Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

(Baonghean.vn) - Quy định công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước; Làm rõ phản ánh đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng; Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu trên biển; Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1.Quy định công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo quy định, hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển gồm: 1- Tiền mặt (tiền đồng Việt Nam), giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; 2- Tài sản quý (vàng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; 3-Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.

Lực lượng vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm: a- Đơn vị Cảnh sát nhân dân trực thuộc Bộ Công an có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan quản lý hàng đặc biệt ở trung ương yêu cầu; b- Đơn vị Cảnh sát nhân dân trực thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan quản lý hàng đặc biệt ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu.

2. Làm rõ phản ánh đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúcyêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương làm rõ phản ánh việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu.

Báo điện tử Vnexpress số ra ngày 26/1/2018 phản ánh "Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2015 và 5 kỳ điều hành năm 2016, việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành xăng dầu là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn đến giá cơ sở tăng lên, tạo một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối. Nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán hưởng lợi hơn 3.300 tỷ đồng".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương làm rõ việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2018.

3. Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu trên biển

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các lực lượng chức năng liên quan, (Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan...) làm tốt công tác thu thập, chia sẻ thông tin, điều tra cơ bản, nắm chắc đối tượng, địa bàn, phương thức, thủ đoạn để cùng xác lập các chuyên án lớn, làm chuyên sâu và phải mở rộng điều tra sau khi phá án nhằm đảm bảo đánh đúng, đánh trúng các đầu nậu buôn lậu, lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất để vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển, trọng tâm là các đối tượng trong nước.
4. Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, đối với dịch vụ thu ngân sách, 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
5. Ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp
Một trụ sở TAND cấp huyện
Một trụ sở TAND cấp huyện
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp nói chung và trụ sở Tòa án, Viện Kiểm sát nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Theo Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20/4/2017 và Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, các dự án xây dựng trụ sở của các cơ quan tư pháp cấp huyện (chưa có trụ sở) đã được bố trí đủ vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Đối với 35 Tòa án nhân dân cấp huyện và 33 Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện chưa có trụ sở, đang phải đi thuê, ngoài ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước hàng năm trong kế hoạch trung hạn được giao, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung ưu tiên đầu tư, kể cả ứng trước vốn kế hoạch để thực hiện, đồng thời chỉ đạo địa phương ưu tiên bố trí đất để xây dựng trụ sở với mục tiêu đầu tư trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp nói chung và trụ sở Tòa án, Viện Kiểm sát nói riêng, đảm bảo khang trang, hiện đại và đầy đủ tiện nghi, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Việc bố trí trang thiết bị làm việc cho ngành Tòa án, Viện Kiểm sát cũng đã và đang được đầu tư theo các Đề án giai đoạn III từ nguồn vốn sự nghiệp.

6. Quy định bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nghị định 23/2018/NĐ-CP áp dụng đối với: Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định79/2014/NĐ-CP (bên mua bảo hiểm); doanh nghiệp bảo hiểm; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Nghị định quy định: Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định.

Theo quy định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm:  a- Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; b- Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận. Cụ thể, đối với các tài sản quy định tại điểm a thì số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Đối với các tài sản quy định tại điểm b, số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản căn cứ theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu có liên quan.

7. Hoàn thiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm xi măng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo Bộ Xây dựng hoàn thiện Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, đưa một số nội dung cần thiết tại dự thảo Quy hoạch phát triển Công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, bảo đảm quản lý lĩnh vực xi măng chặt chẽ, cân đối cung cầu theo từng giai đoạn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, phù hợp với Luật quy hoạch năm 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tin mới