Chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

(Baonghean.vn) -Ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Phân công chuẩn bị phiên họp thứ 8 UBTVQH;Giới hạn mức đặt cược đua ngựa, bóng đá quốc tế; Lưu chiểu điện tử báo nói, báo hình, báo điện tử;  Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020;... là những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tuần qua.

1. Ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chương trình nhằm xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TW, bảo đảm đúng quan điểm đã đề ra trong Nghị quyết.

Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, phương pháp tiến hành ở các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW. Đồng thời, Chương trình hành động này là cơ sở để kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

Đồng thời, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trọng tâm, trọng điểm, kiên trì, thường xuyên với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của các cấp, các ngành; gắn với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết khác để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình, tạo niềm tin trong Đảng, trong Nhân dân, tạo động lực làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

2. Phân công chuẩn bị phiên họp thứ 8 UBTVQH

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mac Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mac Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chuẩn bị Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quy hoạch.

Bộ trưởng Tài chính chuẩn bị dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi); phối hợp chuẩn bị Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy do Bộ trưởng Bộ Công an chuẩn bị.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chuẩn bị Báo cáo về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phối hợp chuẩn bị Báo cáo về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật đường sắt (sửa đổi); Dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Dự án Luật thủy sản (sửa đổi) sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị;  Bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp chuẩn bị Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý ngoại thương.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị dự thảo Nghị định của Chính phủ về hoạt động triển lãm; phối hợp chuẩn bị Báo cáo về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật du lịch; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chuẩn bị Báo cáo về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Tổng Thanh tra Chính phủ chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo.

3. Giới hạn mức đặt cược đua ngựa, bóng đá quốc tế

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, mức đặt cược tối đa mỗi người chơi trong một ngày cho từng sản phẩm đặt cược tại một doanh nghiệp kinh doanh đặt cược là 1 triệu đồng. Mức đặt cược tối thiểu cho một lần đặt cược là 10.000 đồng.

Đối với đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó, sản phẩm đặt cược dựa trên thứ hạng của ngựa đua, chó đua khi về đích trong cuộc đua ngựa, đua chó do doanh nghiệp kinh doanh đặt cược tổ chức.

Đối với đặt cược bóng đá quốc tế, sản phẩm đặt cược dựa trên tỷ số của trận đấu, hiệp đấu, các sự kiện xảy ra trong trận đấu và thứ hạng trong giải đấu. Trận đấu, giải đấu được lựa chọn làm căn cứ kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế phải là các trận đấu, giải đấu thi đấu bóng đá quốc tế được Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) công bố, phê chuẩn.

4. Lưu chiểu điện tử báo nói, báo hình, báo điện tử

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí.

Theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử.

Chậm nhất 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo về phương án kết nối, cơ quan báo nói, báo hình và báo điện tử phải có văn bản trả lời, thống nhất việc kết nối với cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử.

Sau khi kết nối, cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử kiểm tra, đảm bảo tác phẩm đã được lưu tại hệ thống và xác nhận với cơ quan báo chí sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tác phẩm báo chí.

Cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử tổ chức lưu giữ nguyên trạng nội dung tác phẩm báo chí trên hệ thống lưu chiểu; tổ chức phân loại nội dung để lưu giữ phục vụ công tác quản lý.

5. Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Các Tổng công ty Phát điện sau khi cổ phần hóa chịu trách nhiệm thực hiện các dự án đầu tư nguồn điện mới được giao theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các Tổng công ty Phát điện xây dựng và thực hiện các đề án nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh cao, sản xuất kinh doanh có lãi, tăng dần tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; khuyến khích các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo đáp ứng đủ điều kiện được quyền tham gia trực tiếp Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm.

Tiếp tục duy trì mô hình tổ chức của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do EVN làm đại diện nắm giữ 100% vốn điều lệ.

6. Cần tái cơ cấu ngành Công Thương mạnh mẽ hơn

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đó là nội dung trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành Công Thương.

Thông báo kết luận nêu rõ, định hướng chiến lược đối với ngành Công Thương là phát triển ngành công nghiệp Việt Nam theo hướng giảm phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh không bền vững, từ dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, than đá, quặng…), chuyển dịch sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, trước mắt vẫn dựa vào công nghiệp giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao, tài nguyên khoáng sản.

Tiếp tục khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển ngày càng lớn mạnh, trừ một số lĩnh vực quan trọng nhà nước cần chi phối.

7. Hướng dẫn thành lập các tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn việc thực hiện khoản 2, điều 9, Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm căn cứ hướng dẫn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 và các văn bản liên quan quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội cho các chủ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện.

8. Đề xuất giảm giấy tờ kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc rà soát các thủ tục, giấy tờ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu hiện đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, cấp nhiều chứng từ kiểm tra chuyên ngành để thống nhất đề xuất phương án đổi mới kiểm tra chuyên ngành phù hợp theo hướng giảm các loại giấy tờ, chứng nhận kiểm tra chuyên ngành nhưng vẫn bảo đảm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu cần thiết về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, môi trường...; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới