Chế độ cho người bảo vệ rừng ở Nghệ An: Tồn tại lớn, phải có giải pháp xử lý!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Bởi kinh phí bảo vệ rừng không ổn định, luôn chậm vì chờ nguồn từ Trung ương cấp về nên người sử dụng lao động chuyên trách bảo vệ rừng chua chát nhìn nhận tiền lương chi trả cho lực lượng này “là lương, nhưng chưa phải là lương”. Và chính họ, đang có nguy cơ vi phạm luật…

Bỏ quên lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng?

Từ tâm sự đầy chua xót của những cá nhân chuyên trách bảo vệ rừng có đơn xin nghỉ việc, như anh Nguyễn Duy Thanh (Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương), thời gian qua, chúng tôi đã tiếp cận nhiều cán bộ quản lý sử dụng lực lượng này. Nhận thấy, hầu hết đang trong tâm trạng bối rối, lo lắng.

Lực lượng bảo vệ Vườn Quốc gia Pù Mát trên đường tuần tra. Ảnh: C.T.V

Lực lượng bảo vệ Vườn Quốc gia Pù Mát trên đường tuần tra. Ảnh: C.T.V

Thể hiện sự bối rối, lo lắng không chỉ qua trao đổi, mà từ nhiều báo cáo trải dài đã trong vài năm của họ, trên tư cách người được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, sử dụng lao động chuyên trách bảo vệ rừng. Đặc biệt, trong năm 2022, có những báo cáo như của các Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, Tân Kỳ, Con Cuông; Lâm trường Tương Dương…, đã mô tả cụ thể công việc vất vả, đời sống khó khăn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, với nỗi xót xa và đau đáu mong chờ cơ quan chủ quản, cấp có thẩm quyền sớm có giải pháp tháo gỡ, giúp họ níu giữ, ổn định lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Đã có những lãnh đạo Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ bước qua “lằn ranh”, thẳng thắn phê phán dấu hiệu “bỏ rơi” lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Như Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, tại Văn bản số 179/BQLRPH-KH.BVR ngày 17/11/2022 nhìn nhận Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2022 và Thông tư số 12/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “là hai văn bản pháp lý quan trọng về cơ chế chính sách đầu tư hỗ trợ trong bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2021 - 2030; giải quyết được khoảng trống khi Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 kết thúc”; nhưng Thông tư 12/TT- BNNPTNT có bất cập trong quy định về đối tượng nhận khoán rừng, gây khó khăn cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ, và các đơn vị lâm nghiệp được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Ban này phân tích, Thông tư 12/TT-BNNPTNT chỉ quy định đối tượng nhận khoán rừng gồm hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư; các đơn vị vũ trang và tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương có rừng giao khoán. Trong khi đó, toàn tỉnh có hơn 131.000 ha rừng tự nhiên do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp và Tổng đội Thanh niên xung phong quản lý, bảo vệ thì lại không được nhắc đến.

“Thông tư 12/TT-BNNPTNT đã loại bỏ hoàn toàn đối tượng lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng của các Ban Quản lý rừng phòng hộ ra khỏi đối tượng hưởng thụ cơ chế, chính sách theo Quyết định 809 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.” - Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương chỉ ra bất cập.

Ông Lê Phùng Thiều (người ngồi giữa) và các cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương trao đổi, động viên lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Trạm Khe Vều ổn định tư tưởng, tập trung hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: C.T.V

Ông Lê Phùng Thiều (người ngồi giữa) và các cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương trao đổi, động viên lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Trạm Khe Vều ổn định tư tưởng, tập trung hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: C.T.V

Sở dĩ có đánh giá như vậy, theo ông Lê Phùng Thiều - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đã được quy định tại Điều 41, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Danh đã chính, ngôn đã thuận. Nhưng với quy định của Thông tư số 12/TT-BNNPTNT, thì lực lượng này lại bị bỏ quên, không được hưởng các chế độ, chính sách bảo vệ, phát triển rừng. Vì vậy, các đơn vị lâm nghiệp của tỉnh, như Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, sẽ không được phân bổ kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đồng nghĩa, sẽ không có nguồn để chi trả lương cho các lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng, họ sẽ không thể tham gia các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Và đời sống sẽ vô cùng khốn khó, trong khi các đơn vị sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng!

Phân tích của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương là có cơ sở. Vì trong nhiều năm qua, nguồn chi trả lương cho các hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng đều từ kinh phí bảo vệ rừng của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp. Và ngày 22/11/2022, Nghệ An được Trung ương cấp bổ sung hơn 54 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022. Nhưng do Thông tư số 12/TT-BNNPTNT quy định đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng không nhắc đến lực lượng hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng, nên tỉnh vẫn chưa thể cấp kinh phí trả lương cho họ từ nguồn kinh phí này, mà đang phải có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổng cục Lâm nghiệp làm rõ!

Nguy cơ vi phạm luật?

Mày mò lần giở Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 01/NĐ-CP của Chính phủ, thấy quy định rất rõ về tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, cũng như việc đảm bảo chế độ tiền lương và hỗ trợ khác cho lực lượng này. Đối với Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực thi hành tháng 1/2019), tại Khoản 1, Điều 41 quy định “Ban Quản lý rừng đặc dụng, Ban Quản lý rừng phòng hộ nơi không thành lập Kiểm lâm; doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng và đất rừng được tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng”. Và ở Khoản 3, Điều 41 thì quy định: “Chủ rừng có trách nhiệm trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; bảo đảm chế độ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật”.

Cuộc sống của chuyên trách bảo vệ rừng là những nơi thiếu thốn về mọi mặt, từ điện, nước sạch sinh hoạt, sóng điện thoại... Ảnh: C.T.V

Cuộc sống của chuyên trách bảo vệ rừng là những nơi thiếu thốn về mọi mặt, từ điện, nước sạch sinh hoạt, sóng điện thoại... Ảnh: C.T.V

Nghị định số 01/NĐ-CP về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được Chính phủ ban hành ngày 1/1/2019 (có hiệu lực từ ngày 15/2/2019) có hẳn Điều 16 quy định về “Đảm bảo hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng”. Theo Điều 16, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (gồm cả viên chức và hợp đồng lao động) cùng được “hưởng chế độ lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, tại Khoản 4, Điều 16 còn quy định chi tiết về kinh phí bảo đảm cho các hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng, với nội dung “Đối với chủ rừng là đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí hoạt động thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”.

Về chế độ tiền lương, Luật Lao động có đến 1 Chương, 14 Điều (Chương V, Điều 90 đến Điều 104) quy định. Trong đó, quy định rất chi tiết về tiền lương; mức lương tối thiểu; xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động; nguyên tắc trả lương; hình thức trả lương; kỳ hạn trả lương…

Trao đổi những quy định trên với một số nhà quản lý, họ nhìn nhận cách chi trả tiền lương cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong thời gian qua “là lương, nhưng chưa phải là lương”; và thấy, họ đang có nguy cơ vi phạm luật.

Như ông Lê Phùng Thiều - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương còn nêu lên thực tế, trong khi quy định của Luật Lao động thì làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm. Nhưng với các đơn vị bảo vệ rừng, chỉ trong 3 tháng mùa Hè phòng, chống cháy rừng thì số giờ làm thêm của người lao động đã vượt quá mức quy định; bên cạnh đó, đặc thù nghề bảo vệ rừng không được nghỉ ngày thứ Bảy, Chủ nhật, nhưng rất hạn chế thời gian bố trí nghỉ bù... Để rồi nhìn nhận “cơ chế, chính sách đang có nhiều bất cập, nên người sử dụng lao động có nguy cơ vi phạm Luật Lao động rất cao”.

Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Khắc Hải trao đổi với phóng viên. Ảnh: Nhật Lân

Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Khắc Hải trao đổi với phóng viên. Ảnh: Nhật Lân

Ở Chi cục Kiểm lâm, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng Nguyễn Khắc Hải là một trong những cán bộ hiểu sâu sát chế độ, chính sách đang áp dụng thực hiện đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Theo ông Hải, ngành đánh giá cao vai trò của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, khẳng định đây là lực lượng không thể thiếu của ngành Lâm nghiệp. Và vì nguyên nhân khách quan, việc áp dụng chính sách tiền lương cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hiện đang trái với quy định của luật. “Tiền lương cho họ lâu nay chưa thực sự đúng như tên gọi.” - ông Hải nói.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Khắc Hải, Chi cục Kiểm lâm đã báo cáo thực trạng, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chính sách cho lực lượng này. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp làm rõ quy định về đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng của Thông tư số 12/TT-BNNPTNT. Văn bản của Sở cũng nêu rõ thực tế ở Nghệ An có hơn 850 người thuộc lực lượng hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng, để hỏi Bộ và Tổng cục lực lượng này có được nhận khoán bảo vệ rừng; và có được sử dụng kinh phí từ Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững chi trả cho họ hay không?

Bữa cơm trên đường tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: C.T.V
Bữa cơm trên đường tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: C.T.V

“Chúng tôi cũng dự liệu, trong trường hợp chậm được làm rõ nội dung này, sẽ đề nghị Sở tham mưu cấp có thẩm quyền cho tạm ứng nguồn để cấp cho các đơn vị Lâm nghiệp chi trả tiền lương năm 2022 cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.” - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, ông Nguyễn Khắc Hải khẳng định.

Tồn tại phải được xử lý!

Dõi theo Kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh diễn ra từ ngày 7 - 9/12/2022, những vấn đề liên quan lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Thấy ở đó, có những ý kiến đầy trăn trở, tâm huyết.

Với đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương, khi điều hành phiên Thảo luận tổ đã đặt vấn đề: “Vừa qua Báo Nghệ An có những bài viết về lực lượng bảo vệ rừng. Bài báo nêu lực lượng bảo vệ rừng đã nghỉ 158 người do công việc quá lớn, áp lực; và một điều quan trọng nữa là lương không ổn định, hàng tháng nhận lương không đủ. Thậm chí, năm 2022 này chưa có lương. Về vấn đề này cần phải đặt câu hỏi: Rừng là vàng, tại sao người bảo vệ vàng lại phải bỏ chạy? Chúng ta phải làm thế nào để giữ được lực lượng này? Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã được các cấp, các ngành vào cuộc. Nhưng nếu chúng ta không đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động bảo vệ rừng thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương nói về tình trạng lực lượng bảo vệ rừng nghỉ việc tại phiên thảo luận tổ, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh ngày 7/12/2022. Ảnh: Phạm Bằng

Đại biểu Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương nói về tình trạng lực lượng bảo vệ rừng nghỉ việc tại phiên thảo luận tổ, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh ngày 7/12/2022. Ảnh: Phạm Bằng

Tham gia ý kiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá, việc để hàng trăm lao động chuyên trách bảo vệ rừng nghỉ việc là một tồn tại lớn. Ông xác định nguyên nhân là do bất cập từ chính sách, cụ thể như Thông tư số 12/TT-BNNPTNT, nhưng cũng xác định trách nhiệm của tỉnh khi chưa chủ động đón đầu để có giải pháp kịp thời.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đã nói: “Chúng ta phải nhìn nhận đây là một tồn tại, cần có giải pháp giải quyết”. Và ông đã đề ra giải pháp: "Chắc chắn rằng, người lao động phải được trả lương. 2 Bộ không trả thì tỉnh phải trả. Mà để tỉnh trả thì phải có chính sách. Vì vậy, cần giao cho UBND tỉnh xây dựng chính sách về phát triển lâm nghiệp trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt để trả lương cho người lao động…”.

Ngày 8/12/2022, tại phiên thảo luận ở hội trường, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục có những ý kiến về vấn đề lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc, đề nghị có giải pháp xử lý. Trao đổi nội dung này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ, để đảm bảo chế độ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND tỉnh đang lập hồ sơ đề nghị Thường trực HĐND tỉnh cho phép xây dựng Nghị quyết hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. “Mong HĐND tỉnh quan tâm xem xét…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi về chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại phiên thảo luận tại hội trường, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh, ngày 8/12/2022. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi về chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại phiên thảo luận tại hội trường, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh, ngày 8/12/2022. Ảnh: Thành Cường

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với 1.237.556,6 ha, trong đó, diện tích có rừng là 962.899 ha, diện tích rừng tự nhiên đến hơn 790.000 ha. Riêng các đơn vị Lâm nghiệp công lập, đang đảm trách quản lý hơn 318.000 ha rừng tự nhiên; trong đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của họ đang trực tiếp quản lý, bảo vệ hơn 131.000 ha, bên cạnh đó, còn phải thực hiện nhiều việc khác. Vì vậy, áp lực công việc rất lớn.

Cần nhìn nhận, Luật Lâm nghiệp và các quy định pháp luật khác liên quan đã quy định rõ về đảm bảo tiền lương và các chế độ khác cho họ, như Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương Lê Phùng Thiều trao đổi “danh đã chính, ngôn đã thuận”. Vì vậy, chế độ tiền lương và hỗ trợ khác cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phải được đảm bảo ổn định, đầy đủ, thường xuyên, đúng kỳ hạn. Vì rừng là vàng, là tài sản quốc gia, cần phải được gìn giữ, bảo vệ. Và vì đó là lợi ích hợp pháp, chính đáng của lực lượng này!

Tin mới