Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

(Baonghean.vn) - Việt Nam không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài; Việt Nam không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài;  Quy định mới về kinh doanh rượu; Cơ chế tài chính đối với Cục viễn thông;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Hoàn thiện Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, triển khai khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương để đánh giá đầy đủ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức; lưu ý hệ thống trang thiết bị, phầm mềm, đề xuất phương án đầu tư cụ thể, hợp lý trên cơ sở kế thừa tối đa cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục những vướng mắc trong quá trình áp dụng thí điểm thời gian qua. Đối với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đang vận hành hiệu quả, nên hướng tới giải pháp tích hợp và đồng bộ theo quy chuẩn chung.

Đồng thời xác định rõ phạm vi áp dụng của Cơ sở dữ liệu, các giải pháp kỹ thuật, phương án công nghệ bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, tính bảo mật và xác thực, trách nhiệm của các cơ quan tích hợp và chia sẻ thông tin, mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu dùng chung với các cơ sở dữ liệu đang triển khai, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tương thích, tránh chồng chéo, gây lãng phí.

2. Việt Nam không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo Tuổi trẻ online ngày 13/7/2017 có đăng bài "Campuchia cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn". Theo bài báo trên, lệnh cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia là vì các vấn đề môi trường. Trước đó, cũng vì lo ngại về môi trường, Malaysia đã bắt đầu lệnh cấm xuất khẩu cát từ năm 1997.

Về thông tin này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Xét báo cáo của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu việc ngừng xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia và ảnh hưởng tới thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam và có giải pháp phù hợp để hướng dẫn các địa phương chủ động bảo đảm ổn định thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn. Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài.

3. Quy định mới về kinh doanh rượu

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu.

Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu gồm: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

Nghị định có hiệu lực từ 1/11/2017.

4. Cơ chế tài chính đối với Cục viễn thông

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 39/2017/QĐ-TTg về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục viễn thông.

Theo đó, Cục viễn thông được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017; thay thế Quyết định số 35/2011/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục viễn thông trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

5. Ưu tiên hỗ trợ HTX đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước được quy định tại điểm g khoản 1, khoản 9 Điều 19 và điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thuê đất, thuê mặt nước và khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Khuyến khích thành viên, hợp tác xã thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mặt nước để làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

6. Thay đổi thành viên BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông (ảnh phải). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông (ảnh phải). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải thay thế ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải được nghỉ hưu theo chế độ.

Theo Quyết định 442/QĐ-TTg ngày 28/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hằng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.

7. Chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các văn bản của Bộ bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục của địa phương theo quy định; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu các khoản thu theo đúng quy định.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm; kịp thời hỗ trợ các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở giáo dục ở khu vực khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, bảo đảm tất cả học sinh được đi học đầy đủ.

9. Quy định mới về quản lý phân bón

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau:

1- Tổ chức, cá nhân được đăng ký hoặc thành lập theo quy định của pháp luật;

2- Có cửa hàng buôn bán phân bón. Cửa hàng buôn bán phân bón phải có: Biển hiệu, sổ ghi chép việc mua, bán phân bón; bảng giá bán công khai từng loại phân bón niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc;

3- Có khu vực chứa phân bón; có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng;

4- Người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.

Trường hợp cơ sở buôn bán phân bón không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp; có sổ ghi chép việc mua, bán phân bón và đáp ứng quy định về người trực tiếp bán phân bón.

10. Hỗ trợ gạo cho người dân bị thiệt hại do bão số 10

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ gạo cho tỉnh Hà Tĩnh để cứu đói cho các hộ bị ảnh hưởng của bão, có nguy cơ thiếu đói. UBND tỉnh Hà Tĩnh rà soát, xác định cụ thể nhu cầu, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương khẩn trương xử lý cụ thể việc xuất cấp theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ trực tiếp 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng lại 2 cột phát sóng truyền hình tại huyện Hương Khê và thị xã Kỳ Anh bị đổ, gãy do bão số 10 vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý hỗ trợ trước 3.000 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình để thực hiện việc cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng sau bão số 10.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xử lý hoặc đề xuất xử lý việc hỗ trợ giống lúa, giống rau cho tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Bình để hỗ trợ người dân, bảo đảm mùa vụ.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới