Chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi niềm trăn trở của Tổng Bí thư

Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi niềm trăn trở, băn khoăn, lo lắng của các cấp ủy Đảng, nhất là của Tổng Bí thư, thường vụ cấp ủy và bí thư cấp ủy các cấp.

Sáng nay, Ban Tổ chức TƯ tổ chức hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 với hai nội dung chính về Tình hình, kết quả công tác tổ chức Xây dựng Đảng năm 2017 và chuyên đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ.

TƯ bầu, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển 424 nhân sự

Báo cáo tóm tắt về tình hình, kết quả công tác năm 2017, phương hướng và nhiệm vụ 2018, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Thanh Bình cho biết năm 2017, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt kết quả tích cực; không khí dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội ngày càng được phát huy, lòng tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và nâng cao.

Chạy chức,chạy quyền,kiểm soát quyền lực,Tổng bí thư,Nguyễn Phú Trọng,Nguyễn Thanh Bình
Phó ban Thường trực Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Thanh Bình.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, vấn đề môi trường còn nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp, khó lường. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ có nơi, có lúc còn lỏng lẻo, sơ hở, hạn chế, yếu kém...

Trong các nhiệm vụ thường xuyên của ngành, Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Thanh Bình cho biết có việc triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ.

Cụ thể, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ nhân sự, tham mưu sắp xếp, bố trí cán bộ các cấp một cách kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch.

Điểm mới là lãnh đạo cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp nghiên cứu kỹ, cân nhắc toàn diện, tham khảo nhiều kênh thông tin để đánh giá cán bộ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trước khi thực hiện quy trình cán bộ.

Năm 2017 đã tham mưu luân chuyển 471 cán bộ, điều động, biệt phái 1.467 cán bộ đối với cấp tỉnh; Luân chuyển 2.378 cán bộ, điều động, biệt phái 3.500 cán bộ đối với cấp huyện. Riêng ở cấp TƯ đã tiến hành quy trình bầu cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển 424 nhân sự, trong đó có 5 ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 3 Bộ trưởng và tương đương; 6 Trưởng ban cơ quan Đảng, đoàn thể TƯ; 8 Bí thư tỉnh, thành và Đảng ủy trực thuộc TƯ...

Cùng với đó, ngành từng bước đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ và quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực hiện chủ trương “thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.

Ngành tổ chức xây dựng Đảng đã giảm biên chế liên tục trong 3 năm. Năm 2017, tổng số thực tế hưởng lương ngân sách của các ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TƯ là 2.044 người (89,53% so với tổng biên chế được giao); các ban tổ chức cấp ủy cấp trên cơ sở là 5.371 người (92,38% so với tổng biên chế được giao).

Trong năm 2017 kết nạp mới 207.279 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên hơn 4,9 triệu.

Về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức đã rà soát, thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với 1.122 cán bộ diện TƯ quản lý; trong đó loại bỏ 47 trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Theo Phó Ban Tổ chức TƯ, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, trong đó có nhiều việc mới, việc khó, nhạy cảm, phức tạp nhiều năm băn khoăn, trăn trở, đến nay mới từng bước được nhận diện tháo gỡ. 

Chạy chức,chạy quyền,kiểm soát quyền lực,Tổng bí thư,Nguyễn Phú Trọng,Nguyễn Thanh Bình
Các đại biểu dự hội nghị.

Năm 2017 là năm thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tham mưu và tổ chức thực hiện trên tất cả các mặt công tác theo 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội 12 đã đề ra. Tiếp tục mở rộng dân chủ, đổi mới phương pháp, quy trình, cách làm; tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm soát quyền lực và kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Trăn trở về cơ chế kiểm soát quyền lực

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “Chúng ta cũng thẳng thắn, mạnh dạn, cầu thị chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới”.

Cụ thể như việc lãnh đạo thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng về tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn lúng túng, chưa kịp thời, kém hiệu quả.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; chi ngân sách thường xuyên tăng và đang ở mức cao 65%.

“Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi niềm trăn trở, băn khoăn, lo lắng của các cấp ủy Đảng, nhất là của Tổng Bí thư, thường vụ cấp ủy và bí thư cấp ủy các cấp”, Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ nhấn mạnh.

Nói về nguyên nhân của những hạn chế này, ông cho rằng nhận thức và vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu chưa ngang tầm, chưa thật sự quan tâm thích đáng cho công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Cạnh đó là các quy định, quy chế về tổ chức xây dựng Đảng đã bổ sung hoàn thiện nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cũng như việc kiểm soát quyền lực và phòng chống tệ quan liêu, tiêu cực trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Tin mới