Chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

(Baonghean.vn) - Thủ tướng yêu cầu báo cáo về chất lượng dịch vụ y tế; Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Kế hoạch hoạt động năm 2018 của BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ;

1. Thủ tướng yêu cầu báo cáo về chất lượng dịch vụ y tế

Nhiều bệnh viện ở TP.HCM hiện nay rơi vào tình trạng bị quá tải. Ảnh: Tuổi trẻ
Nhiều bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh hiện nay rơi vào tình trạng bị quá tải. Ảnh: Tuổi trẻ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế báo cáo trước ngày 28/2/2018 về nội dung báo chí phản ánh liên quan đến chất lượng dịch vụ y tế.

Trước đó, báo Tuổi trẻ đưa tin về kết quả khảo sát mới nhất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, dù giá dịch vụ y tế đã điều chỉnh tăng cao nhưng chất lượng dịch vụ y tế vẫn "giẫm chân" tại chỗ. Đặc biệt là chất lượng phòng bệnh vẫn còn kém rất xa. Những bất hợp lý này đang đổ lên đầu người bệnh. Tại nhiều địa phương, chi phí tiền giường bệnh cao hơn rất nhiều so với tiền thuốc trong tổng chi phí khám chữa bệnh.

2. Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.
Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (gọi tắt là THTK, CLP) năm 2018 là tiếp tục đẩy mạnh THTK, CLP trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác THTK, CLP với những kết quả cụ thể; tập trung xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả THTK, CLP nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
3. Kế hoạch hoạt động năm 2018 của BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo đó, năm 2018, Ban Chỉ đạo tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011, Nghị quyết số 36a/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02 /2016, Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 04/5/2017; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính;

Tăng cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính; giải quyết các kiến nghị của bộ, ngành, địa phương liên quan đến cải cách hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các bộ, ngành, địa phương; triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính";

Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của Chính phủ; Tổ chức kết nối, liên thông, điều phối, tích hợp, chia sẻ thông tin giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương; xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Khẩn trương ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, tỉnh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo đó, đối với các dự án công nghệ thông tin hoặc kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin được thực hiện từ năm 2018 trở đi, phải có yêu cầu, nội dung về kết nối, chia sẻ và liên thông các cấp. Khi đầu tư hoặc thuê dịch vụ các hệ thống xử lý thủ tục hành chính, phục vụ phát triển Chính phủ điện tử phải tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ (đối với cấp Bộ), Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh (đối với tỉnh) đã được phê duyệt.


Các bộ, cơ quan hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng; phối hợp với các địa phương nghiên cứu các giải pháp để tận dụng dữ liệu phát sinh trong quá trình các địa phương khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu, phần mềm do địa phương chủ động đầu tư, xây dựng, tránh lãng phí nguồn lực cập nhật, duy trì dữ liệu...

5. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển KTXH

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 219/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2016 - 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo đó, nhiệm vụ chính của EVN là đầu tư phát triển các dự án, công trình nguồn điện và lưới điện được giao trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các địa phương, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư. Nghiên cứu đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình điện.

Bên cạnh đó, vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh cung ứng điện và hiệu quả kinh tế vận hành hệ thống điện.

6. Lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN

Vận hành thiết bị cung cấp điện tại nhà máy điện Cà Mau 1 thuộc PV Power. Ảnh minh họa
Vận hành thiết bị cung cấp điện tại nhà máy điện Cà Mau 1 thuộc PV Power. Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục cơ cấu lại toàn diện doanh nghiệp nhà nước để lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với từng doanh nghiệp; đồng thời, cải thiện điều kiện kinh doanh, môi trường pháp lý hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1.000.000 doanh nghiệp hoạt động...

Năm 2018 là năm đặc biệt quan trọng trong kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020, với số lượng doanh nghiệp sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn lớn, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, việc xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp phức tạp, mất nhiều thời gian. Vì vậy, để hoàn thành và vượt kế hoạch nhiệm vụ năm 2018 đề ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ, các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tin mới