Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

(Baonghean.vn) - Thủ tướng chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN 2018; Thủ tướng yêu cầu điều tra rõ vụ việc đóng tàu cá kém chất lượng; 21 nhiệm vụ của Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Thực hiện nghiêm quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Thủ tướng chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN 2018

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 5/7/2017 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Chỉ thị nêu rõ, năm 2018, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,4-6,8%.

Các địa phương căn cứ số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) công bố, đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương ước thực hiện cả năm và dự báo triển vọng phát triển để xác định chỉ tiêu GRDP năm 2018 cho phù hợp.

2. Thủ tướng yêu cầu điều tra rõ vụ việc đóng tàu cá kém chất lượng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc làm rõ chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014.

Về vụ việc tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ tại một số địa phương không đảm bảo chất lượng để hoạt động thủy sản được báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8/2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ trên.

3. 21 nhiệm vụ của Tổng cục Phòng, chống thiên tai

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng cục Phòng, chống thiên tai là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai, đê điều trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ của Tổng cục Phòng, chống thiên tai là trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; phòng ngừa và kiểm soát rủi ro thiên tai; ứng phó thiên tai; khắc phục hậu quả thiên tai; truyền thông và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; tiếp công dân; giải quyết kiến nghị khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền...

4. Rà soát khả năng cân đối nguồn vốn các Chương trình mục tiêu

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc rà soát khả năng cân đối nguồn vốn cho các Chương trình mục tiêu.

Để bảo đảm tính tổng thể, khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ là Chủ trương trình và Văn phòng Chính phủ khẩn trương rà soát tình hình bố trí và khả năng cân đối nguồn vốn cho các Chương trình mục tiêu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2017.

5. Thực hiện nghiêm quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc thực hiện phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, địa phương liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghiêm Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;  Tổ chức khảo sát thực tế, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 154/2016/NĐ-CP, trên cơ sở đó tổng hợp vướng mắc, khó khăn phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Đơn giản hóa TTHC 15 lĩnh vực ngành tư pháp

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

Theo đó, sẽ đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực lý lịch tư pháp; lĩnh vực nuôi con nuôi; lĩnh vực thi hành án dân sự; lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; lĩnh vực bồi thường nhà nước; lĩnh vực chứng thực; Lĩnh vực quốc tịch; lĩnh vực hộ tịch; lĩnh vực trợ giúp pháp lý; lĩnh vực công chứng; lĩnh vực luật sư; lĩnh vực trọng tài thương mại; lĩnh vực tư vấn pháp luật; lĩnh vực đấu giá tài sản; lĩnh vực quản tài viên.

7. Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng; tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu từ khâu sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu;

Tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu; khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường, thúc đẩy xuất khẩu góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân, thực hiện các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo.

8. Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức Tổng cục Thuỷ sản

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 27/2017/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuỷ sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, Tổng cục Thủy sản là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy sản trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Thuỷ sản có nhiệm vụ và quyền hạn về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản; đăng ký, đăng kiểm tàu cá; đóng mới, cải hoán tàu cá; nuôi trồng thủy sản; kiểm ngư; ...

9. Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025.

Mục tiêu của Đề án là nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Phấn đấu đến năm 2025 đạt được 5 mục tiêu.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

10. Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020.

Chương trình thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020 gồm 3 dự án thành phần: 1- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; 2- Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hoá; 3- Phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; phát triển các công trình văn hóa hiện đại, có ý nghĩa biểu tượng quốc gia, ý nghĩa chính trị, lịch sử, truyền thống đặc sắc hướng tới mục tiêu chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới