Châu Tinh Trì - từ vua băng đĩa lậu đến thời ông hoàng phòng vé

Ăn sâu trong ký ức khán giả với hàng loạt phim về những kẻ yếu thế trong xã hội, giờ đây khi không còn đóng phim, tài tử Hong Kong vẫn được đón nhận nồng nhiệt.

Đầu năm 2016, Châu Tinh Trì tiếp tục đánh dấu cột mốc mới trong làng phim Hoa ngữ, khi Mỹ nhân ngư do ông đạo diễn trở thành phim ăn khách nhất lịch sử phòng vé Trung Quốc. Tác phẩm có vốn đầu tư 300 triệu nhân dân tệ (gần 46 triệu USD) đến nay thu về hơn ba tỷ nhân tệ (gần 460 triệu USD) ở thị trường Trung Quốc đại lục.

Ở Hong Kong và các nước như Singaprore, Việt Nam, Malaysia..., phim về nàng tiên cá hậu đậu cũng đạt doanh thu đáng nể. Ở Bắc Mỹ, tác phẩm bị hạn chế độ tuổi người xem song cũng đạt một số thành tích như "Phim Hoa ngữ ăn khách nhất ngày công chiếu", "Phim Hoa ngữ ăn khách nhất cuối tuần công chiếu"...

Tuy nhiên, bộ phim hài không được giới phê bình đánh giá xuất sắc. QQ nhận định: "Mỹ nhân ngư chỉ là một phim thương mại bình thường, kỹ xảo hạn chế, hiệu quả 3D không có gì đặc biệt". Lý do gì khiến tác phẩm có thể khuynh đảo phòng vé đến vậy?

chau-tinh-tri-tu-vua-bang-dia-lau-den-thoi-ong-hoang-phong-ve

Châu Tinh Trì hướng dẫn cảnh quay trong "Mỹ nhân ngư".

Chuyên trang điện ảnh Eastmovie nhận định nhân tố quyết định khiến phim đắt khách là tầm ảnh hưởng của Châu Tinh Trì.

Từ khi phim khởi quay, lượng fan hùng hậu của danh hài Hong Kong đã hô vang khẩu hiệu "Chúng ta nợ Châu Tinh Trì một vé xem phim". Khẩu hiệu này được các khán giả giải thích rằng hồi nhỏ họ xem miễn phí phim hài Châu Tinh Trì và đã đến lúc "trả nợ" cho những lần xem miễn phí đó. Nhiều fan hô hào đưa phim của "Thánh Tinh" trở thành sản phẩm ăn khách nhất phòng vé.

Từ trước Đội bóng thiếu lâm (2001), đĩa lậu là con đường chủ yếu kết nối Châu Tinh Trì với khán giả ngoài Hong Kong như Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc đại lục, Malaysia… và đưa nam diễn viên trở thành cái tên quen thuộc với khán giả. Sự sáng tạo, hình tượng nhân vật gần gũi, lối diễn nhí nhố, cách gây cười có phần "tục" trở thành món ăn tinh thần của giới trẻ. Đến thời Internet bùng nổ, Châu Tinh Trì tiếp tục đồng hành với nhiều đối tượng khán giả, trong đó giới sinh viên chiếm phần không nhỏ.

Với khẩu hiệu trên, gần một năm qua, sau mỗi bài viết về Mỹ nhân ngư là vô số bình luận nói về ký ức của khán giả với phim Châu Tinh Trì thập niên 1990. "Lớn lên cùng phim Châu Tinh Trì nên giờ đây mỗi lần ông có phim mới, tôi có cảm giác gặp lại người bạn cũ lâu ngày xa cách. Với tôi, xem phim Châu Tinh Trì là vì cảm xúc nhớ nhung ký ức đẹp tuổi thơ", một độc giả tự giới thiệu là ông bố hai con viết trên Eastmovie. 

"Theo ý kiến cá nhân, Mỹ nhân ngư không gây cười lắm, mọi người đi xem là để trả nợ. Tác phẩm không thực sự hấp dẫn song tôi vẫn ủng hộ, chẳng vì cái gì, chỉ vì ba chữ Châu Tinh Trì. Tôi nghĩ mọi người sẽ ấm lòng hơn nếu ông xuất hiện trong phim, dù chỉ chớp nhoáng. A Tinh, đã lâu không gặp", độc giả Zhouzhou có chung cảm nhận.

Một phụ nữ thuộc thế hệ 7x chia sẻ: "Doanh thu lên tới ba tỷ nhân dân tệ là vì mọi người đều yêu mến Châu Tinh Trì. Lý do thích là mọi người đã xem các phim hài kinh điển của ông như Quốc sản 007, Trường học uy long, Thánh Bài, Lộc Đỉnh Ký, Tô Khất Nhi... Từ lúc anh Tinh làm đạo diễn, tôi cảm thấy phim không hay như trước, cũng không còn cái 'chất' của năm nào... Đến giờ chỉ còn hoài niệm".

Một độc giả VnExpress bình luận: "Nhớ thời sinh viên, đi thuê hết phim này đến phim khác về xem cùng các bạn xóm trọ mà cười đến đứt ruột mỗi khi nghe thấy giọng điệu, lời nói của Châu Tinh Trì".

Eastmovie đặt câu hỏi: "Nếu không có băng đĩa lậu tràn lan trước đây, Châu Tinh Trì liệu có được sức hút lớn như bây giờ?".

chau-tinh-tri-tu-vua-bang-dia-lau-den-thoi-ong-hoang-phong-ve-1

Hầu hết khán giả nhận xét "Mỹ nhân ngư" không gây cười bằng các phim do Châu Tinh Trì đóng trước đây như "Thần Bài", "Trường học uy long", "Đường Bá Hổ Điểm Thu Hương"...

Từ đầu năm đến nay, Mỹ nhân ngư trở thành Độc cô cầu bại, lấn lướt mọi bom tấn Hoa ngữ khác, trong đó đáng kể nhất là Thần Bài 3 (From Vegas to Macau 3). Phim về Thần Bài có sự tham gia của Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Trương Học Hữu với đội ngũ đạo diễn, nhà sản xuất phim là Lưu Vỹ Cường, Vương Tinh, Hướng Hoa Cường - những người từng cùng Châu Tinh Trì làm nên các phim hài kinh điển Hong Kong thập niên 1990. Việc đối đầu ở rạp chiếu lần này càng cho thấy sự vượt trội của Châu Tinh Trì ở sức thu hút khán giả.

"Thần Bài với diễn xuất của nguyên dàn siêu sao gồm ba Ảnh đế cộng Thiên vương Hong Kong cùng Lưu Gia Linh và Psy mà tổng doanh thu thua xa Mỹ nhân ngư với dàn diễn viên trẻ măng kém tiếng, nổi nhất cũng chỉ có Đặng Siêu và La Chí Tường. Thế mới thấy cái bóng của Tinh ca lớn thế nào", độc giả Ju Ly bình luận trên VnExpress.

Các yếu tố tiếp theo khiến Mỹ nhân ngư ăn khách là hai thế hệ "Tinh nữ lang" xuất hiện trong phim gồm Trương Vũ Kỳ và Lâm Doãn cùng sự tham gia của Đặng Siêu, La Chí Tường. Mặt khác, chiến lược quảng bá tốt cùng thời gian ra rạp cũng ảnh hưởng tới doanh thu tác phẩm.

Sina nhận xét rằng với Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện hay Mỹ nhân ngư, Châu Tinh Trì khẳng định sức hút cá nhân đồng thời đoạt vị trí "Ông hoàng phòng vé". Nếu trở lại đóng phim, rất có khả năng tài tử sẽ phá vỡ kỷ lục của chính mình.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới