợp giữa “cơ bắp” và “túi tiền”, là sự kết hợp hiệu quả có thể làm thay đổi cuộc chơi trên sân chơi an ninh toàn cầu.

Tin mới