Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

(Baonghean.vn) - Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải; Điều chỉnh kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo đó, phấn đấu đến năm 2021, giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015; hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học); hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.213) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 184.832) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập;...

2. Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án "Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải".

Nhiệm vụ chủ yếu của Dự án là điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải trên phạm vi toàn quốc: Điều tra, tập hợp, thống kê toàn bộ nguồn thải trên phạm vi toàn quốc; rà soát, đánh giá, phân loại nguồn thải, chất thải, mức độ ảnh hưởng đến môi trường từ các chất thải; đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý nguồn thải.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải gồm: Xây dựng cấu trúc tổng thể của cơ sở dữ liệu về nguồn thải; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải, đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường), kết nối với các bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Đồng thời, rà soát, xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, quy định để quản lý, khai thác, vận hành, cập nhật, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về nguồn thải.

3. Điều chỉnh kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng đồng ý điều chỉnh kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ và bổ sung hạng mục nâng cấp, cải tạo các đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động lắp đặt cần chắn tự động và đường ngang có người canh gác vào Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt tại Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải rà soát và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh nêu trên, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và đảm bảo tính khả thi.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ về các đề xuất điều chỉnh, bổ sung nêu trên; chủ trì phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố có liên quan rà soát kỹ quy mô, sắp xếp thứ tự ưu tiên, triển khai đầu tư các dự án theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng và đầu tư công; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

4. Phối hợp ngăn chặn, điều tra buôn lậu
Ảnh minh họa Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 12/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 2/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định phối hợp trong ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Cụ thể, cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khi có yêu cầu.

5. Thủ tướng tặng Bằng khen các tuyển thủ U23 Việt Nam

Thủ tướng trao Bằng khen cho các cầu thủ U23 Việt Nam.
Thủ tướng trao Bằng khen cho các cầu thủ U23 Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen cho các cầu thủ U23 Việt Nam và trình Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể Đội tuyển, 3 Huân chương Lao động hạng Ba cho Huấn luyện viên Park Hang-seo, thủ môn Bùi Tiến Dũng và tiền vệ Nguyễn Quang Hải.

Đội tuyển U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo tham dự Vòng chung kết Giải bóng đá vô địch U23 châu Á từ ngày 9/1 tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Tại giải đấu tầm châu lục này, các cầu thủ Việt Nam đã thi đấu hết sức thành công khi lần đầu tiên lần lượt vượt qua vòng bảng, vòng tứ kết, vòng bán kết, thẳng tiến đến trận chung kết.

Trong từng trận đấu, các cầu thủ U23 Việt Nam đã thi đấu với tinh thần quật cường và quả cảm, thể hiện ý chí, bản lĩnh Việt Nam để giành chiến thắng trước các đối thủ hàng đầu châu lục.

6. Đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa, Phó Thủ tướng giao các bộ, cơ quan chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đóng góp các thông tin, dữ liệu công khai đối với các hoạt động chuyên ngành vào Hệ tri thức Việt số hóa theo nội dung nêu tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa và công văn số 186/BKHCN-TTKHCN ngày 19/1/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa; chịu trách nhiệm chủ trì, điều phối chung; tổng hợp, theo dõi và đánh giá mức độ phát triển của Hệ tri thức Việt số hóa; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền.

7. Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo quyết định, Tổng cục Khí tượng Thủy văn là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; cơ chế, chính sách và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm, chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ và công trình quan trọng quốc gia về khí tượng thủy văn; Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

8. Quy định hoạt động thương mại biên giới
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nghị định quy định thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới là thương nhân Việt Nam, bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo cam kết của các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Cửa khẩu biên giới thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Quản lý ngoại thương.

Trường hợp hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới thực hiện qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, UBND tỉnh biên giới quyết định, công bố Danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa sau khi trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành liên quan về việc đảm bảo có đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước.

Tin mới