Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

(Baonghean.vn) - Quy chế hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; Triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam; Đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Quy chế hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1289/QĐ-TTg kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ điều phối trong việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao khi các Bộ, cơ quan, địa phương có ý kiến khác nhau. 

2. Triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Mục đích nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời gian, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là các bộ), các địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên phạm vi cả nước.

Đồng thời, xác định cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên phạm vi cả nước.

Theo Kế hoạch, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất ban hành văn bản mới cho phù hợp với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

3. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (điều chỉnh).

Theo điều chỉnh, đến năm 2020, ngành than đầu tư xây dựng mới các nhà máy sàng tuyển than như: Vàng Danh 2 công suất khoảng 2,0 triệu tấn/năm; Khe Thần công suất khoảng 2,5 triệu tấn/năm; Trung tâm chế biến và Kho than tập trung vùng Hòn Gai công suất khoảng 5,0 triệu tấn/năm (xây dựng mới modul 1 công suất 2,5 triệu tấn/năm tại Phường Hà Khánh và duy trì nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng đến hết năm 2018; sau năm 2018 di chuyển nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng về vị trí Trung tâm chế biến và Kho than tập trung đã xây dựng để lắp đặt thành modul 2 công suất 2,5 triệu tấn/năm); Khe Chàm công suất khoảng 7,0 triệu tấn/năm; Lép Mỹ công suất khoảng 4,0 triệu tấn/năm.

4. Đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, góp phần đạt chỉ tiêu 26,5 giường bệnh/10.000 dân; tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn thành 64 dự án chuyển tiếp đã được đầu tư trong giai đoạn 2011- 2015 nhưng chưa hoàn thành do thiếu vốn và triển khai thực hiện tối thiểu 28 dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 và tăng lên khi được bổ sung nguồn ngân sách trung ương nhưng tối đa không quá 52 dự án.

Tổng vốn thực hiện Chương trình là 19.829 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 22.500 tỷ đồng), trong đó vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương là 2.389 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 5.060 tỷ đồng); vốn ODA và viện trợ 4.940 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương và xổ số kiến thiết 10.000 tỷ đồng; nguồn vốn khác 2.500 tỷ đồng.

5. Kịp thời thông tin thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Mỹ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thông tin phản ánh thay đổi chính sách nhập khẩu của Mỹ.

Trước đó, tại văn bản điểm một số tin kinh tế-xã hội ngày 22/8/2017 phản ánh nội dung, trong 7 tháng qua, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩn Mỹ (FDA) đã có 32 lệnh cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, do doanh nghiệp không nắm bắt kịp thời, chưa thích ứng được với thay đổi chính sách nhập khẩu của Mỹ. Hàng loạt doanh nghiệp đang xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ đã bị loại khỏi thị trường do không kịp thời đáp ứng những quy định mới (báo Sài Gòn Giải phóng điện tử ngày 22/8/2017).

Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt những thay đổi trong chính sách, quy định nhập khẩu của Mỹ và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để có biện pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

6. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu, giải trình các kiến nghị của các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật BHYT, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật BHYT và các luật có liên quan, phù hợp với thực tiễn, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và khả năng cân đối của Quỹ BHYT. Đối với các nội dung không tiếp thu, phải có giải trình cụ thể, thuyết phục.

Bên cạnh đó, phải có báo cáo đánh giá toàn diện về kết quả thực thi Luật BHYT, tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHYT, kiến nghị cụ thể các giải pháp xử lý, báo cáo Chính phủ.

Các Bộ: Y tế, Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách BHYT.

Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường phối hợp trong xây dựng và thực hiện chính sách BHYT; chủ động trao đổi tháo gỡ các vướng mắc, có quy chế bảo đảm việc phối hợp giữa 2 cơ quan được thường xuyên, kịp thời, hiệu quả.

7. Yêu cầu kiểm tra thông tin doanh nghiệp tố hải quan 'ăn' tiền

Kiểm tra hàng hóa tại một cửa khẩu (Ảnh minh họa)
Kiểm tra hàng hóa tại một cửa khẩu (Ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, xử lý thông tin đăng trên báo Tiền phong qua bài viết: "Doanh nghiệp lại bức xúc tố hải quan "ăn" tiền không có hóa đơn".

Trước đó, ngày 19/8/2017 báo Tiền phong đăng bài "Doanh nghiệp lại bức xúc tố hải quan "ăn" tiền không có hóa đơn", trong đó nêu: "Sau hơn một năm đại diện Phòng Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang tố phải trả chi phí ngoài không có hóa đơn cho cán bộ hải quan cảng Đình Vũ, ngày 18/8, đích thân Chủ tịch công ty, ông Đào Hữu Huyền lên tiếng cho biết doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí ngoài cho hải quan với mức giảm từ 10 triệu đồng xuống còn 5 triệu đồng/container".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, xử lý trước ngày 30/9/2017.

8. Dự báo sát nhu cầu giáo viên, khắc phục thừa, thiếu cục bộ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc số lượng giáo viên đào tạo lớn hơn nhu cầu sử dụng dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm khó tìm được việc làm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng điểm tuyển sinh vào một số trường cao đẳng, đại học ngành sư phạm thấp.

Để khắc phụ những hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các bộ, ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát, thống kê số lượng giáo viên từng cấp, từng môn. Trên cơ sở đó dự báo sát nhu cầu đào tạo, đào tạo lại, khắc phục bằng được thừa, thiếu cục bộ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, xây dựng tiêu chí chuẩn các trường sư phạm ở địa phương để quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm theo hướng hình thành một số trường trọng điểm (có thể có phân hiệu ở các địa phương) để bảo đảm chất lượng đào tạo giáo viên một cách đồng đều. Nâng chuẩn chất lượng giáo viên các cấp học.

9. Kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi phá hoại rừng tự nhiên

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm quy định, phá hoại rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc.

Thời gian gần đây, báo Thanh tra đưa tin: Rất nhiều lực lượng tham gia nhận khoán, bảo vệ, trông coi tại Vườn quốc gia Ba Bể, nhưng những cây gỗ nghiến quý hiếm vẫn bị chặt hạ; trong đó có nhiều cây gỗ nghiến bị chặt hạ ngay tại nơi Công an huyện và Ban chỉ huy quân sự huyện Ba Bể nhận giao khoán, bảo vệ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm quy định, phá hoại rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

10. Rà soát lại đề xuất Dự án tuyến đường bộ ven biển

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Trước đó, Công ty cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương và Công ty TNHH Thương mại Khiên Hà có đề nghị liên quan đến việc hoạt động của các nhà máy đóng tàu bị ảnh hưởng do dự án cầu vượt trên sông Văn Úc, thành phố Hải Phòng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát lại đề xuất Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9/2017.

Dự án xây dựng đoạn tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua Hải Phòng và tỉnh Thái Bình dài 29,7 km đường bộ (20,782 km thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng và 8,925 km thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình).

Trên đoạn tuyến từ Hải Phòng - Thái Bình sẽ có 8 cây cầu được xây dựng. Trong đó, có 2 cây cầu lớn nhất là cầu vượt qua sông Văn Úc dài gần 2 km và cầu vượt sông Thái Bình dài hơn 1 km.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới