'Cháy' shipper giữa mùa dịch Covid-19

(Baonghean.vn) - Thực hiện cách ly toàn xã hội, các hoạt động mua – bán chủ yếu diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Vì vậy, nhu cầu ship hàng tăng cao đột biến, các shipper làm không hết việc.

THU NHẬP KHÁ TỪ DỊCH VỤ GIAO HÀNG

Shipper
Mùa dịch, các cửa hàng chuyển sang kinh doanh online và cần đến dịch vụ giao hàng tận nơi. Ảnh: Thanh Phúc

Trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh, Lê Duy Niệm - Sinh viên một trường ĐH trên địa bàn thành phố Vinh, thay vì về quê đã ở lại thành phố làm công việc giao hàng. Gần 7 năm ở Vinh nên nắm rõ “đường đi lối lại” trong khu vực thành phố, Niệm cũng có kinh nghiệm làm shipper 2 năm nay. Trước đó là làm việc bán thời gian, chỉ nhận đơn hàng vào lúc không có ca học, chủ yếu vào ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, còn nay do nghỉ học vì dịch bệnh nên việc ship hàng trở thành công việc toàn thời gian.

Công việc của Niệm bắt đầu từ lúc 7h30 sáng và kết thúc vào 21h30 tối với khoảng 50-70 đơn hàng, trừ chi phí xăng xe, điện thoại, Niệm kiếm được khoảng 500-600.000 đồng/ngày. Niệm cho biết: “Đợt dịch này, khách hàng chủ yếu mua online nên nhân viên giao hàng như bọn em có thu nhập khá, có những hôm quá tải không thể nhận thêm”.

Mùa dịch, nhu cầu ship hàng tăng cao nên những người làm công việc giao hàng có thu nhập cao, từ 500-700.000 đồng/ngày, thậm chí tiền triệu mỗi ngày. Ảnh: Thanh Phúc
Mùa dịch, nhu cầu ship hàng tăng cao nên những người làm công việc giao hàng có thu nhập cao, từ 500-700.000 đồng/ngày, thậm chí tiền triệu mỗi ngày. Ảnh: Thanh Phúc

Nếu như trước đây, chỉ một số mặt hàng mới sử dụng đến dịch vụ giao hàng thì nay, tất cả mọi nhu cầu thiết yếu của người dân từ các món ăn, thức uống, lương thực, thực phẩm đến hàng may mặc, giày dép, mỹ phẩm, điện máy… đều cần đến shipper. Do đó, đây được coi là “thời điểm vàng ăn nên làm ra” của nhân viên giao hàng tận nơi.

Anh Nguyễn Phùng Hưng, trưởng một nhóm giao hàng nhanh ở đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hưng Dũng (TP.Vinh) cho biết: “Trước nhóm ship hàng của em chỉ có 10 bạn, đợt dịch này kéo dài, nhất là sau lệnh cách ly xã hội của Thủ tướng thì nhu cầu tăng vọt nên nhóm phải tuyển thêm nhân viên, hiện đã là 25 người song vẫn không đáp ứng đủ”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn thành phố Vinh ngoài các công ty, doanh nghiệp chuyên giao - nhận hàng, các bưu cục, các dịch vụ giao hàng chuyên nghiệp thì có khoảng 10 -15 nhóm ship do các bạn sinh viên làm chủ và hàng trăm người hành nghề ship hàng tự do. Nếu như mọi năm, thời điểm sau Tết, các đơn hàng ít, nhân viên ship hàng ít việc thì năm nay, nhân viên ship hàng làm việc không xuể, lượng đơn hàng cần ship tăng từ 250-300%. Bù lại, thu nhập của các shipper cũng rất khá, trung bình từ 300-500.000 đồng/người/ngày, có những người "chạy" hết công suất thì thu nhập lên đến tiền triệu mỗi ngày.

NỞ RỘ DỊCH VỤ “ĐI CHỢ HỘ”

Bên cạnh đó, dịch vụ “đi chợ hộ” cũng khá “hút khách” trong thời điểm dịch bệnh bùng phát hiện nay. Chị Lê Thị Tuyết, nhân viên hợp đồng nấu ăn của một trường mầm non tư thục, từ khi nhà trường đóng cửa theo yêu cầu thì đồng nghĩa chị cũng thất nghiệp. Ban đầu, để trang trải cuộc sống trong những ngày nghỉ việc không lương, chị xoay sang sơ chế thức ăn bán online. Sau khi có một lượng khách kha khá, nhận thấy đơn đặt hàng ngày càng nhiều, chị chuyển sang hình thức “đi chợ hộ” cho những người có nhu cầu.

 
Dịch vụ
Dịch vụ "đi chợ hộ" cũng khá phổ biến trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều người. Ảnh: Thanh Phúc

Buổi tối, chị nhận đơn đặt hàng của khách từ rau, dưa, mắm muối đến cá, thịt…, lên danh sách cụ thể từng đơn để buổi sáng hôm sau đi chợ. “Đằng nào cũng mất công đi chợ, trong khi nhiều gia đình người già, các mẹ bỉm sữa, dân công chức không có thời gian đi chợ nên mình kiêm luôn, mua hộ cho mọi người. Khách chủ yếu là bà con trong khối, trong phường, mỗi người trả từ 10-20.000 tiền công (tùy lượng mua nhiều hay ít), mỗi ngày cũng kiếm được 200-300 ngàn đồng”.

Dịch vụ “đi chợ hộ” hiện cũng được nhiều tiểu thương kinh doanh tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố áp dụng khi buôn bán ế ẩm. Chị Nguyễn Thị Lan trước đây bán đồ ăn sáng tại chợ Hưng Dũng, nay quán đóng cửa, chị chuyển sang dịch vụ đi chợ hộ. Khách là bà con lối xóm, người quen, đặt mua hàng theo yêu cầu. 9h sáng, chị đi gom hàng, sau đó sơ chế theo yêu cầu rồi chở đi giao tận nhà. Tiền công mỗi đơn hàng (bao gồm cả sơ chế) khoảng 30.000 đồng, trung bình mỗi ngày chị có thu nhập khoảng 500.000 đồng.

Thời điểm dịch bệnh, các cửa hàng đóng cửa, công ty giãn việc, phần đông lao động chật vật xoay xở mưu sinh song có những người nhờ năng động, nhanh nhạy xoay hướng làm ăn nên có thu nhập ổn định, có thể nói là khá khẩm. Trong đó, phải kể đến nghề ship hàng tận nơi, dịch vụ “đi chợ hộ”. Thế nhưng, để kiếm được hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ nghề này, họ đối mặt với không ít nguy cơ khi phải ra đường mua bán, trao đổi, tiếp xúc ở những nơi đông người để đáp ứng nhu cầu của khách hàng...

Tin mới